Thấy gì qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2020 (phần 1)

28/08/2020 06:07
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có vẻ như đứng ngoài quá trình tổ chức tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập tại 63 tỉnh, thành phố cả nước?

Việc tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm 2020 có nhiều điều không bình thường, thống kê ban đầu cho thấy có 09 tỉnh không tổ chức thi mà xét tuyển gồm: Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Cà Mau.

Hai tỉnh Hà Nam, Hưng Yên tổ chức thi hai môn Toán, Ngữ văn và điểm chuẩn cao nhất (không nhân hệ số) tại Hà Nam là 13,75, tại Hưng Yên là 13,9.

Tỉnh Phú Yên có 8 trường tổ chức thi tuyển và 21 trường tổ chức xét tuyển.

Tại Hà Nội, theo phương án tuyển sinh các trường công lập tự chủ tài chính và tư thục do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố, nhiều trường được trao quyền xét tuyển bằng học bạ, học sinh không cần tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10.

Những trường tổ chức thi sẽ thi ba môn, Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Điểm chuẩn sẽ là điểm hai môn Ngữ văn, Toán nhân đôi cộng với điểm Ngoại ngữ.

Điểm chuẩn vào lớp 10 của trường Đại Cường là 12,5 điểm, hai trường lấy 13 điểm là Bất Bạt, Minh Quang. Do cách nhân hệ số nên điểm bình quân phải là điểm chuẩn chia cho 5, do vậy điểm bình quân mỗi môn tại ba trường nêu trên chỉ khoảng 2,5 điểm.

Cũng tại Hà Nội, bốn trường chuyên hoặc trường có lớp chuyên và 35 trường khác, tổng cộng là 39 trường, đã phải hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu. [2]

Thành phố Hồ Chí Minh có 108 trường trung học phổ thông công lập, bốn trường thuộc huyện Cần Giờ công bố điểm chuẩn là 16.

Tại các địa phương điểm thi có nhân hệ số, điểm chuẩn ba môn thi sẽ tương đương 5 môn và do đó tất cả các trường lấy điểm chuẩn dưới 25 đều có nghĩa là học sinh đỗ vào trường công với điểm thi dưới trung bình (5 điểm/môn).

Một số trường hợp cá biệt như ở huyện Lang Chánh – Thanh Hóa điểm bình quân đỗ vào trung học phổ thông công lập chỉ là 0,58 điểm/môn.

Trong số 113 trường trung học phổ thông công lập tại Hà Nội, có khoảng 30 trường lấy điểm chuẩn dưới 25.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có tới khoảng 50% trong số 108 trường trung học phổ thông công lập lấy điểm chuẩn dưới 25.

Tại tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các trường trung học phổ thông không đủ thí sinh để tuyển nhưng vẫn phải tổ chức thi vì đây là “kế hoạch, phương án tuyển sinh đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định phê duyệt từ ngay từ đầu năm 2020”.

Tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm 2020 có nhiều điều không bình thường. (Ảnh minh họa: AN)

Tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm 2020 có nhiều điều không bình thường. (Ảnh minh họa: AN)

Có lẽ Thanh Hóa là trường hợp điển hình nhất nhất cả nước vì tỉnh này có 88 trường trung học phổ thông công lập, ngoại trừ trường chuyên Lam Sơn và 2 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, 85 trường còn lại chỉ có 8 trường lấy điểm chuẩn trên 25 trong khi có tới 16 trường lấy điểm chuẩn thấp hơn hoặc bằng 10 trong đó có 3 trường lấy điểm chuẩn dưới 5 (Lang Chánh, Quan Sơn, Thường Xuân 3).

Nhiều tỉnh chưa công bố điểm chuẩn nên chưa có số liệu so sánh, song có thể thấy khó có tỉnh nào vượt qua Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc tổ chức tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm 2020 cho thấy một thực trạng đáng báo động, nền giáo dục Việt Nam đang bị chia thành các khu “tự trị”, các địa phương tự chọn số môn thi, nội dung và hình thức tuyển sinh còn Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đóng vai trò quan sát, muốn cũng không thể can thiệp.

Với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có vẻ như đứng ngoài quá trình tổ chức tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập tại 63 tỉnh, thành phố cả nước?

Liệu câu trả lời có nằm ở Luật Giáo dục 2019, dự thảo bộ luật này được chính Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo tinh thần đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết 29-NQ/TW (ban hành năm 2013) đã định hướng?

Trong khuôn khổ bài viết, xin nêu một vài vấn đề:

Thứ nhất, chính sách vĩ mô về giáo dục:

“Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”, đây là nội dung khoản 1, điều 96, Luật Giáo dục 2019.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu” là điều đã ghi trong Hiến pháp.

Tiêu nhiều tiền như thế, được ca ngợi như thế, phải chăng ngành Giáo dục thực sự có liên quan đến chuyện “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo”, còn làm thì …?

Việc điều tra, xử lý vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 tại một số tỉnh cho đến nay đều do địa phương phối hợp với Bộ Công an thực hiện.

Mặc dù gian lận thi cử năm 2018 là rất nghiêm trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề xuất kỷ luật 13 người thuộc cơ quan Bộ song cho đến nay chưa tổ chức, cá nhân nào của Bộ bị kỷ luật.

Tại Thanh Hóa, chỉ cần “nâng đỡ không trong sáng” một cô gái là đã bị mất chức, thế các địa phương cả nước để học sinh huyện, tỉnh đỗ vào lớp 10 công lập với điểm dưới trung bình, thậm chí chỉ 0,58 điểm/môn đã có ai bị kỷ luật?

Cho tới nay bao nhiêu lãnh đạo ngành giáo dục bị đề nghị kỷ luật vì chất lượng giáo dục kém tại địa phương, lĩnh vực mà mình phụ trách?

Phải chăng lãnh đạo ngành giáo dục các cấp đều không có lỗi?

Có ý kiến cho rằng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức thi vào lớp 10 công lập năm nay “có sự đa dạng”!

Như đã nhiều lần đề cập, hiện tượng “cát cứ” về giáo dục bắt nguồn từ quy định trong Luật Giáo dục, theo đó:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.

Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục trên một số lĩnh vực như: Đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập…; Bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương…; Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương…”.

Có ý kiến cho rằng cơ quan soạn thảo Luật Giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “nhìn xa, trông rộng” nên đã tìm cách chia sẻ gánh nặng giáo dục cho rất nhiều bộ, ngành, địa phương để tránh khỏi “ôm rơm nặng bụng”?

Cũng có ý kiến cho rằng “20% tổng chi ngân sách nhà nước” là nguồn tiền quá lớn nên không thể để một cơ quan chủ quản?

Quốc hội ban hành Hiến pháp coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu” nhưng vì sao Quốc hội lại nhất trí thông qua đạo luật này mà không áp dụng mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và thống nhất từ trung ương xuống địa phương như quân đội và công an?

Từng có ý kiến nếu địa phương nào để tai nạn giao thông tăng ba năm liên tiếp thì cách chức chủ tịch tỉnh.

Vậy chất lượng giáo dục thấp, tiêu cực xảy ra trong giai đoạn dài thì cách chức ai?

(Còn nữa)

Xuân Dương