Vấn nạn văn mẫu có phải do "buông lỏng quản lý việc dạy Ngữ văn"?

17/09/2021 06:20
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất của vấn nạn văn mẫu chính là căn bệnh “đồng phục” trong nhận thức và tư duy của toàn xã hội về mục tiêu của nền giáo dục.

LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Vĩnh Long trao đổi với Giáo sư Trần Đình Sử quan điểm của ông về vấn đề "văn mẫu" trong nhà trường phổ thông, nguyên nhân và giải pháp.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Giáo sư Trần Đình Sử vừa có 2 bài viết liên quan đến vấn đề truy tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp chống văn mẫu trong nhà trường phổ thông sau lời phát động mang tính chỉ đạo mới đây của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Đó là bài “Câu chuyện văn mẫu và sự quản lý việc dạy văn học trong nhà trường phổ thông” và “Giải pháp chấn chỉnh tệ nạn “dạy văn mẫu” trong nhà trường phổ thông hiện nay” đăng trên website của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nếu như ở bài đầu, Giáo sư Trần Đình Sử chủ yếu phân tích, lý giải nhằm chỉ ra căn nguyên, nguồn gốc của vấn nạn văn mẫu trong nhà trường trong khoảng “30 năm qua” thì ở bài thứ hai, Giáo sư Trần Đình Sử đề ra 5 giải pháp cơ bản mà theo ông là sẽ giúp “chấn chỉnh tệ nạn văn mẫu” trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Chúng tôi xin có trao đổi lại quan điểm của Giáo sư Trần Đình Sử xung quanh những vấn đề mà ông trình bày trong hai viết trên.

Ảnh minh họa: tuyensinh.tvu.edu.vn

Ảnh minh họa: tuyensinh.tvu.edu.vn

Không sai nhưng chưa đủ và chưa “chạm” tới nguyên nhân gốc rễ

Trong bài viết đầu tiên và một phần bài viết thứ hai, Giáo sư Trần Đình sử đã có những phân tích, chứng minh và đi đến kết luận về nguyên nhân của vấn nạn văn mẫu trong nhà trường phổ thông Việt Nam hơn “30 năm qua” đó là: do sự “buông lỏng quản lý trong việc dạy văn trong nhà trường”.

Cụ thể, khi truy tầm vấn nạn này, Giáo sư Trần Đình Sử đã phát hiện ra dấu vết đầu tiên là “Bộ đề thi và đáp án môn văn do Giáo sư Phan Cự Đệ chủ biên với sự tham gia của các giáo sư đầu ngành hồi ấy do Bộ Giáo dục chỉ đạo, vào khoảng năm 1989 – 1990”. [1]

Dẫu vậy, theo ông đây mới là chỉ là dấu hiệu khởi phát của nạn văn mẫu trong nhà trường. Vấn nạn này chỉ chỉ thực sự thành bệnh là từ khi có trào lưu ôn thi, luyện thi nói chung. Ông viết:

“Nhưng rồi từ đó nảy sinh trào lưu luyện thi, các thầy cô luyện thi đã cụ thể hóa các nội dung đáp án thành các bài mẫu cho học sinh chép.

Các đầu nậu sách còn tổ chức viết các bài văn hoàn chỉnh và đặt tên là “văn mẫu” do một số nhà giáo nổi tiếng đứng tên.

Nhưng “văn mẫu” chính thức trở thành nạn sao chép học thuộc là khi ai đó quy định (chắc chắn là trên Bộ) giới hạn bài thi tốt nghiệp hoặc thi đại học vào các bài văn học ở lớp 11 và 12 trung học phổ thông (THPT), quanh đi quẩn lại chỉ một số bài thơ Tố Hữu, thơ Hồ Chí Minh, Đây thôn Vỹ Dạ, Đây mùa thu tới, Tống biệt hành, Tây tiến, Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Đất nước, Vợ nhặt, Sóng,…” [2]

Ngoài vấn đề trên, Giáo sư Trần Đình Sử cũng cho rằng chính cách dạy và ra đề thi môn ngữ văn thời gian qua cũng là một nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh nạn văn mẫu.

Ông cho rằng, cách ra đề nhằm khuyến khích lối học thuộc lòng từ đó việc biên soạn các bộ đề, các loại sách văn mẫu phục vụ cho các kì thi của học sinh bùng nổ.

Những phân tích và chứng minh về các nguyên nhân gây ra nạn văn mẫu trong nhà trường hiện nay của Giáo sư Trần Đình Sử là không sai. Tuy vậy, theo chúng tôi là chưa thật đầy đủ. Quan trọng hơn là vẫn chưa đi vào bản chất cốt lõi của vấn nạn văn mẫu hiện nay.

Bệnh “đồng phục” trong tư duy và “bệnh thành tích” trong giáo dục mới là nguyên nhân “gốc rễ” của vấn nạn văn mẫu

Sở dĩ chúng tôi cho rằng Giáo sư Trần Đình Sử nói “chưa thật đầy đủ” là vì nếu chỉ thuần túy xem nguyên nhân của nạn văn mẫu từ việc rập khuôn trong cách ra đề thi, từ đó tạo điều kiện cho các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành biên soạn sách mẫu, sách tham khảo, tôi nghĩ Giáo sư Trần Đình Sử phải kể thêm hàng loạt đầu sách mà chính ông cũng từng tham gia đứng tên chủ biên thời gian qua.

Bởi như ông nói, từ năm 2000 ông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn Trung học phổ thông nhằm chống lại vấn nạn này.

Chúng tôi xin đơn cử quyển “Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam” cho chính Giáo sư Trần Đình Sử chủ biên dày 658 trang do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2003 [3].

Ngoài ra, là hàng loạt quyển sách tương tự do Giáo sư Trần Đình Sử, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống… tuyển chọn và biên soạn dưới tên gọi sách tham khảo phục vụ cho việc ôn thi tốt nghiệp các cấp hay các kỳ thi giỏi văn quốc gia từ đó đến nay.

Ở một phương diện khác, theo chúng tôi, nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất của vấn nạn văn mẫu chính là căn bệnh “đồng phục” trong nhận thức và tư duy của toàn xã hội đặt trong cái nhìn về mục tiêu của nền giáo dục nói chung; mục tiêu và quan niệm của việc dạy học văn trong nhà trường nói riêng.

Chính sự “đồng phục” và “rập khuôn” này đã tác động và chi phối toàn bộ quá trình từ việc thiết kế chương trình, biên soạn nội dung các bộ sách giáo khoa Ngữ văn cho đến cách thức, phương pháp dạy và ra đề môn văn của thầy cô giáo trong trường phổ thông hiện nay.

Xin nêu một ví dụ. Có thể thấy, khi thiết kế và biên soạn chương trình, sách giáo khoa nói chung, môn ngữ văn nói riêng, các nhà biên soạn luôn đặt ra mục tiêu giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Điều này là cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là “yêu nước là gì, như thế nào là yêu nước”?

Lâu nay, chúng ta chỉ đưa vào những tác phẩm văn học mà nội hàm yêu nước chỉ thuần túy là tinh thần chống ngoại xâm, hay “sự chiến đấu anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hy sinh của một cá nhân nào đó để giành quyền độc lập tự do cho dân tộc”.

Đây một khía cạnh của chủ đề tinh thần yêu nước nhưng nếu chỉ có thể rõ ràng chúng ta chỉ mới bàn ở một phương diện.

Đất nước đã hòa bình, thống nhất thì yêu nước rất nên được nhìn nhận ở các phương diện khác, đa dạng và đa chiều hơn.

Cần có những tác phẩm văn học mà nội dung của nó sẽ góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ nhưng không nên quanh quẩn trong chủ đề “căm, yêu, chiến, lạc” của thời chiến tranh.

Ngoài vấn đề trên, thì chính quan điểm và mục tiêu dạy học ở phổ thông thời gian qua chủ yếu nhằm “phục vụ” cho các kỳ thi (chuyển cấp, thi học sinh giỏi địa phương, quốc gia…) là căn nguyên làm cho vấn nạn văn mẫu trầm trọng hơn.

Hay nói chính xác hơn, đây chính là “căn bệnh ngụy thành tích” trong giáo dục. Chính căn “bệnh ngụy thành tích” này đã bị một số người lợi dụng và khai thác, từ đó biên soạn ra hàng loạt sách văn mẫu, sách tham khảo dưới danh nghĩa “chuẩn hóa” kiến thức môn văn ở tất các cấp.

Điều đáng nói là những người biên soạn văn mẫu này lại cùng lúc kiêm luôn vai trò của người biên soạn chương trình sách giáo khoa môn văn; hay thậm chí là thành viên trong các ban ra đề thi, trực tiếp tham gia ôn thi, luyện thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học…

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1], [2]: Trần Đình Sử - “Câu chuyện văn mẫu và sự quản lý việc dạy văn học trong nhà trường phổ thông”. https://vanvn.vn/cau-chuyen-van-mau-va-su-quan-li-viec-day-hoc-van-trong-nha-truong/

[3: Trần Đình Sử -“Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam”. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Trọng Bình