Ngành Giáo dục có góp phần làm Việt Nam bị hạ bậc tín nhiệm?

02/01/2020 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không hoàn thành trách nhiệm biên soạn bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đối nội là không thượng tôn pháp luật.

Năm 2013, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”

Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (Nghị quyết 88).

Nghị quyết 88 là một văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ - cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo - có trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Nghị quyết 88/2014/QH13 quy định rất rõ ràng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Sau 05 năm Nghị quyết 88 được ban hành, đến cuối năm 2019 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện Nghị quyết của Quốc hội như thế nào?

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin điểm qua một chút về sự kiện khiến Thủ tướng Chính phủ “rất không hài lòng”.

Ngày 18/12/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức “Tiêu cực”.

Ngày 18/12/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức “Tiêu cực”.(Ảnh: VnEconomy.vn)
Ngày 18/12/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức “Tiêu cực”.(Ảnh: VnEconomy.vn)

Tổ chức này cho rằng Việt Nam “Chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh”. [1]

Ngay sau khi Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam, Tổ công tác của Thủ tướng do ông Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã làm việc với các bộ, cơ quan liên quan đến yêu cầu “tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh”.

Ông Mai Tiến Dũng nêu rõ: “Đây là trách nhiệm rất lớn, Thủ tướng rất không hài lòng, yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, làm rõ trách nhiệm để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng”. [2]

Những cơ quan được nêu tên trong buổi làm việc gồm các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. [2]

Trong danh sách liệt kê nêu trên, không có tên Bộ Giáo dục và Đào tạo mặc dù bộ này cũng là một trong những đơn vị được Chính phủ bảo lãnh vay tiền của Ngân hàng Thế giới cho “Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” (Dự án).

Theo đánh giá trên một số tờ báo, dự án này đã bị phá sản. [3]

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?
Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

Không bị nêu tên nhưng có đúng Bộ Giáo dục và Đào tạo không đóng góp gì trong việc làm giảm tín nhiệm của Việt Nam?

Hỏi thẳng ra là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm thế nào về sự phá sản trong kế hoạch vay tiền từ Ngân hàng Thế giới để biên soạn sách giáo khoa?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải điểm qua một chút về “Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - RGEP” (Renovation of General Education Project - RGEP) với hai bên tham gia là Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB). [4]

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng “Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”, thời gian hoạt động của dự án từ năm 2016 đến năm 2020.

Tổng vốn của Dự án: 80 triệu đô la Mĩ (tương đương khoảng 1.800 tỷ đồng), trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 77 triệu đô la và vốn đối ứng trong nước là 3 triệu đô la. [5]

Mặc dù Dự án hoạt động từ năm 2016 nhưng thông tin về dự án chỉ được đăng tải công khai vào năm 2017 trên cổng thông tin Ban quản lý Dự án. [5]

Mục tiêu của dự án được viết như sau:

“Mục tiêu của Dự án RGEP là hoàn thành việc biên soạn một bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông đầy đủ các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tuân thủ Hiệp định tài trợ, Sổ tay thực hiện Dự án RGEP và các thủ tục liên quan của WB và pháp luật Việt Nam”. [5]

Ban quản lý dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Ban quản lý) đã công bố Thông báo mời thầu gói thầu “Thuê chuyên gia tư vấn Việt Nam làm Chủ biên sách giáo khoa nhóm môn Khoa học xã hội”.

Người ký thông báo là Giám đốc dự án Nguyễn Xuân Thành, ngày ban hành thông báo là ngày 03/04/2019, ngày hết hiệu lực (của Thông báo) là ngày 13/04/2019.

Kết quả là phương án tuyển chọn tác giả biên soạn “một bộ sách giáo khoa phổ thông hoàn chỉnh” (trong đó sách giáo khoa nhóm môn Khoa học xã hội) đã bị phá sản do không tìm được ứng viên tham gia viết sách.

Xin nêu hai câu hỏi:

Thứ nhất, cho đến ngày 03/04/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết tình trạng không tuyển chọn được ứng viên tham gia biên soạn sách giáo khoa;

Thứ hai, nếu biết thì vì sao vẫn thông báo mời thầu?

Về câu hỏi thứ nhất, gần bảy tháng tháng trước khi ông Nguyễn Xuân Thành ký thông báo mời thầu, tác giả Hồng Thủy đã có bài phân tích (đăng ngày 09/08/2018) với tiêu đề: “Bộ lấy đâu ra người viết sách giáo khoa, ăn nói ra sao với Ngân hàng Thế giới?”. [6]

Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!
Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!

Tổng hợp thông tin trên các báo, có thể thấy ngay từ năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số doanh nghiệp tư nhân đã “vét” gần hết nhân sự có khả năng biên soạn sách giáo khoa, cụ thể:

Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) đã ký hợp đồng viết sách giáo khoa với 46/56 thành viên (80%) hội đồng kỹ thuật chính và các hội đồng kỹ thuật môn học của “Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”.

VEPIC thông báo với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã ký hợp đồng với hơn 200 tác giả viết sách giáo khoa khác.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp công ích do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ quản - đã ký hợp đồng với khoảng 400 tác giả viết 02 bộ sách giáo khoa (công văn số 1488/NXBGDVN ngày 7/11/2017 do ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ký gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ). [6]

Công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội cũng đã ký hợp đồng với 160 tác giả viết sách giáo khoa. [6]

Tính sơ bộ khoảng 800 người có khả năng viết sách giáo khoa đã nhận làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp công ích về xuất bản sách giáo khoa.

Cần nhắc thêm là Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc “Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Liệu có khả năng ông Nguyễn Xuân Thành không cần biết những thông tin báo chí cung cấp? Hay là cấp Vụ phó không có thư ký riêng nên không có người quán xuyến mọi công việc giúp ông Vụ phó?

Nếu điều này là đúng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên quyết định hàm Vụ phó cần phải có thư ký giúp việc riêng để các vị ấy còn lo việc lớn khác?

Đến tận tháng 3/2019 ông Nguyễn Xuân Thành vẫn ký thông báo mời thầu viết sách giáo khoa nên chỉ có ba cách giải thích:

Thứ nhất, kiểu lãnh đạo ăn may, cứ thông báo mời thầu biết đâu may ra kiếm được một số người còn sót lại mà các doanh nghiệp không nhận.

Thứ hai, một hành động mang tính đối phó với Ngân hàng Thế giới, với lãnh đạo Bộ và dư luận trong nước để trốn tránh trách nhiệm?

Thứ ba, chậm ban hành thông báo mời thầu nhằm tạo điều kiện cho “nhóm lợi ích sách giáo khoa” có thời gian “vét” hết tác giả?

Trong ba khả năng nêu trên, khả năng thứ ba cần được xem xét dưới góc độ quản lý nhà nước và tuân thủ pháp luật.

Viện dẫn lý do không tìm được người biên soạn nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không ra được bộ sách giáo khoa theo nghị quyết của Quốc hội, vậy xử lý ai và xử lý thế nào?

Sau hơn 05 năm không thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, dẫn đến tình trạng không tuyển chọn được nhân sự biên soạn sách giáo khoa là sự thừa nhận năng lực điều hành, quản lý kém, thậm chí là rất kém của lãnh đạo ngành Giáo dục. Đây có phải là hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng?

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không hoàn thành trách nhiệm biên soạn bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đối nội là không thượng tôn pháp luật, về đối ngoại là không tuân thủ các điều khoản ký kết khi vay tiền từ Ngân hàng Thế giới.

Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có đóng góp gì vào sự kiện Việt Nam bị hạ bậc tín nhiệm?

Từ những phân tích nêu trên, không khó để chỉ đích danh người phải chịu trách nhiệm, vấn đề là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ xử lý thế nào?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/kinh-doanh/moody-s-ha-trien-vong-tin-nhiem-cua-viet-nam-4029507.html

[2]http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thu-tuong-yeu-cau-mot-so-Bo-rut-kinh-nghiem/383156.vgp

[3]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/vi-sao-bo-gd-dt-pha-san-ke-hoach-viet-sgk-20190705225605102.htm

[4] http://rgep.moet.gov.vn/van-ban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1322

[5] http://rgep.moet.gov.vn/gioi-thieu/thong-tin-chung-ve-du-an-4418.html

[6] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-lay-dau-ra-nguoi-viet-sach-giao-khoa-an-noi-ra-sao-voi-ngan-hang-the-gioi-post188744.gd

Xuân Dương