Tư duy “mãn khóa” và câu hỏi bằng “tiến sĩ đâu”?

09/06/2015 07:45
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Một điều hợp lòng dân, sao chưa dám quyết, một điều chưa chắc chắn, sao lại vội?

Hè đến, những đứa trẻ rời ghế trường phổ thông thường có những buổi chia tay lưu luyến, có những bạn bè cùng nhau suốt 12 năm học, khi chia tay sẽ không bao giờ gặp lại. Thời phổ thông luôn để lại dấu ấn đậm nét trong tâm trí con người.

Các quan chức, các đại biểu của dân cũng không tránh được thời  “mãn khóa”, khác với trẻ con chỉ là những dòng lưu bút, những lưu niệm nho nhỏ như quyển sổ, cái bút, dù không nói ra nhưng họ đều muốn người đời sẽ chiêm ngưỡng các công trình mà họ đã và sẽ để lại cho quê hương, đất nước, dòng tộc khi còn tại vị.

Một số công trình đã trở thành biểu tượng của công cuộc hiện đại hóa đất nước như Thủy điện Hòa Bình, đường Hồ Chí Minh… Cũng không thiếu những công trình khiến cho người dân phải ngậm ngùi thốt lên “tiền ơi, đừng chảy nữa, thuế ơi, hãy ngừng bay”.

Tư duy “mãn khóa” và câu hỏi bằng “tiến sĩ đâu”? ảnh 1

Tham "vinh quang”

(GDVN) - “Tham vinh quang” tự thân nó sẽ đủ sức mạnh để dẫn dắt quyền lực làm những việc nên làm và cần làm.

Một trường đại học ở ngoại thành Hà Nội, mặt tiền có hai cái hồ, vị Hiệu trưởng đương nhiệm cho lát gạch đỏ con đường bao xung quanh hồ, tạo thành đường đi dạo cho cán bộ sinh viên, vị Hiệu trưởng mới lên liền cho đổ bê tông đè lên lớp gạch cũ dù lớp gạch đỏ cũ vẫn hầu như nguyên vẹn!

Ở tầm tỉnh-thành phố, những công trình gọi là “thế kỷ” đánh dấu nhiệm kỳ của ai đó không hề thiếu, Bảo tàng Hà Nội, một trong số các bảo tàng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, được đầu tư tới 2.300 tỷ, sau hơn 4 năm mở cửa, cuối năm 2014 Vtv.vn phải ngán ngẩm thốt lên “Buồn hiu hắt bảo tàng nghìn tỷ đồng”.

Cũng ở tầm “nhỡ nhỡ”, tượng đài chiến thắng Điện Biên giờ đang bị hoen rỉ nặng, còn khu vực tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa khánh thành hôm trước, hôm sau đã phải cậy gạch lát lại.

Sửa đi, sửa lại mãi rồi cũng phải tốt, mà có không tốt cũng chả sao, quan trọng là ở những nơi đó người ta không quên vài bức ảnh trong phòng lưu niệm ghi lại cảnh động thổ, cảnh cắt băng khánh thành! Không được lưu danh thì lưu hình cũng tốt, đỡ cho người đời sau phải nhận diện nhầm như có dạo người ta đăng ảnh cụ Dương Khuê và chú thích đó là ảnh cụ Nguyễn Trãi.

Ở tầm cao nhất, tầm quốc kế dân sinh, tầm Quốc hội, còn nhớ 5 năm trước Vietnamnet.vn ngày 8/6/2010 có bài viết: “Các nước có IQ cao đều làm đường sắt cao tốc”. Không tán thành quan điểm làm đường sắt cao tốc, ông Nguyễn Minh Thuyết khi đó là ĐBQH nói: “Chỉ số IQ của tôi thấp nên tôi chắc chắn không tán thành" .

Câu nói của một vị giáo sư, tiến sĩ rất có uy tín, lại là Phó chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội khiến người ta không thể không đặt câu hỏi, trong số những người đang được quyền thay dân cất lên tiếng nói chốn nghị trường có bao nhiêu người “ngây thơ” tự nhận mình thuộc vào hàng “chỉ số IQ thấp” như GS. Nguyễn Minh Thuyết?

Hình như con số ấy không nhiều như người dân suy nghĩ, chắc chắn trong phòng họp người có chỉ số IQ cao là không ít, vì IQ cao nên mới có vị ĐBQH khinh dân, rằng “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện”. [1]

Bài thơ “Ông Cò” của cụ Tú Xương mở đầu bằng hai câu:

Hà Nam, danh giá nhất ông Cò; Trông thấy ai ai chẳng dám ho…

Hậu thế ngày nay mạn phép cụ mà họa lại, rằng

Hà Nam, danh giá nhất ông Nghị; Trông thấy trẻ con chẳng dám… khóc

Độc giả nếu mà thấy chữ “khóc” gieo vần kiểu “cành bứa” thì cứ thay vần nào cho hợp chứ người “dân trí thấp” gieo vần cho xuôi với chữ “nghị” sợ phạm thượng, càng không dám so chữ, so lời với người IQ cao.

Vả lại, còn một lý do nữa, nếu mà gieo vần cho câu thơ đọc xuôi tai thì sợ có khi lại bị ông “nghị” khác bảo là “im mồm”. Nghe nói có vị ĐBQH phát biểu về quyền im lặng của nghi phạm đã dùng từ “im mồm” thay cho từ “im lặng”, có lẽ ngài ấy sợ dùng từ “im lặng” thì dễ nhầm với “đồng ý” (im lặng là đồng ý).

Mặt khác, dùng từ “im lặng” thì quá thường, chưa xứng với tầm cỡ ông “nghị”, chưa phản ánh đúng chỉ số IQ rất cao của mình nên vị ấy phải dùng từ “im mồm”, không biết nếu được “hùng biện” thật lâu vị ấy có thay từ “im mồm” bằng từ “câm miệng” hay không?

Tư duy “mãn khóa” và câu hỏi bằng “tiến sĩ đâu”? ảnh 2

Bộ Giao thông vận tải đề nghị thẩm định học vị, ông Trần Đình Bá nói gì?

(GDVN) - Về dự án sân bay Long Thành, ông Bá cho rằng đã đóng góp nhiều ý kiến bằng lòng yêu nước, bằng trí tuệ của ông...

Có lẽ số người vừa IQ cao, vừa có khiếu văn chương không phải là số ít nên trong luật, kể cả Hiến pháp mới tồn tại những từ rất là “văn học” như “thiêng liêng, vẻ vang…”, nếu không thế thì vì sao thảo luận về đường sắt mà người ta lại phải viện dẫn cả “cô tiên đang ngủ”?

Mà những điều nêu trên thì ăn nhập gì với chuyện “mãn khóa”? Thực ra nếu suốt cả một nhiệm kỳ mà giữ quyền “im mồm” (đây là ngôn ngữ của ông nghị nọ) thì hóa ra “có cũng như không” hay sao?

Người dân đang mong đợi, gần cuối nhiệm kỳ rồi vậy thì cái gì sẽ được quyết để đánh dấu đây? Quyết xây sân bay Long Thành hay ra Nghị quyết về Biển Đông?

Không phải nhà chuyên môn nên không dám lạm bàn về sân bay, nói không cẩn thận mà bị hỏi “bằng tiến sĩ” đâu thì xấu hổ lắm, nhất là trong hoàn cảnh có một số vị tiến sĩ không muốn trưng ra mình là tiến sĩ, lại cũng bắt đầu có (trong số gọi là dân trí cao) những người không dám nhận mình là tiến sĩ nữa.

Giữa “Sân bay” và “Biển Đông” nếu mà hỏi dân, dẫu “dân trí thấp” đến mấy chăng nữa thì triệu người như một, tất cả đồng lòng một câu “cần nghị quyết về Biển Đông”, còn nếu mà hỏi dân về sân bay thì chớ, dân biết gì đâu mà hỏi, dân làm gì có bằng tiến sĩ mà hỏi, tóm lại là chỉ nên nghe các nhà khoa học.

Xin trích ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống về Dự án sân bay Long Thành: “cách diễn giải không đúng, không trung thực, nói thẳng ra là “nói láo”. Theo PGS. Tống, cả thế giới “chỉ có 8 sân bay cách trung tâm thành phố trên 40 km. Sân bay Long Thành cách TP. HCM 45 km đường chim bay và trên 50 km đường bộ sẽ ở trong nhóm này”.  

Có dịp vào Đà Nẵng, từ sân bay quốc tế về khách sạn Mường Thanh chỉ 4-5 cây số, thế mà cũng mất gần nửa giờ chờ xe và đi lại. Nếu mà hỏi du khách có muốn mất thêm một hai giờ từ Long Thành về TP. Hồ Chí Minh sau chặng đường bay hàng ngàn cây số thì người viết dám chắc100% đều lắc đầu.

Một điều hợp lòng dân, sao chưa dám quyết, một điều chưa chắc chắn, sao lại vội. Phải chăng lòng dân thì vô ảnh, còn sân bay thì quá hoành tráng, những mấy ngàn hécta đất, từ vũ trụ còn nhìn thấy huống hồ là người thường!

Dẫu sao sẽ đến lúc đất nước cần phải có những sân bay hoành tráng, ấy là khi không còn cảnh trẻ con ngồi túi qua sông đi học, ấy là khi các ngôi trường không chỉ gồm mấy cái cột và lá lợp bên trên, ấy là khi nền công nghiệp đủ sức sản xuất nguyên vẹn một chiếc ô tô (chứ chưa nói đến một chiếc máy bay)…

Sáu mươi năm trước, Đảng nêu định hướng “Tập trung phát triển công nghiệp nặng đồng thời chú ý phát triển công nghiệp nhẹ, bước đầu hình thành nền công nghiệp hiện đại với cơ cấu khá hoàn chỉnh, bao gồm cả các ngành công nghiệp chế tạo tư liệu sản xuất và sản xuất tư liệu tiêu dùng”. [2]

Sáu mươi năm sau, chúng ta có nền công nghiệp nặng như thế nào? Đến cái ốc vít cho điện thoại còn chưa làm được, vậy phải chăng chúng ta muốn có sân bay để thay thế nền công nghiệp nặng bằng công nghiệp du lịch?

Không biết khi chuẩn bị bấm nút, các ĐBQH có biết một bài viết trên Trang Thông tin điện tử Kiểm toán Nhà nước liệt kê 7 loại thất thoát, bao gồm: [3]

Thất thoát, lãng phí trong khâu: chủ trương đầu tư; khảo sát thiết kế; đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng; trong công tác triển khai và điều hành kế hoạch đầu tư hàng năm; lựa chọn nhà thầu; thi công xây lắp công trình.

Tính về tỷ lệ, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam từng đăng ý kiến của ông Phạm Sĩ Liêm (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản vào khoảng 10%, trong khi có những ý kiến là nhiều hơn thế. [4]

Tư duy “mãn khóa” và câu hỏi bằng “tiến sĩ đâu”? ảnh 3

Dự án sân bay Long Thành: “Thiếu nghiêm túc ngay từ đầu”

(GDVN) - Đó là nhận định của PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM về Dự án sân bay Long Thành.

Người xưa nói “bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (tạm dịch: người nghèo sống nơi phồn hoa cũng không ai đến thăm, người giầu ở giữa rừng sâu, vẫn có nhiều bạn bè tìm đến- NV). Sân bay hoành tráng không phải là đích đến của du khách, chẳng ai đến ngắm sân bay rồi lại lên máy bay quay về.

Người ta muốn thấy một đất nước thân thiện, môi trường trong lành, dân trí cao chứ không phải rời khỏi sân bay là thấy những khu rừng chỉ còn gốc cây, những dòng kênh cá chết nổi thành bè.

Hàng ngàn tỷ đầu tư vào bất động sản đang dần trở thành bãi rác, nơi trú ngụ cho tội phạm ma túy…

Khi nhu cầu thực tế đặt ra, mất vài năm là có thể xây xong sân bay, xây xong mà không có nhu cầu thực tế, mất hàng trăm năm cũng chưa chắc trả lại được nguyên trạng những cánh đồng trù phú. Chân lý giản đơn ấy, người IQ thấp đều hiểu, còn người IQ cao có khi nghĩ xa hơn, không giống với quảng đại quần chúng “dân trí thấp”.

Sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia không phải là ở một cái sân bay, mà là ở tầm suy nghĩ của những người ra quyết sách. Chừng nào mà trong số những người có quyền biểu quyết còn có người mắng đồng nghiệp là “tứ đại ngu”, còn mắng dân là “dân trí thấp”, còn  phải thốt lên rằng: “Ở Quốc hội, đôi khi nói đúng cũng chả được tiếp thu, nói gì cái anh luật sư [5] thì chuyện luật ban hành chưa có hiệu lực đã bị sửa liệu có còn tái diễn?

Sửa Luật BHXH, chỉ cần một vài tuần, tốn kém chắc không đáng kể. Nếu mà quyết xây sân bay xong rồi sửa, liệu có dễ như sửa luật?

Liệu Quốc hội có nên thận trọng khi biểu quyết về sân bay? Hay là cứ quyết khóa này, sai đâu khóa sau sửa?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vtc.vn/noi-trinh-do-dan-tri-thap-bi-phan-ung-dai-bieu-ha-minh-hue-len-tieng.2.556547.htm

[2] http://www.moit.gov.vn/vn/pages/lichsuphattrien.aspx?IDNews=502

[3] http://www.sav.gov.vn/957-1-ndt/that-thoat-lang-phi-von-dau-tu-xay-dung-co-ban-cua-nha-nuoc-va-van-de-dat-ra-doi-voi-kiem-toan-nha-nuoc-trong-viec-kiem-toan-cac-du-an-dau-tu.sav

[4]http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/ListObjectNews.aspx?co_id=30173

[5] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/O-Quoc-hoi-doi-khi-noi-dung-cung-cha-duoc-tiep-thu-noi-gi-cai-anh-luat-su-post158958.gd

XUÂN DƯƠNG