Nghĩ về “Văn hoá bình luận” trong loạt bài viết trên Báo Giáo dục về TT 30

08/04/2015 07:48
HOÀNG HỮU ĐỨC
(GDVN) - Từ khi TT30 trở thành điểm nóng, chúng tôi cùng nhau đọc kỹ, đọc hết các bài báo và các comment ở dưới. Buồn vui lẫn lộn, ngẫm ngợi nhiều điều.

LTS: Nằm trong mạch các góp ý về thực hiện Thông tư 30, đổi mới giáo dục Tiểu học, nhưng bài viết dưới đây lại bàn về chuyện...bình luận.

Bài viết được tác giả Hoàng Hữu Đức gửi tới Tòa soạn. Ông giới thiệu, ông chỉ là "đại diện cho hàng chục nhà giáo già", nhưng đề nghị không nêu danh tính, địa chỉ, nơi cư trú. 

"Các lão nhà giáo chúng tôi, vì sự nghiệp giáo dục, vì con cháu mình mà lên tiếng, đặc biệt là về văn hóa bình luận của một số người..."

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết này. Quan điểm, nhận thức, cách hành văn là của Nhóm tác giả.

Nhóm chúng tôi sinh hoạt trong Hội Cựu Giáo chức của Phường, nhà ở gần nhau, gồm đủ cả giáo viên Tiểu học, Trung học, Đại học, cán bộ quản lý giáo dục; 2/3 đã về hưu, 1/3 sắp hưu (cho sinh hoạt cùng luôn). 

Điều thú vị là nhiều con cháu chúng tôi đều là giáo viên, không ít người đang là cán bộ quản lý Giáo dục. Vì thế, những ông giáo bà giáo như chúng tôi rất hay gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và cũng dành nhiều thời gian quan tâm tới giáo dục nước nhà qua đài báo, đặc biệt qua Báo Điện tử Giáo dục Việt nam.

Từ khi TT30 trở thành điểm nóng, chúng tôi cùng nhau đọc kỹ, đọc hết các bài báo và các comment ở dưới. Buồn vui lẫn lộn, ngẫm ngợi nhiều điều. 

Vui vì có nhiều người dám nói thật, nói thẳng những cái dở, cái bất cập của TT30. Buồn vì các thầy cô giáo tiểu học - con cháu của chúng tôi bây giờ khổ quá. 

Vui vì nhiều giáo viên tiểu học bây giờ đã dũng cảm đối thoại. Buồn vì các cấp lãnh đạo giáo dục bảo thủ, trì trệ, giải thích loanh quanh, không chịu nhận sai, nhận lỗi.

Nhưng ở đây, chúng tôi bàn về một vấn đề khác, vấn đề “Văn hóa comment” của độc giả qua những khảo sát, thống kê có phần tỉ mẩn của những thầy giáo già ít việc.

Lấy ví dụ, dưới bài báo của nhóm tác giả Việt Cường: Thông tư 30: Góc nhìn của nhà khoa học phát triển chương trình giáo dục  đăng tải lúc 6h08’ ngày 26/3/2015, có tới 168 ý kiến thảo luận (tính đến 9h00 ngày 02/4/2015). 

Trong số đó có một độc giả lấy tên là cần phải nói đã comment đến 28 lần. 28/168 quả là một con số bất ngờ, đáng để suy ngẫm. Chứng tỏ cần phải nói đã dành rất nhiều thời gian và công sức để bình luận về bài báo, tranh biện với các độc giả khác. 

Theo dõi báo Giaoduc.net.vn từ khi phát hành đến giờ, có lẽ đây là "quái kiệt" đầu tiên đạt kỉ lục viết nhiều comment dưới một bài báo đến thế.

Nghĩ về “Văn hoá bình luận” trong loạt bài viết trên Báo Giáo dục về TT 30 ảnh 1

Thông tư 30: Góc nhìn của nhà khoa học phát triển chương trình giáo dục

(GDVN) - TT 30 đã gây ra nhiều bức xúc và tiêu cực trong giáo dục Việt Nam. Cần phải soi chiếu thông tư này từ góc nhìn của khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục.

Cụ thể là: ngày 28/3 - 2 lần; ngày 29/3 - 8 lần; ngày 30/3 - 3 lần; ngày 31/3 - 10 lần và ngày 01/4 - 5 lần. 

Thời gian comment chủ yếu xuất hiện từ khoảng 12h kém đến gần 13h trưa và hơn 9h sáng đến gần 10h sáng; một số lần xuất hiện lúc khoảng 7h sáng. Đặc biệt, có 4 lần xuất hiện lúc nửa đêm đến gần sáng: 01/4 - 00h31’; 31/3 - 01h58’; 02h35’; 03h04’.

Điều này cho biết cần phải nói có đêm gần như không ngủ, có ngày gần như không làm việc và nhiều buổi trưa cũng chả chịu ngả lưng để dành thì giờ và tâm lực cho việc thảo luận. 

Nhóm nhà giáo già chúng tôi khâm phục quá, thật là một tấm gương hăng say bình luận.

Tổng hợp 28 comment của cần phải nói, chúng tôi thấy nổi lên một số nội dung chính như sau:

Đánh giá rất cao, khẳng định, ca ngợi sự đúng đắn, tiến bộ của TT30 như là chân lý cao đẹp nhất của cải cách giáo dục ở Việt Nam.

Ví dụ: “mà TT30 thực tình tôi thấy rất ổn, rất tiến bộ” (7h25’ ngày 29/3); “Nghề giáo viên bạn chọn hoàn toàn cao đẹp và thú vị bạn ạ và TT30 thì hoàn toàn tiến bộ” (7h14’ ngày 29/3); “Đành rằng tham nhũng nhan nhản và rộng khắp nhưng TT 30 hoàn toàn tích cực mà, với tôi tôi còn thấy đó là một cuộc cách mạng trong giáo dục” (9h08’ ngày 29/3); “TT 30 hoàn toàn tiến bộ và cách mạng” (9h26’ ngày 28/3); “Sự hấp dẫn của tiết học, sự đam mê của học sinh có phụ thuộc vào điểm số? TT 30 hoàn toàn tiến bộ” (9h26’ ngày 28/3).

Những lời tụng ca TT 30 ấy chắc khiến cho nhóm soạn thảo ở Vụ Giáo dục Tiểu học mát lòng mát dạ.

Phê phán, phủ nhận nhóm tác giả Việt Cường

Ví dụ:“Bài viết ngụy biện tưởng khoa học nhưng không khoa học... Học sinh đam mê khoa học sao lại phụ thuộc vào điểm số” (9h26’ ngày 28/3).

Đây là kiểu nói chụp mũ, quy hết, nói bừa, không đưa ra một lý lẽ, một chứng cớ nào. Chúng tôi nhận thấy bài viết của nhóm tác giả Việt Cường rất chặt chẽ, sắc sảo, khoa học, đầy đủ minh chứng, chẳng có chút gì là ngụy biện như comment của cần phải nói đã đưa ra.

Bênh những người soạn thảo và ban hành TT 30 nhưng thiếu căn cứ.

Ví dụ: “Chào bạn, nay tôi làm kinh doanh, tôi nghĩ quan chức nuốn “ăn uống” họ sẽ ra TT khác, chứ TT 30 “ăn uống” được gì mà bạn nghĩ xấu họ thế” (9h08’ ngày 29/3).

Làm “kinh doanh” mà nghĩ như thế sao. Có thật là không“ăn uống” được gì không? Hỏi Bộ GD&ĐT xem dự án làm TT 30 đã chi hết bao nhiêu tiền? Chi những khoản nào? Chi cho ai? Đã có ai đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án chưa?

Thực ra, cả người đánh giá có và không có "ăn uống" đều chưa toàn diện, chính xác, mang tính võ đoán là không nên.

Lên giọng dạy dỗ, bảo ban, coi thường và phê phán giáo viên

Nghĩ về “Văn hoá bình luận” trong loạt bài viết trên Báo Giáo dục về TT 30 ảnh 2

Có 9 giải pháp này, ngành giáo dục phải thực hiện được Thông tư 30

(GDVN) - "Chúng tôi phải đưa ra giải pháp để giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo, đúng hơn là giúp Vụ Giáo dục Tiểu học của Bộ cách thực hiện Thông tư 30 cho hiệu quả".

Ví dụ: “Không có quyền đánh giá thô bạo trẻ em bằng điểm số” (12h38’ ngày 28/3); “Làm thầy cũng như một nghệ sĩ, phải sống trong tâm trạng của học sinh, phải diễn đạt lại những điều chúng ta đã quá quen một cách mới mẻ…” (0h04’ ngày 31/3); “Tặng bạn câu này nhé “Không có học sinh bất trị mà chỉ có nhà sư phạm bất tài” (9h23’ ngày 29/3); “Nhưng thật buồn cười cho hai bạn Hà Anh và Xuân Phương với cách nghĩ của các bạn thì có học 20 năm nữa vẫn thấy TT 30 không ổn thôi” (12h03’ ngày 01/4); “Là người lớn, là giáo viên khổ một ít đã kêu thấu trời, mà lại kêu không đúng cách, không đúng chỗ nữa chứ… “ (23h50’ ngày 31/3).

Qua những trích dẫn trên, bạn đọc nói chung và cả chúng tôi nữa đều cho rằng cần phải nói có vẻ rất am hiểu về dạy học, có quyền chê bai, lên án, miệt thị các giáo viên. Theo cần phải nói thì giáo viên của chúng ta ngu dốt hết rồi, ăn vạ hết rồi!

Khi có người phản biện mình thì phản ứng tức thời, thiếu kiềm chế. 

Ví dụ: “Bạn đang vi phạm quyền con người đấy nhé! Tôi nói dở bạn không nghe vậy thôi, tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói thì “Cần phải nói” chứ sao lại yêu cầu tôi Stop” (10h50’ ngày 30/3).

Có vẻ cảm thông với giáo viên để làm mềm phản biện

Ví dụ: “Quả tình tôi không biết sở, phòng yêu cầu các thầy cô thế nào? Chứ để các thầy cô vật lộn với mớ sổ sách là hoàn toàn không ổn, chắc chắn là không ổn” (10h49’ ngày 28/3) “Nếu phải nhận xét 100% học sinh trong ngày, trong tuần, vào vở hay sổ với sĩ số lớp phổ thông 50 học sinh/ lớp thì phòng ban yêu cầu hay nó có ở TT 30 tôi cũng kịch liệt phản đối...Tôi nghĩ vậy có được không bạn Hoàng Huyền?”(16h03’ ngày 1/4).

Nghĩ về “Văn hoá bình luận” trong loạt bài viết trên Báo Giáo dục về TT 30 ảnh 3"Chúng ta phải học cách làm người tử tế để con mình nương theo"

(GDVN) -Chúng không được rong ruổi tự do, nhìn con chuồn chuồn mà biết trời sắp mưa, nhìn hoa may lụi mà biết gió bấc về, đêm ngắm sao trời mà biết mùa cấy đến gần...

Qua 6 nội dung trên, hẳn độc giả cũng phần nào khái quát được cái người hùng hổ xuất hiện tới 28 comment ấy nói năng bừa bãi, ngoắt ngoéo, tự mâu thuẫn với mình như thế nào. 

Bất ngờ nhất là trong ý kiến bình luận lúc 00h31’ ngày 01/4/2015, cần phải nói đã lộ nguyên hình với một bình luận đáng sợ:

“Tôi xin lỗi tất cả vì thực sự tôi cũng chưa có thời gian để đọc TT 30, chỉ biết rằng TT30 có nội dung bỏ đánh giá bằng điểm số với học sinh tiểu học. Thế là đủ vì đây là then chốt của cuộc cách mạng giáo dục bởi tính nhân văn của nó, nó đã bao hàm trong đó cả tư tưởng, triết lý, mục tiêu và nó buộc mọi thứ chuyển động theo”.

Chúng tôi ngã ngửa vì té ra nhân vật này chưa hề đọc, chưa biết gì TT 30. 

Ôi chao! Vậy mà phê phán nhóm tác giả Việt Cường là “Ngụy biện, không khoa học”, chê giáo viên là dốt, là ăn vạ. 

Chỉ biết mỗi một nội dung của TT 30 “Bỏ đánh giá bằng điểm số” mà cái biết ấy cũng sai vì TT 30 có bỏ hết đánh giá bằng điểm số đâu, thi học kỳ vẫn chấm điểm đấy chứ! 

Vậy mà tự tin cho rằng “Thế là đủ”, lại còn hết lời tâng bốc đó là “then chốt của cuộc cách mạng giáo dục bởi tính nhân văn của nó”, khẳng định chắc nịch “nó đã bao hàm trong đó cả tư tưởng, triết lý, mục tiêu và nó buộc mọi thứ chuyển động theo”.

Kinh hãi quá chừng, mấy ông bạn già chúng tôi bảo nhau: “Chắc ông này được ai đó thuê tiền để cãi cùn, cãi bậy”. Họ lập luận : nếu không vì lợi ích kinh tế hoặc lwoij ích gì đó, chẳng có ai lại dành lắm thời gian và công sức đến như vậy.

Nghĩ về “Văn hoá bình luận” trong loạt bài viết trên Báo Giáo dục về TT 30 ảnh 4Trông cậy gì ở tương lai khi người lớn “Tam bất” như thế?

(GDVN) -Cho rằng “Trông cậy gì ở tương lai khi thế hệ trẻ dã man như thế” là vội vàng? hãy đặt vấn đề ngược lại “Trông cậy gì ở tương lai khi người lớn Tam bất như thế"

Sự giả dối lộ ra sau lời “Tôi xin lỗi” điềm nhiên và nhẹ bẫng. Chúng tôi còn thấy trong các trích dẫn của cần phải nói toàn đưa những nhà toán học ra để làm căn cứ như: Poltya, Galois, Ngô Bảo Châu… Trong số các ông già chúng tôi, một thầy dạy toán vừa cười vừa nói: “Chắc "thầy" này học toán!”.

Từ những tổng hợp, phân tích trên, chúng tôi ngẫm ngợi về văn hóa comment ở một số người, nhất là trên mạnh, báo chí trực tuyến nước ta hiện nay. 

Cho dù thế nào, những người có tri thứ, văn hóa đều đều không chấp nhận các lời bình luận hoắng huýt và giả dối, thiếu căn cứ.

Ngay như tại Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tiêu chí comment cũng đã được đưa ra mà các "lão nhà giáo" chúng tôi cho rằng đó là một chuẩn mực nên theo. Cụ thể là "các bình luận phải đúng chủ đề; viết bằng tiếng Việt có dấu; nội dung đúng mực, không vi phạm pháp luật; không chỉ trích cá nhân, tổ chức; hợp thuần phong mỹ tục; có căn cứ..."

Ở xứ Việt Nam ta, có rất nhiều độc giả vô danh, khiêm nhường và lặng lẽ. Họ đọc hết, họ hiểu hết và đầy trách nhiệm với cuộc đời. Viết gì, nói gì, comment như thế nào phải hết sức cẩn trọng.

Nguyên tắc tối ưu là không vụ lợi, không nói bừa, phải trung thực và biết hổ thẹn. Phải chăng đây chính là văn hóa Comment mà bất cứ ai khi muốn thảo luận dưới một bài báo cần ghi nhớ và thực hiện.

Mấy lão giáo già chúng tôi có làm mất thì giờ của độc giả, xin được mọi người lượng thứ.

HOÀNG HỮU ĐỨC