Trăn trở của Chủ tịch HĐGS ngành Tâm lý học khi năm 2022 có duy nhất 1 ứng viên

16/10/2022 06:42
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Vũ Dũng cho biết, ngành Tâm lý học, số lượng ứng viên ngày càng giảm, năm nay chỉ có duy nhất một ứng viên.

Hiện nay, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư (đang tham gia giảng dạy) được đánh giá là thấp và có xu hướng giảm.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân một phần vì tiêu chuẩn xét duyệt giáo sư, phó giáo sư yêu cầu cao. Đặc biệt, các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, quy định về bài báo quốc tế đối với ứng viên lĩnh vực này chưa thực tế vì nhiều ngành mang tính đặc thù riêng.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những trăn trở đối với vấn đề này, Giáo sư Vũ Dũng - Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Tâm lý học nói rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt giảm tỷ lệ giảng viên giáo sư, phó giáo sư.

Đầu tiên là tiêu chuẩn xét chức danh giáo sư, phó giáo sư đòi hỏi cao hơn trước đây, đặc biệt là yêu cầu về bài báo quốc tế.

Tỷ lệ giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư giảm vì xét chức danh giáo sư, phó giáo sư đòi hỏi cao hơn trước đây. (Ảnh minh họa: nguồn Vietnamnet)

Tỷ lệ giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư giảm vì xét chức danh giáo sư, phó giáo sư đòi hỏi cao hơn trước đây. (Ảnh minh họa: nguồn Vietnamnet)

“Bài báo quốc tế đối với một giảng viên trong trường đại học, đặc biệt với các giáo sư, phó giáo sư là cần thiết, vì đây cũng là điều kiện để chúng ta hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, có nhất thiết phải lấy bài báo quốc tế là một tiêu chuẩn cứng để xét hai chức danh này hay không? Nếu áp dụng một cách cứng nhắc với cả những ngành khoa học xã hội và nhân văn thì liệu có phù hợp?”, Giáo sư Dũng đặt vấn đề.

Thực tế, đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, việc đăng bài báo quốc tế rất thuận lợi vì ít liên quan đến các vấn đề nhạy cảm hay các vấn đề chính trị của đất nước.

Trong khi đó, bài báo quốc tế của nhiều ngành khoa học xã hội, nếu không xem xét kỹ, không khéo sẽ ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. Ví dụ các ngành Triết học, Tôn giáo dục, Lịch sử, Tâm lý học,....

Giáo sư Vũ Dũng nêu ví dụ, trong ngành tâm lý học, những đề tài mang tính vấn đề, có số liệu cụ thể sẽ dễ được đăng hơn trên những tạp chí quốc tế lĩnh vực khoa học xã hội hơn các đề tài mang tính tích cực, ví dụ những đề tài như: sức khỏe tâm thần của người dân một quốc gia đang ở mức thấp; mức độ xảy ra bạo lực học đường ở một quốc gia; hay vấn đề về lo âu, trầm cảm của người dân ở một quốc gia,...

Vậy, nếu các nhà khoa học chỉ chăm chăm chạy theo những bài báo quốc tế, đăng những đề tài nghiên cứu như vậy thì liệu còn hình ảnh đẹp của người Việt Nam trên các Tạp chí nước ngoài hay không, điều này sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia mình.

Bên cạnh đó, nếu chỉ chú trọng công bố quốc tế, người dân Việt Nam sẽ rất ít có cơ hội tiếp cận được với kết quả nghiên cứu các ngành thuộc khoa học xã hội.

Chưa kể, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đa số nghiên cứu phải được thực hiện trong phạm vi cụ thể (quốc gia, khu vực), đối tượng và kết quả nghiên cứu phải phụ thuộc vào những khu vực cụ thể.

Một giảng viên trường đại học Việt Nam nếu cứ chạy theo bài báo nước ngoài trong khi những sinh viên, học viên, đồng nghiệp trong nước không biết đến những kết quả nghiên cứu đó, cũng không biết nghiên cứu đó phục vụ gì cho đất nước. Điều này cũng là vấn đề phải đặt ra, chúng ta sẽ không phát huy, phát triển tốt nghiên cứu khoa học trong nước.

“Bài báo quốc tế là rất cần thiết, nhưng không nên coi đó là tiêu chuẩn cứng, chỉ nên khuyến khích và ghi nhận bằng cách: ứng viên có bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS thì được cộng thêm điểm. Bài báo có chỉ số càng cao thì càng được cộng nhiều điểm.

Chỉ nên dùng bài báo đăng trên các tạp chí trong nước có uy tín, có chất lượng làm tiêu chuẩn cứng. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội trở thành giáo sư, phó giáo sư và đúng với thực tế, không gây khó khăn cho các ứng viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn”, Giáo sư Vũ Dũng kiến nghị.

Có những nhà khoa học mất động lực phấn đấu trở thành giáo sư, phó giáo sư

Chia sẻ về hoạt động xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư những năm qua, Giáo sư Vũ Dũng cho biết, ngành Tâm lý học, số lượng ứng viên ngày càng giảm, năm nay chỉ có duy nhất một ứng viên. Và ứng viên này cũng không đáp ứng được tiêu chí về công bố quốc tế.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội, có những ứng viên được đăng nhiều bài báo trong nước uy tín, có chất lượng, có viết và xuất bản sách chuyên khảo, giáo trình, sách tham khảo,… nhưng thiếu 1 bài hoặc 2 bài báo với điều kiện người đứng tên đầu trong bài báo quốc tế đó nên đã bị loại không được xét.

Xét giáo sư, phó giáo sư phải căn cứ vào đóng góp của người đó trong hoạt động đào tạo giáo dục và nghiên cứu khoa học ở trường đại học, ví dụ như thời gian cống hiến giảng dạy, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, hướng dẫn nhiều thạc sĩ bảo vệ thành công, có đủ số lượng bài báo trên các tạp chí uy tín của quốc gia, xuất bản được các đầu sách,,...

Nếu chỉ vì họ thiếu một bài báo là người đứng tên đầu mà những nỗ lực, cống hiến khác của họ không được công nhận, không đủ điều kiện để xét duyệt nữa thực sự không hợp lý.

“Chính vì tiêu chuẩn xét duyệt áp dụng cứng nhắc như thế nên đã khiến nhiều nhà khoa học mất đi động lực phấn đấu. Thế nên giảng viên chức danh phó giáo sư, giáo sư ở trường đại học những năm gần đây giảm đi nhiều.

Như một ngôi trường nổi tiếng về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, trong 10 năm nay không có giảng viên ngành tâm lý học nào được xét duyệt chức danh phó giáo sư.

Một trường đại học khác, cũng đến 7 năm, năm ngoái mới có 1 phó giáo sư ngành Tâm lý học.

Dù cho các tiêu chuẩn khác thừa, nhưng chỉ vì chỉ thiếu bài báo quốc tế mà họ đã bị loại, riêng ngành tâm lý học, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm”, Giáo sư Dũng trăn trở.

Theo Giáo sư Vũ Dũng, có thể tỷ lệ giảng viên giáo sư, phó giáo sư còn giảm, vì thế hệ giáo sư gạo cội sẽ nghỉ hưu, còn thế hệ kế cận lại ít được xét duyệt.

Đặc biệt theo quy định mới, viên chức được công tác thêm tối đa 5 năm, tính từ thời điểm nghỉ hưu. Dù là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ (giảng viên cao cấp) đều được kéo dài tuổi nghỉ hưu như nhau, nhiều nhà khoa học không còn muốn phấn đấu làm giáo sư, hay phó giáo sư nữa.

Chính sách của Nhà nước cần phải thực hiện nhưng nếu nhìn xa, những năm tới đội ngũ giáo sư, phó giáo sư các ngành khoa học xã hội và nhân văn ngày càng giảm, các trường đại học cũng sẽ ít đội ngũ này, điều này ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục đại học.

Quy định về tuổi nghỉ hưu như vậy có thể dẫn tới các trường đại học công lập sẽ chảy máu chất xám, các nhà khoa học chuyển sang trường tư hoặc các tổ chức khoa học quốc tế.

Phạm Minh