Đọc “Dự thảo” đoán “Chuyên viên” (2)

01/06/2021 07:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài chuyên viên, liệu Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có cần thêm chuyên gia về pháp luật cũng như chuyên gia ngôn ngữ?

(Tiếp theo phần 1)

Điều 2: Giải thích từ ngữ

Dự thảo viết: “Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông” giảng dạy cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là “Khối lượng kiến thức cơ bản trong Chương trình giáo dục trung học phổ thông”,…

Có hay không một văn bản quy phạm pháp luật quy định “Khối lượng kiến thức cơ bản trong Chương trình giáo dục trung học phổ thông”?

Được biết “Chương trình giáo dục phổ thông” (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) bao gồm:

1. Chương trình tổng thể.

2. Các chương trình môn học và hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Tuy nhiên, Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT không có điều nào quy định “Khối lượng kiến thức cơ bản trong Chương trình giáo dục trung học phổ thông”.

Tuy nhiên phụ lục trong Dự thảo lại có thể tìm thấy “Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp trung học phổ thông”.

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Moet.gov.vn)

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Moet.gov.vn)

Cũng cần nói thêm khái niệm “Bậc học” và “Cấp học” trong Chương trình tổng thể không phù hợp với quy định trong Luật Giáo dục 2019.

Thông tin trong một bài đăng trên báo Giaoducthoidai.vn ngày 14/01/2021 cho biết “Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông tối thiểu trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, phải chăng đây chính là dự thảo được đề cập trong bài viết này? [2]

Điều này có nghĩa là hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định “khối lượng kiến thức cơ bản trong chương trình giáo dục trung học phổ thông” áp dụng cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp và vì thế việc quy định số môn học (hai môn bắt buộc, một số môn tự chọn) cho học sinh trung cấp nghề trong Dự thảo có phải là hơi tùy tiện?

Mặt khác, cùng là dự thảo “Thông tư” của Bộ trưởng, lúc thì là “khối lượng kiến thức cơ bản” lúc lại là “khối lượng kiến thức tối thiểu”, vậy sẽ còn bao nhiêu loại “khối lượng kiến thức” mà các chuyên viên giúp việc Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ tiếp tục sáng tạo thêm?

Người viết cho rằng chọn cụm từ “khối lượng kiến thức tối thiểu” là phù hợp.

Chừng nào một văn bản quy phạm pháp luật quy định “Khối lượng kiến thức tối thiểu” dạy cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp nghề (hoặc “9+”) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được công bố thì chừng đó chưa thể ban hành Thông tư “Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp” trừ trường hợp chính trong Thông tư này có các điều khoản quy định phù hợp.

Điều 3: Mục đích giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông

1. Giúp cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để sử dụng trong việc theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

2. Học sinh được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được bảo lưu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông nếu có nguyện vọng hoàn thành Chương trình giáo dục trung học phổ thông.

Có hai vấn đề cần giải thích:

Thế nào là “Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông” và

Thế nào là “Chương trình giáo dục trung học phổ thông”?

“Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông” trong Thông tư này được hiểu chỉ là “khối lượng kiến thức tối thiểu” mà học sinh trung cấp nghề phải học còn “Chương trình giáo dục trung học phổ thông” cũng chỉ là chương trình tối thiểu (07 môn) được dạy tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Phải nói rõ như vậy để tránh chuyện lập lờ rằng hoàn thành Chương trình giáo dục trung học phổ thông (theo Thông tư này) là hoàn toàn giống như học sinh học xong chương trình trung học phổ thông 12 năm (theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT).

Điều 13: Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định tại Thông tư này.

2. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với việc tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư này theo quy định của pháp luật

Vấn đề cần làm rõ là các “cơ sở giáo dục” thuộc “phạm vi quản lý” của các Sở Giáo dục và Đào tạo là những loại cơ sở nào, có bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp?

Nếu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không nằm trong phạm vị điều chỉnh của Thông tư này thì có cần phải ban hành Thông tư?

Còn nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn đưa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào “phạm vi quản lý” của các Sở Giáo dục và Đào tạo thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có đồng ý?

Có thể thấy bằng Dự thảo Thông tư này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn thể hiện rõ ràng quan điểm:

Thứ nhất, hoạt động giáo dục kiến thức trung học phổ thông cho học sinh (trong đó có học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) hoàn toàn do ngành Giáo dục quản lý.

Thứ hai, nếu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các đơn vị/trung tâm đảm nhận việc giảng dạy và thi cấp giấy chứng nhận kiến thức văn hóa trung học phổ thông thì các đơn vị này phải chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thứ ba, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ được phép tổ chức dạy và học từ 4 đến 6 môn tùy theo ngành nghề nhưng không được dạy 07 môn theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Nói cách khác học sinh hoàn thành chương trình dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể liên thông lên cao đẳng nhưng không thể liên thông lên đại học ngoại trừ việc tham dự kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông và có bằng tốt nghiệp.

Người viết ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đoán rằng phản ứng của dư luận, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ không như vậy.

Nếu gặp phải những phản ứng quyết liệt, những người chắp bút Dự thảo Thông tư sẽ vui vẻ viết lại hay kiên quyết bảo lưu quan điểm?

Điều người viết muốn nhấn mạnh là Thông tư của Bộ trưởng thì chịu trách nhiệm cuối cùng về các điều khoản trong Thông tư chính là Bộ trưởng chứ không phải người viết Dự thảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có một lực lượng chuyên viên hùng hậu là điều không phải bàn luận nhưng ngoài chuyên viên, liệu Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có cần thêm chuyên gia về pháp luật cũng như chuyên gia ngôn ngữ?

Hay truyền thống làm việc lâu nay là cứ làm, nếu bị chỉ ra chỗ sai thì… sửa.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/se-thi-diem-dao-tao-trinh-do-cao-dang-cho-hoc-sinh-tot-nghiep-thcs-621768/

[2] https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/quy-dinh-khoi-luong-kien-thuc-van-hoa-thpt-toi-thieu-trong-truong-nghe-tyCDvifGR.html

Xuân Dương