Hộ khẩu không phải là nguyên nhân duy nhất tạo sự bất công trong giáo dục

14/08/2020 09:49
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có thể thấy không chỉ hộ khẩu, chính sách giáo dục và hệ thống cơ sở giáo dục phổ thông cũng là một nguyên nhân tạo nên bất công xã hội.

Một cặp vợ chồng trẻ, chồng quê Chí Linh - Hải Dương, vợ quê Thanh Hóa, cả hai làm việc tại Hà Nội, kể chuyện xin cho con vào học lớp 1 tại một trường thuộc một quận nội thành: “Người ta gợi ý chúng cháu chuẩn bị 50 triệu đồng, nếu không thì tìm chỗ khác”.

Lý do người “hảo tâm giúp đỡ” đưa ra là vì: “Chúng cháu không có hộ khẩu Hà Nội”!

Không phải chỉ người ngoại tỉnh, ngay người có hộ khẩu “chính chủ” tại Hà Nội cũng bị quyển sổ hộ khẩu này làm cho khốn khổ.

Tại Hà Nội, thi vào lớp 10 phải theo “Khu vực tuyển sinh”:

Theo quy định tại Quyết định số 1612/QĐ-UBND, về “Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021:

“Đối với các trường trung học phổ thông công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã;… Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào hai (02) trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh”.

Riêng các trường trung học phổ thông tự chủ tài chính, trung học phổ thông ngoài công lập thì “được tuyển học sinh vào lớp 10 không phân biệt khu vực tuyển sinh”.

Vì sao hai loại hình trường này lại được tuyển học sinh vào lớp 10 không phân biệt khu vực tuyển sinh?

Có nhiều lý do nhưng lý do đầu tiên là vì các cơ sở giáo dục này không được bao cấp từ ngân sách nhà nước, họ tự làm, tự nuôi sống đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhà đầu tư bằng học phí do người dân đóng góp nên họ tuyển sinh thế nào tùy ý.

Quyết định số 1612/QĐ-UBND đã cố tình né chuyện hộ khẩu khi đề cập đến “Khu vực tuyển sinh” theo “địa giới hành chính”, vậy phải hiểu thế nào về quy định tại Hà Nội?

“Khu vực tuyển sinh” sẽ dựa vào nơi sinh sống thực tế hay dựa vào hộ khẩu thường trú của cha mẹ và/hoặc học sinh?

Giáo dục Hà Nội đang phải nỗ lực giải bài toán sĩ số lớp quá đông. (Ảnh minh họa: Vũ Phương)

Giáo dục Hà Nội đang phải nỗ lực giải bài toán sĩ số lớp quá đông. (Ảnh minh họa: Vũ Phương)

Báo Hanoimoi.vn (Cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô) viết:

“Học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực tuyển sinh nào được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường trung học phổ thông công lập trong khu vực tuyển sinh đó”. [1]

Như vậy, những người sinh sống và làm việc tại Hà Nội và/hoặc con em họ không có “hộ khẩu thường trú” thì chắc chắn không được tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố.

Chính “hộ khẩu” là nguyên nhân của những bất công xã hội, tạo nên xung đột lợi ích trong dân chúng dù ai cũng biết việc duy trì “hộ khẩu” như hiện nay là vi hiến.

Theo Hiến pháp, công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú, tự do đi lại, nếu đã tự do cư trú thì vì sao lại không được vào học trường công lập khi không có “hộ khẩu thường trú”?

Thảo luận về Luật Cư trú, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng:

“Những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu đều do chúng ta đặt ra. Vậy thì chúng ta bỏ đi, cải cách, đổi mới đi. Tại sao cứ bám những cái mình không quản được? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì tiến bộ, hiện đại, tốt cho dân thì phải làm chứ”. [2]

Có thể thấy với quyết tâm của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an, “hộ khẩu” chắc chắn sẽ sớm bị khai tử.

Vấn đề là sau khi vấn nạn “hộ khẩu thường trú” không còn thì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố, thị xã khác trên cả nước sẽ biến tướng như thế nào?

Có thể dự đoán kỳ thi này sẽ vẫn được duy trì bởi mục đích của nó không chỉ là tuyển chọn học sinh tốp trên vào trường công lập mà còn nhằm loại một lượng khá lớn học sinh do trường công không đủ chỗ cho tất cả.

Quyết định số 1612/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội cho thấy năm học 2019-2020, dự kiến toàn thành phố có 107.246 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Thành phố sẽ tuyển vào trung học phổ thông công lập 66.492 học sinh (62%), các trường ngoài công lập tuyển 21.450 học sinh (20%), công lập tự chủ tuyển 2.788 học sinh (2,6%), số còn lại sẽ theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (15,4%).

Đến đây có thể thấy không chỉ hộ khẩu, chính sách giáo dục và hệ thống cơ sở giáo dục phổ thông cũng là một nguyên nhân tạo nên bất công xã hội.

Căn cứ vào Nghị quyết số 13/2016/NQ-HDND, sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết số 02/2018/NQ-HDND của Hội đồng nhân dân thành phố thành phố Hà Nội, mức chi ngân sách cho giáo dục phổ thông bình quân là 7,3 triệu đồng/học sinh/năm;

Riêng mức chi cho giáo dục thường xuyên (bao gồm: Học viên xóa mù chữ và phổ cập tiểu học; học viên chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở; học viên chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông) là: 3.520.000 đồng/học viên/năm.

Cùng là học sinh phổ thông công lập, học sinh tại các trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ được ngân sách chi cho chưa bằng 50% so với các trường?

Cùng là học sinh phổ thông, học trường ngoài công lập không được hưởng phần chi từ ngân sách dù ngân sách chủ yếu thu từ tiền thuế - trong đó có cha mẹ học sinh trường ngoài công lập - đóng góp.

Khả năng tiếp thu kiến thức yếu của một bộ phận học sinh là sự thiệt thòi của số phận, học sinh không có điều kiện học thêm tại các “lò luyện” là do cha mẹ không có điều kiện.

Phải chăng chính sách giáo dục nhiều địa phương đang áp dụng đã góp phần làm khó thêm một bộ phận dân cư vốn đã bị thiệt thòi bởi những nguyên nhân khách quan?

Do khó khăn về kinh tế, Nhà nước chưa thể ban hành chính sách miễn học phí với học sinh phổ thông thì ít nhất cần phải giảm thuế thu nhập cá nhân với cha mẹ học sinh hoặc hỗ trợ học phí cho con em họ đang theo học tại trường tư thục.

Thật vô lý khi phụ huynh của 21.450 học sinh lớp 10 ngoài công lập tại Hà Nội phải bỏ tiền cho con em học trường tư nhưng vẫn phải nộp thuế để chi trả cho 66.492 học sinh trường công lập.

Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2019, có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.

Theo đó, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Vấn đề phải hiểu thế nào là “địa bàn không đủ trường công lập”?

Một số trường tiểu học tại Hà Nội sĩ số lớp 1 lên tới 70 học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không quá 35 học sinh/một lớp).

Nhồi nhét nhiều học sinh một lớp học khi kinh phí cấp theo số lượng học sinh mang lại lợi ích cho ai chưa biết nhưng chắc chắn không phải cho học sinh.

Và một khi thành phố đã “nhồi” gần hết học sinh vào trường công thì còn bao nhiêu “đất” cho trường tư hoạt động?

Nói cách khác, nếu có nhà đầu tư muốn mở trường tiểu học tại Hà Nội, học sinh vào học các trường này chỉ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí khi chứng minh được nơi trường đóng trụ sở “không đủ trường công lập”?

Lấy ví dụ trường Tiểu học và Trung học cơ sở FPT có trụ sở tại số 15 Đông Quan, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy - sẽ phải làm gì để được nhận “chứng chỉ” của chính quyền, rằng nơi đặt trường đúng là thuộc địa bàn “không đủ trường công lập”?

Ngay cả khi được xác nhận thuộc địa bàn “không đủ trường công lập” thì sự hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định sẽ thế nào?

Học phí mỗi tháng của học sinh tiểu học trường FPT là 6,4 triệu đồng, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là 7 triệu, trường Marie Curie từ 5,5-7 triệu đồng,… [3]

Vậy thành phố Hà Nội có áp dụng cách chi ngân sách cho mỗi học sinh (khoảng 7,3 triệu đồng/năm) cho học sinh trường tiểu học tư thục như với học sinh trường công lập?

Giả sử bằng cách nào đó, có trường tiểu học ngoài công lập được chính quyền xác nhận họ thuộc địa bàn “không đủ trường công lập” thì việc hỗ trợ học phí cho học sinh có phải sẽ tạo nên cuộc chạy “xin cho” kiểu mới?

Và để tránh rắc rối, có phải cách tốt nhất là quy định trên địa bàn không có nơi nào “không đủ trường công lập” dù sĩ số có lên tới 70 học sinh?

Tình trạng thiếu phòng học và giáo viên chắc chắn sẽ trầm trọng hơn nếu “hộ khẩu thường trú” không còn.

Vậy Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có nên kiến nghị Quốc hội và Bộ Công an khoan hãy bỏ hộ khẩu?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tuyen-sinh/967813/ha-noi-12-khu-vuc-tuyen-sinh-de-dang-ky-du-tuyen-vao-lop-10

[2]http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Chu-tich-Quoc-hoi-Hoan-nghenh-Bo-Cong-an-doi-moi-manh-me-trong-quan-ly-cu-tru-606671/

[3]https://vtc.vn/hoc-phi-cac-truong-tieu-hoc-tu-thuc-o-ha-noi-the-nao-ar546544.html

Xuân Dương