GS.Vũ Minh Giang chỉ nguyên nhân nhiều ứng viên không đăng ký xét duyệt GS, PGS

19/10/2022 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì không đáp ứng đủ điều kiện cứng, nhiều nhà khoa học không tham gia xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Tính đến tháng 12/2021, các giảng viên trong các trường đại học có chức danh giáo sư đạt tỷ lệ chưa đến 1%, phó giáo sư chỉ chiếm 6,21% (theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo). So với nhu cầu trong nước và tương quan trong khu vực tỷ lệ này được đánh giá là thấp. Vấn đề này đã được đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu ra tại Hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2021-2022.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học cho biết: Từ khi áp dụng quy định cứng về bài báo quốc tế trong tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, số ứng viên đăng ký có xu hướng ngày càng giảm, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Năm nay số ứng viên cả nước được xét ở các hội đồng ngành thuộc các lĩnh vực này rất ít, nhiều ngành chỉ có từ 1 đến 3 ứng viên.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học. (Ảnh: NVCC)

Theo Giáo sư Giang, hiện nay quy định về tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư yêu cầu ứng viên phải có bài báo quốc tế, đây là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các ứng viên. Mục đích của yêu cầu này nhằm đáp ứng trình độ quốc tế, để nâng cao chất lượng đội ngũ và nâng tầm hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Và tiêu chuẩn này đặt ra không loại trừ với ngành nào, lĩnh vực khoa học nào.

Tuy nhiên, có không ít những ý kiến băn khoăn, cho rằng yêu cầu này chưa thực sự thực tế, không thấy hết được tính đa dạng của các loại hình khoa học.

Thực tế, phải thấy rằng các công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học xã hội và nhân văn trước hết phải phục phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước. Nếu chạy theo việc đăng bài trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS thì chắc chắn các tác giả phải lấy yêu cầu của các tạp chí này là ưu tiên hàng đầu.

Đó là chưa kể phần lớn các nhà khoa học trong nước thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đều nghiên cứu về Việt Nam. Trong khi đó, số các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS liên quan đến các lĩnh vực này đều của nước ngoài. Các nhà khoa học Việt Nam rất khó tìm được tạp chí phù hợp để công bố.

Đặc điểm nổi bật của các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn là nghiên cứu hoạt động của con người trong một không gian nhất định, phụ thuộc rất nhiều đặc điểm văn hóa, xã hội, chính trị của từng quốc gia, dân tộc. Và hơn hết, các ngành này chủ yếu hướng đến phục vụ đường lối, chính sách và sự phát triển của quốc gia dân tộc mình. Chính vì vậy, yêu cầu các ứng viên, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đưa kết quả nghiên cứu ra nước ngoài công bố để đăng trên các tạp chí nước ngoài là chưa phù hợp với thực tiễn.

"Cụ thể, các công trình trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kết quả nghiên cứu trong phạm vi đất nước Việt Nam, cũng đã rất khó để đăng trên các tạp chí viết chung về Đông Nam Á hay châu Á (vì số lượng ít). Vậy thì các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS của các nước phương Tây đâu dễ chấp nhận những nghiên cứu này.

Việc tuyệt đối hóa, coi đây là chuẩn mực quốc tế duy nhất để đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu của tất cả các ngành, các lĩnh vực là chưa thực sự phù hợp.

Việc này còn dẫn tới tình trạng có ứng viên họ tìm cách để có bài đăng trên tạp chí quốc tế một cách không thực chất. Câu chuyện này thực tế đã diễn ra. Thậm chí có ứng viên đã buộc lòng phải rút hồ sơ, không tiếp tục tham gia xét duyệt", Giáo sư Vũ Minh Giang cho hay.

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, hiện nay còn “nở rộ” trung tâm dịch vụ đăng bài quốc tế, nếu không cẩn thận sẽ đẩy đến tình trạng thương mại hóa, tiêu cực, không tạo ra chất lượng thực trong nghiên cứu khoa học.

Nhìn ở một góc độ khác, không phải tất cả các tạp chí khoa học quốc tế đều phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nói chung và đều góp phần phát triển khoa học Việt Nam. Nếu chỉ chạy theo xu hướng quốc tế, nếu chỉ coi trọng công bố quốc tế thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng bài báo đăng trên các tạp chí trong nước.

Đặc biệt với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều tạp chí trong nước chất lượng tốt đang rất cần nguồn lực để phát triển, nếu các bài báo chất lượng và các nhà khoa học chỉ đầu tư kinh phí cho công bố quốc tế thì làm sao phát triển được nghiên cứu khoa học trong nước.

"Tôi được biết hiện nay có không ít ứng viên không đăng ký xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ vì thiếu điều kiện cứng, mặc dù họ là những cán bộ có chuyên môn tốt, đáp ứng được các tiêu chí về giảng dạy, viết sách,… nhưng không do đủ số lượng bài báo quốc tế nên họ không đăng ký.

Chính vì vậy mà số lượng ứng viên ngày càng ít đi là điều dễ hiểu.

Có một hiện tượng đáng báo động đã xuất hiện và có xu hướng ngày càng lan rộng là nạn dịch vụ viết bài báo khoa học để công bố quốc tế. Nếu không có giải pháp ngăn chặn thì tính liêm chính trong khoa học và công bố thiếu thực chất sẽ có nguy cơ gia tăng. Điều này đi ngược với mong muốn nâng cao chất lượng khoa học.

Nên chăng, chúng ta áp dụng giải pháp khuyến khích, cho điểm cao với các bài báo quốc tế thực sự có chất lượng, thay vì là một tiêu chuẩn cứng, bắt buộc như hiện nay", Giáo sư Vũ Minh Giang khẳng định.

Phạm Minh