LTS: Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục – Môi trường của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bài viết gửi riêng cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam để nói lên thực trạng của giáo dục hiện nay cũng như tiến trình đổi mới.
Trong bài 1 này, GS.Nguyễn Lân Dũng chỉ ra những điểm mạnh của một dân tộc hiếu học, không thua kém bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Nhưng đi vào cụ thể về chất lượng giáo dục, chúng ta đang thua rất xa so với các nước, nguyên nhân ở đâu?
Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết tới độc giả.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng viết:
Về đường lối: Chúng ta đã có những đường lối chính xác của Đảng và Nhà nước thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 Khoá XI, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9-6-2014 của Chính Phủ.
Nghị quyết số 678/NQ-UBTVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 40/2000 ngày 9-12-2000 của Quốc hội liên quan đến công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Các Nghị quyết này đã đề ra những mục tiêu khá cụ thể nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất , thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam.
Nội dung giáo dục phổ thông phải bảo đảm tính liên thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và hệ thống; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học; coi trọng kiến thức xã hội và nhân văn; bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, khả năng tiếp thu của học sinh.
Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động , sáng tạo của học sinh, bồi đưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc nhóm, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
“Thế giới phẳng” chuyển thành “Thế giới nhanh”
Hơn thế nữa tác giả của cuốn Thế giới phẳng nổi tiếng Thomas Friesman gần đây đã thấy không còn đúng nữa và ông đã viết cuốn sách mới –Thế giới nhanh.
Rất tiếc chưa có bản dịch ở Việt Nam. Chúng ta ngồi đây nhưng có thể biết tình hình giáo dục của thế giới và của nhiều nước đang phát triển ra sao. Tất nhiên mỗi nước có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đừng có quá nhấn mạnh đến sự khác biệt của tình hình nước ta để đi đến tìnhtrạng mà như giáo sư Hoàng Tuỵ phải kêu lên là đến mức là dị dạng (!).
Chẳng cần đi đâu xa, hãy nhìn quanh chúng ta mà học. Về Đại học, Singapore là một đất nước có nền giáo dục được đánh giá cao. Quốc đảo này chỉ có dân số khoảng 4 triệu người nhưng lại có 4 trường đại học lớn cùng với rất nhiều trường đại học tư thục khác.
Vừa qua đã có rất nhiều trường của Singapore góp mặt trong top 100 trường ĐH tốt nhất thế giới. Trường ĐH Quốc Gia Singapore (NUS) và ĐH Công Nghệ Nanyang ( NTU) thuờng xuyên nằm trong top 100 trường ĐH tốt nhất thế giới trong nhiều năm trở lại đây.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới liệu có nâng chất lượng giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới? Ảnh minh họa Xuân Trung |
Năm 2013 đã chứng kiến một bước nhảy kỳ diệu của hai trường ĐH này theo bảng xếp hạng mới nhất của Quacquarelli Symonds (QS) World University Rankings, phát hành ngày 10/9/2013.
Cụ thể, NUS được xếp hạng thứ 24 và đại học “anh em” với NUS là NTU cũng nhảy 6 bậc để chiếm vị trí 41 trong bảng xếp hạng này. Ấn tượng nhất là ĐH Quốc gia Singapore lần đầu tiên đứng số 1 Châu Á, đứng trên 8 bậc so với ĐH lâu đời và danh tiếng bậc nhất của Châu Á là ĐH Tokyo (Nhật) và đứng trên 1 bậc so với ĐH California , Berkeley (Mỹ).
Giảng viên Đại học Việt nam có thể dạy theo nội dung như các Đại học ở Singapor được không. Tôi cho không ít trường có thể làm được nếu chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT không kém.
Về giáo dục phổ thông, ta hãy xem ngay một trong những trường Quốc tế đang mở tại Việt Nam. Học sinh nào cũng được học, miễn là có đủ tiền. Các cháu học toàn bằng ngoại ngữ (Anh hoặc Pháp), tiếng Việt là môn học chỉ đạt yêu cầu đọc thông, viết thạo, viết đúng ngữ pháp và chính tả.
Các cháu học chương trình như nước ngoài mà thoải mái, vui vẻ, phát triển toàn diện, bố mẹ cho xem thêm đồng thời các sách giáo khoa Việt Nam cùng lớp các cháu đều thấy hiểu được, trừ khi bắt học thuộc lòng (!).
Chúng ta không thua kém về trí tuệ
Học sinh Việt Nam có tuổi học và số năm học như thế giới và không kém thông minh hơn so với học sinh các nước khác.
Học sinh trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) tuy học theo Chương trình Việt Nam (có đổi mới phương pháp dạy và học) đạt kết quả hầu hết được nhận học bổng (toàn phần hay một phần) đi du học sau khi tốt nghiệp THPT.
Lưu học sinh Việt Nam hay con em kiều bào ta đều học rất tốt. Các cuộc thi Olympic quốc tế đoàn Việt Nam đâu có thua kém gì đâu. Chúng ta có đội ngũ các thầy cô giáo tài hoa.
Thế hệ đi trước tiêu biểu như các GS. Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên; thế hệ dạy chúng tôi tiêu biểu như các GS. Hoàng Tuỵ, Hoàng Như Mai; thế hệ chúng tôi tiêu biểu như Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu;
Thế hệ con chúng tôi tiêu biểu như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn và nhóm Đối thoại giáo dục (Trong lần tiếp nhóm này Thủ tướng đề nghị GS. Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục tiếp tục tư vấn, góp ý để cùng các bộ, ngành hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục, đồng thời đóng góp nhiều nhất cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực).
Chúng ta có hàng vạn chuyên gia đang hoạt động trong các Hội khoa học chuyên ngành liên quan đến từng môn học cả ở Phổ thông lẫn Đại học: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn học, Ngôn ngữ, Lịch sử, Địa lý, Địa chất, Tâm lý Giáo dục, Tin học, Âm Nhạc, Hội hoạ, …
Rất tiếc là ít được trực tiếp đóng góp ý kiến mặc dù Bộ GD&ĐT đã ký kết với Liên hiệp các hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam (!).
Việt Nam là một dân tộc hiếu học
Mặc dầu 75 % cư dân nước ta sống ở nông thôn với mức sống còn rất thấp. Một gia đình có 7 miệng ăn nhưng nếu chỉ trông vào đồng ruộng thì mỗi tháng bình quân mỗi người thu nhập không quá 1 triệu đồng (!) ,vậy mà vẫn cố gắng cho con cháu đi học.
Kể cả muốn cho học tiếp Cao đẳng, Đại học, dù phải cố gắng làm thêm rất nhiều công việc phi nông nghiệp vất vả, nặng nhọc. Đáp ứng yêu cầu đó là trách nhiệm của ngành Giáo dục, nhưng phải là một đáp ứng thực chất, đạt trình độ không thua kém mấy với so với thế giới trong từng bậc học.
Tôi quan niệm nếu không đủ sức đáp ứng được khả năng dạy cho sinh viên biết hẳn hoi một nghề cụ thể (như hiện nay) thì thà mời chuyên gia trong và ngoài nước dạy ngoại ngữ để rồi sau khi ra trường các em tự tìm kiếm nghề thông qua các bằng phát minh đã hết hạn bảo hộ được công bố trên Internet.
Không dễ gì có một nước còn nghèo mà thanh niên muốn vào Cao đẳng, Đại học đông đến như vậy.
Phải nhìn thẳng vào sự thật về chất lượng giáo dục
Theo báo cáo 569 trang, Global Competitiveness Report 2013-2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum). Với tiêu chí “chất lượng hệ thống giáo dục” thì năm nay Thái Lan xếp hạng 78, Campuchia hạng 76, Việt Nam hạng 95, Myanmar hạng 125, Lào hạng 57 (thua Campuchia thì thật qua buồn).
Trong năm 2015, bảng xếp hạng Scimago cho thấy Đại học Quốc gia Hà Nội có vị trí số 1 của các đại học Việt Nam mà mới chỉ có thứ hạng thế giới ở vị trí 1.895.
Các Đại học Việt Nam ở vị trí tiếp theo là Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong cuộc thi quốc gia vừa qua chúng ta không khỏi bất ngờ về số điểm thi tốt nghiệp THPT: Có tới 15 500 học sinh có bài thi bị điểm từ 0 đến 1.
Chưa kể đến kết quả thi ở địa phương không nhằm thi vào các trường Cao đẳng, Đại học thì chỉ tính riêng số thi tại các cụm do các trường Đại học phụ trách còn tới 165 000 học sinh có điểm từ 0 đến 2 (chiếm đến 17,3% số học sinh tham gia dự thi!).
Thật ra điểm thi của kỳ thi quốc gia năm nay chưa thực sự phản ánh đúng thực chất trình độ học sinh vì kết quả tốt nghiệp chỉ lấy 50% điểm thi còn 50% điểm tổng kết năm học. Ai cũng biết vì “thương” học sinh nên điểm tổng kết cho học sinh được đánh giá là “đẹp long lanh” với số đông là từ 6- 7 điểm trở lên (!).
Bài tới, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng sẽ chỉ rõ những yếu tố mà có thể dẫn tới việc không thực hiện được Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vào năm 2018.
Trong đó, ông nhấn mạnh, muốn đổi mới thành công, ngành giáo dục cần và nhất thiết phải biết lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện.
Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.