GS Nguyễn Lân Dũng chủ biên cuốn sách Khoa học về sự sống, mong GV biết 10 dạy 1

18/10/2022 06:40
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn "biết mười dạy một" thì thầy cô phải tìm đọc thêm sách để có thể bổ sung kiến thức cho mình.

Điều mong muốn của mỗi thầy cô chắc đều là có bài giảng hay và được học sinh yêu mến. Muốn vậy thì như người xưa vẫn nói "Biết mười dạy một".

Thời tôi đi học, may mắn được học các thầy giáo như vậy. Muốn biết mười thì thầy cô phải tìm đọc thêm sách để có thể bổ sung kiến thức cho mình. Với bộ môn Sinh học, có thầy cô đã tìm đến bản dịch cuốn Sinh học Campbell (Nhà xuất bản Giáo dục).

Cuốn này rất hay nhưng quá dày và quá đắt, chỉ thích hợp cho bậc đại học. Thời gian qua tôi và hai thầy cô giáo trung học phổ thông đã cố gắng biên soạn cuốn Sinh học - Khoa học về sự sống (Nhà xuất bản Dân trí).

Tôi coi cố gắng này là tặng phẩm gửi các thầy cô giáo giảng dạy Sinh học.

Cuốn sách "Sinh học - Khoa học về sự sống"

Cuốn sách "Sinh học - Khoa học về sự sống"

Tôi cũng mong muốn các thầy cô là làm sao giúp học sinh ham thích nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu những điều thiết thực trong cuộc sống.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện Khám phá bèo hoa dâu. Trước đây, vào vụ Đông Xuân trên đồng ruộng miền Bắc không nơi nào không có bèo hoa dâu phủ kín ruộng đồng.

Bà con ta có câu "Đông Xuân không có bèo dâu, khác nào như thể ăn trầu không vôi". Ruộng lúa được phủ kín bèo dâu thì không cần phân đạm, lúa cũng rất tốt rồi.

Vậy mà bỗng nhiên bèo hoa dâu vắng bóng trên ruộng đồng.

Nhiều nước trên thế giới coi bèo hoa dâu là sản phẩm thần kỳ của tạo hóa. Anh hùng Phạm Tuân cũng từng mang theo bèo hoa dâu để khảo sát trong chuyến du hành vũ trụ của mình.

Thật đáng tiếc khi bèo hoa dâu không còn tìm thấy ở nhiều nơi. Gần đây hai nhà khoa học là Alexandra Bujak, nữ tiến sĩ người Mỹ và tiến sĩ Jonathan Bujak (bố của cô) đã cho in cuốn "Câu chuyện Bèo hoa dâu Azolla" và đã được Tiến sĩ Phạm Gia Minh dịch ra tiếng Việt (Nhà xuất bản Tri thức).

Cuốn sách "Câu chuyện Bèo hoa dâu Azolla"

Cuốn sách "Câu chuyện Bèo hoa dâu Azolla"

Đây là một công trình nghiên cứu đặc sắc với 673 tài liệu tham khảo về bèo hoa dâu trên khắp thế giới. Hóa ra bèo hoa dâu không phải là đặc sản Việt Nam.

Nó mang nhiều tên khác nhau, như Watervaring (Nam Phi), Kutipana (Bangladesh), Chak krahan (Campuchia), Nae harnghern (Lào), Mãn Giang Hồng (Trung Quốc), Andematbregn (Đan Mạch, Na Uy), Algenfarn (Đức), Grote kroosvaren (Hà Lan), Limaskasaniainen (Phần Lan), sakotoji azolé (Litva), ramilamina (Madagascar), kutipana (Ba Tư), Azolla (Nga), Helecho de agua (Tây Ban Nha), naedaeng (Thái Lan), Cyfrdwy (xứ Wales)…

Sở dĩ bèo hoa dâu đặc biệt vì đây là thực vật thủy sinh ngoài khả năng quang hợp còn có khả năng cố định nitrogen từ không khí.

Khả năng cố định nitrogen có được là vì bèo hoa dâu luôn cộng sinh bên trong khoang khí của bèo một vi khuẩn lam có tên là Anabaena azollae (có hình giống như chuỗi hạt đeo cổ)

Nghiên cứu mà các trường trung học phổ thông có thể thực hiện bao gồm: hiện ở đâu còn gặp bèo hoa dâu, làm sao nhân giống được nhanh chóng bèo hoa dâu (ở nhiệt độ thích hợp, dùng thêm phân bón P và K), hiệu quả của việc dùng bèo hoa dâu làm phân bón, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm…

Những khảo sát này phù hợp với năng lực của học sinh trung học phổ thông và có ý nghĩa thực tiễn rất lớn lao đối với nền nông nghiệp nước ta hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng