Sách giáo khoa, Bộ chậm chân, cha mẹ học trò lãnh đủ

06/04/2020 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Cái lợi của sách giáo khoa mới với sự nghiệp giáo dục chưa thấy một cách rõ ràng nhưng cái cái hại cho túi tiền của người dân thì nhãn tiền...

Kể từ khi Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,...” được ban hành vào năm 2013, đã bảy năm trôi qua, tức là gần hai nhiệm kỳ của lãnh đạo cấp bộ.

Đến hết quý 1 năm 2020, cảm nhận chung là chưa nhận thấy tác động mạnh mẽ, rõ nét của Nghị quyết 29-NQ/TW đến học sinh và nhà giáo, đến hoạt động của một vài bộ phận và cán bộ ngành Giáo dục. 

Ngược lại, đối tượng đầu tiên và cũng là đối tượng chịu tác động lớn nhất của đổi mới giáo dục lại là cha mẹ học sinh, đặc biệt là những hộ nghèo khi nhìn vào giá tiền các bộ sách giáo khoa mới.

Giá bán một bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ là 54 nghìn đồng, giá mới là từ 180.000 đến gần 200.000 đồng, tức là tăng gần 4 lần so với giá cũ. [1]

Cái lợi của sách giáo khoa mới với sự nghiệp giáo dục chưa thấy một cách rõ ràng, nhưng cái cái hại cho túi tiền của người dân thì nhãn tiền, còn lợi ích cho ai/nhóm người nào đó thì chưa thể khẳng định. 

Cha mẹ học sinh là đối tượng đầu tiên chịu tác động của đổi mới giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Khoahocphattrien.vn)
Cha mẹ học sinh là đối tượng đầu tiên chịu tác động của đổi mới giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Khoahocphattrien.vn)

Vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW ra đời, phải mất 05 năm, đến ngày 26/12/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm:

1. Chương trình tổng thể.

2. Các chương trình môn học và hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Năm 2014 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/ QH13 (Nghị quyết 88), tại mục g, khoản 3, điều 2 Nghị quyết này quy định:

“Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Minh bạch trong thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa để tạo sự đồng thuận
Minh bạch trong thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa để tạo sự đồng thuận

Cho đến hết năm 2019, nghĩa là sau khoảng 05 năm, yêu cầu "Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa" trong văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội ban hành vẫn không được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Được biết ngày 04/02/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho “Vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp Vụ Giáo dục Tiểu học và các đơn vị liên quan tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Trước mắt, hoàn thành biên soạn bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 trước ngày 15/10 để thẩm định”. [1]

Như vậy phải mất ít nhất là 06 năm kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới rục rịch thực hiện yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội?

Tại sao không sớm hơn hoặc muộn hơn?

Một vị Bí thư tỉnh ủy khi đương chức từng phát biểu đại khái: “Tôi thấy làm ngoài khó khăn nên khuyên con trai quay về làm cho nhà nước”.

Trái với lập luận của ông Bí thư nọ, sau khi các nhà xuất bản đã hoàn thành biên soạn, đã in và phát hành sách giáo khoa (ít nhất là cho bậc tiểu học) những “nhân tài” từng chốt hợp đồng với họ (nên không thể làm cho “nhà nước”) nay đã rảnh tay, cần thêm việc làm và việc quay về “Nhà nước” (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa lợi mình mà cũng lợi … Bộ!

Ý kiến này không phải nói vô căn cứ bởi vì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng báo cáo Quốc hội:

“Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết tác giả sách giáo khoa  đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn sách giáo khoa từ đầu năm 2018, khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi; các biên tập viên sách giáo khoa có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các nhà xuất bản nên không được phép dự tuyển tự do”. [2]

Chọn sách giáo khoa theo giá thành là một sai lầm lớn
Chọn sách giáo khoa theo giá thành là một sai lầm lớn

Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị nắm chủ trương, chính sách, tiến độ thực hiện, nội dung chương trình sách giáo khoa,… lại “chậm chân” hơn các nhà xuất bản trong khi các đơn vị này phải chờ chủ trương của bộ thì mới có thể bắt đầu triển khai?

Phải chăng việc “chậm chân” của Bộ Giáo dục và Đào tạo có lý do bất khả kháng là thiếu chuyên viên, thiếu phương tiện, thiếu kinh phí hay thiếu kinh nghiệm,… ?

Việc chỉ đạo của Bộ bắt đầu từ những đề xuất của bộ phận giúp việc tức là các cục, vụ,… chuyên môn, điều này có nghĩa là những lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị này phải là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

Được biết mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ nhiệm Giáo sư - Tiến sĩ toán học Lê Thị Thanh Nhàn làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc. 

Năm 2015, bà Nhàn được phong hàm giáo sư, trở thành nữ giáo sư toán học thứ hai ở Việt Nam sau Giáo sư Hoàng Xuân Sính. [3]

Bà Sính lãnh đạo Đại học Thăng Long, một cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Vị nữ giáo sư toán “nhà nước” duy nhất trước đó làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức rồi chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc!

Cách sử dụng nhân tài toán học như thế này phải chăng là đòi hỏi của việc đưa toán học vào đổi mới công tác tổ chức - nhân sự ngành Giáo dục hay cũng là đón đầu cuộc “Cách mạng 4.0” với vai trò không thể thiếu của toán học?  

Nhưng có nhất thiết phải để một vị giáo sư toán học làm công việc hành chính?

Trở lại câu chuyện sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa cho 9 môn học/hoạt động đối với lớp 1.

Ngoài bộ sách mang tên Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn, 04 bộ sách còn lại là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, lợi nhuận (nếu có) từ mảng sách giáo khoa mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thu được thực chất thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đổi mới giáo dục là liên tục, phải kiên trì, bền bỉ, không được sốt ruột
Đổi mới giáo dục là liên tục, phải kiên trì, bền bỉ, không được sốt ruột

Tuy nhiên như nhà xuất bản này công bố, từ năm 2014 đến nay, mảng kinh doanh sách giáo khoa của họ luôn bị lỗ mỗi năm trên dưới 50 tỷ đồng. 

Đúng một năm trước, ngày 03/04/2019 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lên tiếng về giá bán sách giáo khoa.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 22/03/2019, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về điều chỉnh giá sách giáo khoa phục vụ năm học 2019 - 2020.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã gửi thông cáo báo chí tới các cơ quan truyền thông thông báo giá bán sách giáo khoa năm học 2019 - 2020. Theo đó, giá bán sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000 đồng đến 1.900 đồng/cuốn. [4]

Vậy thì vì sao lại có chuyện giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 tăng vọt khiến dư luận khó hiểu?  

Ngày 14/01/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản số 115/BGDĐT – KHTC kiến nghị: “Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo Luật Giá 2012”.

Theo kiến nghị thì “mức giá kê khai sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo không vượt mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020”. [5]

Cả từ góc độ kinh doanh lẫn góc độ quản lý, có gì đó không thể hiểu được.

Với các bộ sách giáo khoa mới (đã được duyệt) khổ sách lớn hơn, giấy in tốt hơn, màu sắc đẹp hơn và số lượng đầu sách nhiều hơn mà đòi hỏi “không vượt mức giá kê khai” của sách đã bán ra thị trường năm học 2019-2020 có phải là một chỉ đạo thiếu thực tiễn?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vậy tại sao lại không chỉ đạo được Nhà xuất bản này tuân theo kiến nghị mà bộ đã gửi Chính phủ?

Nếu nhà quản lý nhìn vấn đề rộng hơn, xa hơn thì ngoài yêu cầu về nội dung chương trình sách giáo khoa, lẽ ra Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ban hành quy định về kích thước, mẫu mã, chất lượng giấy in,… để các nhà xuất bản “liệu cơm gắp mắm”.

Để in xong rồi, chuẩn bị bán rồi mới đề xuất quy định giá, phải chăng các cơ quan quản lý (tài chính, giáo dục) đang “thả gà ra để đuổi” hay là trước áp lực dư luận, thà làm khó doanh nghiệp hơn là bị chê về năng lực quản lý?

Kinh doanh phải có lãi, nếu kinh doanh lỗ vốn thì chả ai dại gì bỏ tiền đầu tư.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội, biên soạn một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh, phát hành với mức giá phải chăng, bảo đảm không lỗ và cạnh tranh lành mạnh với doanh nghiệp thì đâu đến nỗi phải mất thời gian tranh luận?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-cong-bo-gia-sach-giao-khoa-moi-20200325181710845.htm

[2] https://www.tienphong.vn/giao-duc/vi-sao-bo-gddt-khong-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa-1419169.tpo

[3] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-giao-duc-dieu-dong-gsts-le-thi-thanh-nhan-lam-vu-truong-vu-gd-dan-toc-20200325192853941.htm

[4] https://thanhnien.vn/giao-duc/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-chinh-thuc-thong-bao-tang-gia-sach-giao-khoa-1065688.html

[5] https://laodong.vn/giao-duc/de-xuat-nam-2020-sach-giao-khoa-moi-khong-tang-gia-so-voi-sach-hien-hanh-786092.ldo

Xuân Dương