Quan gian, môi trường bẩn hay ...văn bản bị ô nhiễm nhằm che mắt Quốc hội?

14/10/2019 06:32
Xuân Dương
(GDVN) - Liệu có xảy ra chuyện những người lười biếng, không đủ trình độ nhưng giỏi dối trá sẽ được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm...?

Thông tin trên báo Vneconomy.vn đăng ngày 10/10/2019 đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô cho biết:

“Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô (Báo cáo), vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Báo cáo hoàn thành ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký”. [1]

Nội dung Báo cáo có đoạn: 

“Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”.

Điều khiến cộng đồng mạng dậy sóng là ba trong bốn số liệu nêu trong Báo cáo trùng khớp với số liệu đã được đăng tải trên “Bản tin trên Tuổi trẻ Online” từ ngày 30/11/2005, nghĩa là 14 năm trước. [1]

Tuổi trẻ Online viết: “Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO từ hơn 400 cơ sở công nghiệp" (không có 19.000 tấn khí NO2)!

Ngoài ra, số liệu trong Báo cáo mà Bộ Tư pháp soạn thảo trùng khớp 100% với số liệu trên Báo Nhân Dân điện tử xuất bản ngày 17/09/2010: 

“Sau hàng loạt đợt quan trắc phối hợp giữa sở Khoa học – Công nghệ thành phố Hà Nội và Viện Hóa học, các nhà khoa học cho biết, mỗi năm, bầu không khí tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”. [1]

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: Báo Thanh tra)
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: Báo Thanh tra)

Liên quan đến sự việc trên, ngày 11/10/2019 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trả lời báo chí đã thừa nhận bộ phận làm báo cáo của Bộ đã chủ quan trong khâu tổng hợp số liệu để làm báo cáo gửi Quốc hội, cụ thể:

“Khi Bộ Tư pháp thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài Nguyên - Môi trường và báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gửi đến Bộ không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên anh em tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí.

Trong đó, một báo số ra năm 2018 đưa nội dung này nhưng bài báo không dẫn nguồn từ năm nào nên anh em hơi chủ quan đưa vào”.[2]

Phát biểu của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và của báo chí cho thấy số liệu của Tuổi trẻ Online ít nhất đã được “xào lại” ba lần vào các năm 2010, 2018, 2019!

Cụm từ “Anh em” trong biện luận của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu “Anh em hơi chủ quan đưa vào” khiến công chúng không khỏi liên tưởng đến câu nói của “Út Trọc” – Đinh Ngọc Hệ trước tòa về việc mua bằng đại học đưa vào hồ sơ để nâng lương, bổ nhiệm, phong quân hàm,…:

“Bị cáo là nông dân, học hành ít nên khi nghe anh em xã hội nói rằng không học vẫn lấy được bằng, bị cáo nghĩ đơn giản như ở ngoài quê bị cáo, nên làm theo”.

Bệnh Não bé
Bệnh Não bé

Việc làm phi pháp của Út Trọc là do “anh em xã hội” đạo diễn, còn việc “đạo số liệu” trong báo cáo của Bộ Tư pháp lại do “anh em trong bộ” chủ trì!

Nếu vụ việc không bị báo chí phát hiện thì khả năng Quốc hội nhận được số liệu ô nhiễm môi trường  thủ đô từ 14 năm trước là gần như chắc chắn.

Liệu có xảy ra nguy cơ dựa vào những số liệu giả dối này, những đánh giá của Quốc hội đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại thủ đô Hà Nội sẽ bị sai lệch?

Vậy những “anh em hơi chủ quan” ở “bộ phận làm báo cáo” của Bộ Tư pháp là ai?

Nếu không kể đến nhân viên đánh máy, lao công,… những người chắp bút gần như chắc chắn phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp.

Theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV, được sửa chữa bổ sung bởi Thông tư số 05/2017/TT-BNV thì những người thuộc một trong ba ngạch chuyên viên kể trên đều phải thỏa mãn tiêu chuẩn:

“Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin”.

Có thể cho rằng việc tra cứu thông tin mà báo chí đã đăng tải chắc không vượt quá khả năng của của các chuyên viên nếu trình độ tin học của họ đúng như quy định và nếu họ đề cao trách nhiệm trước những số liệu báo cáo Quốc hội.

Trẻ con tiểu học ngày nay cũng biết vào Google tra cứu thông tin, mấy cô “sồn sồn” ngồi sau sạp hàng trong chợ cũng dán mắt vào di động lùng chuyện hot, vậy sao các bậc chuyên viên bằng cấp đầy mình lại không biết kiểm tra tính chính xác của dữ liệu?

Không động não tìm hiểu, không cảm thấy phải chịu trách nhiệm về báo cáo mà Bộ trưởng thay mặt Chính phủ sẽ trình bày trước Quốc hội liệu có phải chỉ là biểu hiện cá biệt của “anh em thuộc bộ phận làm báo cáo” trong bộ Tư pháp hay cũng đã xuất hiện tại không ít bộ, ngành khác?

Dư luận hẳn chưa quên đề xuất “Ngực lép không được lái xe”, quy định “Ôtô từ 4 chỗ phải được trang bị bình cứu hoả” của Bộ Công an, quy định trong Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ" hay “Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học”...

Những “phát kiến vĩ đại” này đều bắt nguồn từ đội ngũ chuyên viên của các bộ và không thể không đặt câu hỏi có hay không các “chuyên viên chỉ đi ra đi vào, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi việc”?

Tuy nhiên nếu quả thật tồn tại “Nhóm lợi ích chuyên viên” chỉ đi ra đi vào, không cãi ai, không chửi ai đồng thời “không nói, không viết” bất kỳ điều gì thì “hồng phúc” của dân tộc vẫn chưa bị mất hoàn toàn.

“Rác gia và Mo quan”
“Rác gia và Mo quan”

Để cho họ chắp bút các văn bản sẽ thành Nghị định, Thông tư hay đạo luật thì dân Việt mới quả là “vô phúc”.

Báo cáo của Bộ Tư pháp nếu chính thức đưa ra Quốc hội thì liệu các vị thay mặt dân có đủ thời gian tìm hiểu, phản biện hay sẽ bấm nút thông qua?

Nếu Quốc hội còn không biết được sự thật về nạn ô nhiễm xung quanh phòng họp của mình ở Ba Đình thì cơ quan nào sẽ được biết sự thật? 

Và câu chuyện “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” có phải chỉ là khẩu hiệu cho vui?

Liệu người dân có quyền đặt câu hỏi “Phải chăng anh em bộ phận soạn thảo báo cáo” trong Bộ Tư pháp (và không ít cơ quan khác) được trả lương chỉ để … đi ra đi vào?

Học cấp 2 (trung học cơ sở) rồi mượn bằng, rồi “tại chức, từ xa, đại học mở” là thành thạc sĩ, trưởng phòng ngay tại cơ quan tỉnh ủy; Nhờ “anh em xã hội mua bằng” là thành Thượng tá, Phó Tổng giám đốc như “Út Trọc”… thì chuyện trở thành chuyên viên tại văn phòng bộ với lý lịch “ngũ ệ” không có gì là khó hiểu.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhắc rất nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0), vậy thì những chuyên viên thế hệ 0.4 với chuyên môn “vẽ chuyện” có nên để tồn tại trong hệ thống, đặc biệt là cơ quan cấp bộ?

Cóp nhặt một cách vô trách nhiệm số liệu ô nhiễm không khí đã là rất nguy hiểm, song nguy hiểm hơn là những người đó cóp nhặt luôn cả sự giả dối, dốt nát từ “anh em xã hội” vào báo cáo đề trình Quốc hội.

Và cuối cùng thì vẫn là câu hỏi dân chúng mong đợi, vụ việc tại Bộ Tư pháp sẽ được giải quyết thế nào?

Liệu có xảy ra chuyện những người lười biếng, không đủ trình độ nhưng giỏi dối trá sẽ được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần phải kiểm điểm sâu sắc và … chấm hết?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vneconomy.vn/moi-truong-ha-noi-bao-cao-2019-su-dung-so-lieu-2005-20191010093928039.htm

[2]https://vtc.vn/bao-cao-moi-truong-ha-noi-2019-su-dung-so-lieu-2005-bo-tu-phap-lay-nguon-tren-mang-d503687.html

Xuân Dương