Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là cấp thiết và tuyển người giỏi vào ngành là vấn đề then chốt để xây dựng thành công nền giáo dục tiên tiến, thật sự hội nhập được với quốc tế.
PV: Thưa Giáo sư, tại hội nghị trực tuyến của ngành giáo dục với các địa phương vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu yêu cầu cần có giải pháp thu hút người giỏi vào ngành sư phạm... Là một nhà khoa học có nhiều năm gắn bó với ngành sư phạm, theo Giáo sư, những giải pháp nào thật sự hiệu quả để đạt được mục tiêu này?
Giáo sư Phạm Hồng Quang: Đảng, Chính phủ đã quan tâm đặc biệt đến giáo dục, chiến lược giáo dục quốc gia với các quan điểm lớn đã thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Để thu hút người giỏi vào sư phạm, tôi cho rằng cần đồng bộ 3 giải pháp chính: Một là, chính sách đúng, ví dụ Nghị định 116/2020/CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã làm thay đổi cục diện tuyển sinh sư phạm.
Năm 2020 là 70.000 chỉ tiêu thì có hơn 72.000 hồ sơ (tỉ lệ gần 1/1); năm 2021 có hơn 50.000 chỉ tiêu thì đã có gần 130.000 hồ sơ (gấp hơn 2,5 lần); nhiều trường sư phạm lớn đã có tỉ lệ hồ sơ gấp nhiều lần chỉ tiêu, ví dụ Trường Đại học sư phạm (Đại học Thái Nguyên) là 1 chỉ tiêu đã có đến 8 hồ sơ.
Đây là dữ liệu tốt để các trường tuyển được người giỏi vào sư phạm. Chính sách này rất cần các địa phương xác định đúng nhu cầu để giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên sư phạm.
Hai là, môi trường sư phạm – môi trường đào tạo giáo viên được đầu tư tốt về điều kiện đảm bảo chất lượng: đội ngũ giảng viên, chất lượng chương trình, kết quả nghiên cứu khoa học và thư viện điện tử kết nối… cùng với đó là mô hình đào tạo giáo viên nên song song 2 mô hình đào tạo 4 năm và nối tiếp (như ở một số nước).
Ba là, chế độ lương và thu nhập của giáo viên sau ra trường cần có sự thay đổi theo hướng đảm bảo điều kiện sống khá giả cho giáo viên cũng với chính sách ưu đãi, tôn vinh, trọng dụng…
Riêng đối với các trường đại học sư phạm, cần quan tâm đến chính sách của Bộ đã ban hành về chương trình đào tạo: Từ khung trình độ Quốc gia (2016), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 17 về chuẩn chương trình đào tạo của giáo dục đại học. Đây là chỉ đạo đúng hướng trong bối cảnh tự chủ đại học cần có sự thống nhất chuẩn, tránh việc hạ thấp chuẩn chương trình và hướng tới hội nhập quốc tế.
Các nhóm ngành cần xây dựng thống nhất nội dung chung và điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là nhóm ngành đào tạo giáo viên phải xây dựng mới chương trình đào tạo để đạt mục tiêu kép là có năng lực phát triển chương trình (theo khuyến cáo của UNESCO) “đào tạo thành chuyên gia giáo dục chứ không phải chuyên gia truyền đạt kiến thức” và làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên hiện nay, phần lớn đang thiếu năng lực cốt lõi này.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên: "Nhu cầu giáo viên có chất lượng luôn là nỗi khát khao của chúng ta". |
PV: Được biết Giáo sư là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035". Qua nghiên cứu đã đề xuất quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thế nào và vì sao cần phải triển khai mô hình ấy, thưa Giáo sư?
Giáo sư Phạm Hồng Quang: Trên cơ sở khảo sát ở nước ngoài và trong nước với 17 hội thảo lớn tại các vùng cả nước, đề tài xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn, tiêu chí phân hạng các cơ sở đào tạo giáo viên (Đại học và Cao đẳng), có tham khảo QS, QS Stars và Châu Âu. Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cùng các chỉ số sử dụng cho đánh giá, phân hạng, phân mức chất lượng các cơ sở đào tạo giáo viên qua đó đánh giá được bức tranh tổng thể hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên của Việt Nam.
Thông qua việc áp dụng chuẩn tối thiểu của một cơ sở đào tạo giáo viên để tiến hành chuẩn hóa và phân hạng các cơ sở. Phân hạng để làm cơ sở cho việc định hướng đầu tư cũng như đưa ra các mục tiêu quy hoạch cụ thể và giải pháp thực hiện quy hoạch để đạt mục tiêu, với 5 tiêu chuẩn cơ bản:
Một là điều kiện đảm bảo chất lượng, bao gồm các tiêu chí về cơ sở vật chất; giảng viên sư phạm; tài chính.
Hai là đào tạo, bao gồm các tiêu chí về tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với ngành đào tạo; đánh giá của người học về chất lượng và hiệu quả đào tạo; kiểm định chương trình đào tạo giáo viên.
Ba là nghiên cứu khoa học, bao gồm các tiêu chí về số bài báo của giảng viên sư phạm được công bố; số đề tài, dự án nghiên cứu được ứng dụng hoặc chuyển giao; kinh phí nghiên cứu.
Bốn là hợp tác quốc tế và kết nối cộng đồng, bao gồm các tiêu chí về tỷ lệ kinh phí thu được từ hoạt động hợp tác; tỷ lệ người nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu; tỷ lệ người học là người nước ngoài.
Năm là quản trị đại học, bao gồm các tiêu chí về mô hình quản trị và hiệu quả hoạt động; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị cơ sở. Các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn trường sư phạm được đánh giá theo các mức sau: Mức không đạt, Mức 1 (đạt chuẩn), Mức 2 (đạt chuẩn mức cao) và Mức 3 (đạt chuẩn mức xuất sắc).
Theo Điều 11 Luật giáo dục đại học sửa đổi “Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực…tạo cơ chế hình thành đại học, các trung tâm đại học lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Thực tiễn là người học đang lựa chọn môi trường giáo dục sáng tạo ở những trung tâm giáo dục lớn (ví dụ tỉ lệ người học lựa chọn môi trường học tập ở các nước tiên tiến đang gia tăng-đây cũng là xu hướng tất yếu). Khoảng cách và không gian địa lí vùng miền sẽ được giải quyết bằng công nghệ trong thời đại 4.0.
Đối với giáo dục đại học, giá trị lớn mà người học có được khi đến trường là được tiếp cận với nhiều người giỏi, có điều kiện nghiên cứu sáng tạo và sản sinh tri thức mới ở môi trường hiện đại.
Cách tiếp cận của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất khoa học là đã xây dựng bộ chuẩn cơ sở giáo dục đại học làm căn cứ quy hoạch, sắp xếp hướng đến mục tiêu phát triển môi trường giáo dục hiện đại. Việc quy hoạch hệ thống đại học và viện nghiên cứu để thúc đẩy môi trường sáng tạo. Giá trị cốt lõi của trường đại học là tự do học thuật, là sáng tạo, là nơi nuôi dưỡng những nhân cách văn hóa, có tư tưởng và có trách nhiệm, cống hiến. Môi trường đại học phải thật sự tự chủ, nhân văn và có khát vọng dẫn dắt xã hội.
Do vậy, nhà trường phải có đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ giỏi, chương trình hiện đại, nghiên cứu khoa học tốt, nguồn học liệu toàn cầu và phong cách quản trị mới… Tất cả phải được đặt trong không gian sinh thái văn hóa, lịch sử và kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc. Tất nhiên, đấy là mơ ước vì thực tiễn nhiều trường đại học của Việt Nam chưa đạt được điều này, nhưng xu hướng phải phấn đấu như vậy.
PV: Đối với vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương hiện nay, theo Giáo sư cần ngay những giải pháp gì để xử lý trong ngắn hạn và xa hơn là đảm bảo được mục tiêu dài hạn?
Giáo sư Phạm Hồng Quang: Phải có nghiên cứu khảo sát nguồn nhân lực tổng thể quốc gia, trong đó có nhân lực giáo viên (nhiệm vụ quy hoạch giáo viên, tính toán nhu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao nhóm chuyên gia nghiên cứu…).
Mỗi Sở Giáo dục hàng năm thông báo nhu cầu giáo viên (trong 5-7 năm) với những biến động (hưu trí, di chuyển, chuyển nghề, quy hoạch, quy mô dân số, trường, lớp biến động và đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến giáo dục…) để xác định chỉ tiêu phù hợp.
Đồng thời cần tôn trọng quy luật cung-cầu của kinh tế thị trường trong điều phối giáo viên; việc “đặt hàng” trong đào tạo cần tính đến nhiều yếu tố khác, ví dụ như quy luật cạnh tranh trong thị trường lao động để tránh hiện tượng “bao sân”, “giữ chỗ” trong tuyển dụng giáo viên… UNDP khi nói về phát triển nguồn nhân lực đã lưu ý: “Phát triển nhân tính, khả năng của con người và sử dụng có hiệu quả những khả năng ấy”.
Như vậy, chất lượng người tốt nghiệp được xã hội sử dụng hay không bởi năng lực, phẩm chất từ những con người cụ thể được đào tạo (trách nhiệm nhà trường), tuy nhiên rất cần đến hệ thống các chính sách đồng bộ trong sử dụng vì theo quy luật cung - cầu, khi có nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao thì mới có đào tạo chất lượng đích thực.
Như vậy, vấn đề vẫn là chất lượng và hiệu quả trong đào tạo gắn với sử dụng, như vậy sẽ góp phần thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra.
PV: Theo nghiên cứu của Giáo sư, hiện thế giới có những mô hình đào tạo sư phạm nào phù hợp để tham khảo, áp dụng cho Việt Nam?
Giáo sư Phạm Hồng Quang: Theo tôi nên tôn trọng sự đa dạng trong đào tạo giáo viên: Sử dụng mô hình đào tạo giáo viên 4 năm hoặc tiếp nối (cử nhân khoa học và cử nhân giáo dục), trước hết cần nhận thức đúng về phương pháp tiếp cận một vấn đề rất phức tạp, đó là quá trình giáo dục con người - đối tượng nghiên cứu của quá trình giáo dục.
Bản chất, cốt lõi của vấn đề giáo dục đại học sư phạm chính là hình thành những phẩm chất, năng lực nhân cách chuyên gia sáng tạo; nội dung học vấn nền tảng, thiết thực; phương thức giáo dục phù hợp; cách đánh giá chất lượng phù hợp với mục tiêu.
Cách tiếp cận hệ thống, xem xét vấn đề giáo dục sư phạm trong các mối quan hệ với kinh tế - xã hội, văn hóa - lịch sử, quốc gia - quốc tế… trong đó động lực của con người ở môi trường cụ thể là quyết định.
Hai mô hình đào tạo giáo viên hiện nay là phù hợp với thực tiễn đất nước ta, vấn đề quan trọng là phải hoàn chỉnh môi trường giáo dục sư phạm với đặc tính sáng tạo, dân chủ và nhân văn. Ví dụ, giải pháp tình thế giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số có thể quan tâm đến hiệu quả là chính (có giáo viên đứng lớp) nên hệ thống trường cao đẳng địa phương đang đảm nhiệm, nhưng theo quan điểm chất lượng thì rất cần quy hoạch trọng điểm, chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và các cơ sở yếu hơn được xây dựng thành các vệ tinh trong mạng lưới.
Cần có đánh giá toàn diện chất lượng từ mô hình đào tạo giáo viên 4 năm và mô hình tiếp nối tại đại học giáo dục và các Khoa sư phạm trong Đại học đa ngành. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án đào tạo giáo viên phù hợp với từng vùng.
Trước hết cần đánh giá toàn diện các điều kiện đảm bảo chất lượng (theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học) tại các trường sư phạm, các khoa đào tạo giáo viên và các cơ sở khác. Cần điều chỉnh lại khối kiến thức khoa học giáo dục trong mô hình tiếp nối (thực chất phải là khối kiến thức nền tảng của khoa học giáo dục), không nên hiểu “nghiệp vụ sư phạm” chỉ đơn giản là hoàn thành chứng chỉ nghiệp vụ với những kĩ năng nghề nghiệp đơn giản.
PV: Thưa Giáo sư, điều gì sẽ xảy ra nếu không sớm triển khai quy hoạch được mạng lưới các trường sư phạm trên cả nước và tiếp tục loay hoay với sự phân tán nguồn lực, chồng chéo nhiệm vụ như hiện nay?
Giáo sư Phạm Hồng Quang: Nhu cầu giáo viên có chất lượng luôn là nỗi khát khao của chúng ta, điều thiệt thòi lớn nhất của học trò là không được học thầy giỏi. Mục tiêu cuối cùng của công tác quy hoạch các trường học chính là vì người học, vì chất lượng giáo dục quốc gia.
Nhiều chuyên gia đã nhận định: Chỉ có giáo dục nền tảng, cơ bản, toàn diện và sáng tạo mới tạo nên nội lực và sức bật. Nội lực phải dựa trên hiểu biết toàn cầu và từ chiều sâu của trí tuệ.
Giai đoạn tới đây, sự vươn dậy của đất nước không bởi tài nguyên khoáng sản, mà chính là trí tuệ, chúng ta tự tin khi người Việt Nam đã và đang khát vọng có sự ngang bằng tri thức, khoa học, công nghệ với thế giới.
Giáo dục phổ thông là nền tảng, giáo dục đại học là mũi nhọn trong chiến lược con người. Đây là con đường duy nhất để chúng ta vươn lên và tồn tại trong thế giới, là sức sáng tạo và đổi mới, là lợi thế cạnh tranh của chúng ta ở hiện tại và tương lai để đạt được mục tiêu, khát vọng đất nước đã đề ra đến 2030 và 2045. Vậy thì tại sao chúng ta không làm nhanh những việc tốt đẹp ngay từ bây giờ?
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!