GS.VS Nguyễn Văn Hiệu mãi là một nhà khoa học chân chính, tài năng, đức độ

26/01/2022 06:45
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Thầy mãi là một nhà khoa học chân chính, tài năng và đức độ, là tấm gương sáng về tinh thần miệt mài học tập, nghiên cứu cho các thế hệ học trò noi theo".

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên được làm việc trực tiếp với Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ trong ngành Vật lý của Việt Nam, Giáo sư Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa coi đó là một trong những điều may mắn của cuộc đời mình.

"Tôi nhớ mãi một buổi trưa tháng 9/2008 tại Nha Trang, sau phiên khai mạc của Hội nghị Quang học, Quang phổ toàn quốc lần thứ 5, thầy Hiệu hẹn gặp Giáo sư Nguyễn Đức Chiến và tôi để trao đổi về một ý tưởng mới.

Trong khoảng thời gian ngắn chừng 30 phút, thầy đã đưa ra kế hoạch, lộ trình xây dựng Tạp chí Khoa học của Việt Nam được chỉ mục trong các hệ thống cơ sở dữ liệu uy tín của quốc tế như ISI và đề nghị chúng tôi cùng tham gia với thầy.

Từ ý tưởng ngày hôm đó và sau một thời gian dài "thai nghén", Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) đã ra đời và xuất bản số đầu tiên vào năm 2010. Tháng 12/2012, tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của Scopus. Tháng 12/2015, ANSN được Thomson Reuters đánh giá và đưa vào danh sách các tạp chí SCI-E, trở thành tạp chí ISI đầu tiên của Việt Nam với hệ số ảnh hưởng IF 1,581", Giáo sư Phạm Thành Huy kể lại.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu chính là vị Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) (Ảnh: VOV)

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu chính là vị Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) (Ảnh: VOV)

Đối với Giáo sư Phạm Thành Huy, thầy Hiệu không chỉ là một nhà khoa học lớn, một nhà lãnh đạo tài năng, uy tín, mà còn là một người truyền tinh thần lạc quan và tình yêu khoa học lớn lao cho thế hệ trẻ. Phong thái, sự quyết tâm, quyết liệt trong công việc của thầy, đó là điều mà những nhà khoa học luôn luôn phải học hỏi.

"Điều khiến tôi nhớ mãi chính là giọng nói truyền cảm, thu hút, mang đầy năng lượng tích cực từ thầy. Dù thầy đã đi xa, giọng nói ấy vẫn rất gần gũi, thân quen, như một nguồn cảm hứng để chúng tôi tiếp tục đi theo con đường khoa học mình đã chọn".

Chị Dương Thị Thanh Nga, hiện công tác tại Tập đoàn viễn thông Orange France (Pháp) cũng là một trong số học trò cũ của Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu khi thầy đang đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm khoa Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trong ký ức của chị Nga, thầy Hiệu là người thầy giản dị, gần gũi và thương yêu học sinh hết mực.

Chị Dương Thị Thanh Nga gặp thầy lần đầu tiên vào năm 2001 và may mắn là một trong những sinh viên được thầy trao học bổng Odon Vallet. Với chị Nga, thời điểm đó, thầy Hiệu chính là người đã giúp sinh viên gieo những hạt giống đầu tiên về khoa học quang tử.

Tâm sự với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nga chia sẻ: "Thầy dạy lớp chúng tôi môn lượng tử, đây là một môn học khó nhưng nhờ phương pháp giảng dạy của thầy, khối kiến thức nặng nề trên sách vở dần trở nên nhẹ nhàng và dễ tiếp cận.

Thấy sinh viên nản chí vì học không vào, giải bài tập không ra kết quả, thầy lúc nào cũng động viên nhẹ nhàng "Không sao cả, các em cứ học thuộc cách giải. Tôi ngày xưa học thuộc rất nhiều, học nhiều rồi sẽ nhớ". Dù mới chỉ là sinh viên năm nhất đại học, thầy đã bắt đầu cho chúng tôi làm quen với môi trường làm khoa học. Thầy hay tổ chức các hội thảo và đưa sinh viên đến tham dự cùng.

Nhận thấy Quang tử học ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, chưa được quan tâm đúng mức nên sau 2 năm học ở khoa Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy đã động viên tôi cùng một số sinh viên khác trong lớp sang Pháp để tiếp tục nghiên cứu về Quang tử".

Chị Nga cho biết, khoảng thời gian mới sang Pháp, chị vẫn giữ liên lạc với thầy nhưng sau do việc học bận rộn, những cuộc gọi trở nên ít dần. Vì vậy, hình ảnh của thầy trong tâm trí chị hiện dừng lại ở những năm 2003.

"Dù thời gian không chịu đứng yên nhưng với tôi, thầy mãi là một nhà khoa học chân chính, tài năng và đức độ, là tấm gương sáng về tinh thần miệt mài học tập, nghiên cứu cho các thế hệ học trò noi theo", chị Dương Thị Thanh Nga nói.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - cánh chim đầu đàn ngành Vật lý của Việt Nam

đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô lúc 11h52 phút ngày 23/1, hưởng thọ 84 tuổi sau thời gian mắc bệnh về phổi, thận.

Trong những năm hoạt động của mình, ông từng đảm nhận qua các chức vụ như Viện trưởng Viện Vật lý, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), là đại biểu Quốc hội nhiều khóa.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng là tác giả của 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong Vật lý chất rắn, trong đó có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

Ngọc Ánh