Việt Nam, nơi hội tụ của những toan tính địa chính trị toàn cầu

03/03/2019 08:08
Xuân Dương
(GDVN) - Có thể khẳng định vị trí địa lý và thể chế chính trị tại Việt Nam luôn nằm trong các toan tính địa chính trị toàn cầu của các cường quốc.

Không phải ngẫu nhiên, cuộc gặp song phương lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un lại diễn ra tại Hà Nội.

Nhiều lý do được đưa ra như khoảng cách địa lý Hà Nội-Bình Nhưỡng, mô hình đổi mới kinh tế của Việt Nam hay những toan tính của Mỹ đối với Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương,… 

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Việt Nam là quốc gia duy nhất bị tàn phá nặng nề bởi những đạo quân hùng hậu nhất thế giới đến từ Nhật, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và những lực lượng quân sự có chung lợi ích với Mỹ như Nam Hàn, Úc, Khmer Đỏ,…

Các cuộc chiến tại Nam Tư cũ, Afghanistan, Iraq, Syria,… do liên quân mà Mỹ lãnh đạo không có sự tham gia của quân đội Trung Quốc, Nhật Bản nhưng vũ khí, phương tiện vận tải xuất xứ từ các quốc gia này không phải không có.

Sự hội tụ của các toan tính địa chính trị của nhiều cường quốc tại mảnh đất hình chữ S này không chỉ gây nên các cuộc chiến mà đôi khi cũng là những bó hoa và nụ cười. 

Việt Nam là nơi hai lần tổ chức Hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) vào các năm 2006 và 2017. 

Hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim năm 2019 này thu hút gần 3.000 nhà báo quốc tế đến Việt Nam đưa tin, tường thuật trực tiếp cho thấy vị thế của nước chủ nhà và cũng cho thấy Việt Nam quan trọng thế nào trong con mắt của không ít chính khách. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc họp mở rộng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 ở Hà Nội. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc họp mở rộng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 ở Hà Nội. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể khẳng định vị trí địa lý và thể chế chính trị tại Việt Nam luôn nằm trong các toan tính địa chính trị toàn cầu của các cường quốc. 

Nhân loại đã có quá nhiều kinh nghiệm về chiến lược “Tiên lễ, hậu binh”, chiến tranh luôn là phương tiện được sử dụng nếu ngoại giao không đạt yêu cầu.

Sự hội tụ của các toan tính địa chính trị lý giải vì sao các đạo quân xâm lược từ ba châu lục Âu, Mỹ, Á đổ vào Việt Nam nhiều thế chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm sau khi thế chiến 2 kết thúc.

Năm 1945, trục phát xít thất bại, Nhật Bản phải rút toàn bộ quân đội khỏi Việt Nam.

Năm 1954, Pháp thất bại tại chiến trường Điện Biên, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, quân Pháp phải rút hoàn toàn khỏi miền Bắc Việt Nam.

Năm 1972, sau Hiệp định Paris, quân Mỹ phải rút toàn bộ khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 05/03/1979, sau những trận đánh khốc liệt, bị thiệt hại nặng nề về quân số và phương tiện quân sự, Trung Quốc phải rút quân về nước mặc dù xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm, đến năm 1991, quan hệ ngoại giao Việt-Trung mới chính thức được bình thường hóa.

Việt Nam, nơi hội tụ của những toan tính địa chính trị toàn cầu ảnh 2Việt Nam - “nguồn cảm hứng của hòa bình”

Việt Nam ngày nay có 16 đối tác chiến lược (bao gồm 3 đối tác chiến lược toàn diện) và 12 đối tác toàn diện, trong đó có những nước đã đưa quân vào xâm lược Việt Nam sau năm 1945. 

Vì sao có tới 28 quốc gia, chiếm khoảng 1/5 số quốc gia trên thế giới có quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với Việt Nam trong đó 3 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Nga (2012), Trung Quốc (2008) và Ấn Độ (2016). 

Trong ba quốc gia này, duy nhất quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là còn nhiều tồn đọng chưa được giải quyết về lãnh thổ.

Trung Quốc hiện đang chiếm đóng và quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tròn 40 kể từ khi cuộc chiến biên giới phía Bắc kết thúc, sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam vẫn chưa được đảm bảo. 

Tuy nhiên cần phải khẳng định quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt – Trung là quan hệ lịch sử lâu đời, có sự giao thoa văn hóa và sắc tộc. 

Thế nhưng quan hệ giữa các quốc gia không chỉ là quan hệ nhân dân mà chủ yếu lại là giữa các lực lượng lãnh đạo, cầm quyền.

Gần như toàn bộ các cuộc chiến tranh trên thế giới này không phải do dân chúng khởi xướng mà do giới cầm quyền, chính xác là người nắm quyền cao nhất (hoặc một nhóm người cầm quyền) quyết định.

Nhìn nhận một cách tỉnh táo các mối quan hệ quốc tế là để đánh giá khách quan những gì đã xảy ra, không phải để kích động hận thù.

Các thế hệ người Việt Nam hôm nay vẫn coi người dân các nước Nhật, Mỹ, Pháp, Úc, Hàn Quốc,… là bạn. 

Với Trung Quốc cũng vậy, trân trọng tình hữu nghị giữa hai dân tộc, để hòa bình là cầu nối sự phát triển thịnh vượng hai quốc gia, nhưng cũng cần nói để mọi người hiểu rõ bản chất những cuộc chiến trong quá khứ, tránh bị kích động bởi chủ nghĩa dân túy hay mộng mơ về những cuộc phiêu lưu mới.

(Còn nữa)

Xuân Dương