GV được cử đi bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp có được giảm định mức tiết dạy?

05/04/2023 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu trong thời gian nghỉ, giáo viên được cử đi học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp được tính thời gian công tác được hưởng chế độ theo quy định.

Hiện nay tại các địa phương đang gấp rút cử giáo viên tham gia bồi dưỡng chứng chỉ môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở là Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý) đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo tính toán của người viết, cả nước cần bồi dưỡng gần 100.000 giáo viên 2 môn này.

Ảnh minh họa - Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa - Giaoduc.net.vn

Nhiều giáo viên thắc mắc, băn khoăn do các lớp bồi dưỡng này diễn ra vào thời điểm cuối tuần hoặc thời gian hè (ngày nghỉ của giáo viên), giáo viên đi bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp có được giảm định mức tiết dạy hay không? Trong bài viết xin được làm rõ nội dung này.

Định mức, giảm định mức tiết dạy giáo viên trung học cơ sở

Theo quy định tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 chế độ làm việc cả giáo viên phổ thông và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì định mức tiết dạy của giáo viên giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết.

Về việc giảm định mức tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở được quy định như sau:

Giáo viên chủ nhiệm: ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần;

Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn: giảm 3 tiết/môn/tuần;

Giáo viên kiêm nhiệm công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu chưa có cán bộ chuyên trách): giảm từ 2 - 3 tiết/tuần do hiệu trưởng quyết định;

Tổ trưởng bộ môn: giảm 3 tiết/tuần; tổ phó chuyên môn: giảm 1 tiết/tuần;

Giáo viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách: giảm 03 giờ dạy/tuần/giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông; Giáo viên làm ủy viên ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng, tổ phó công đoàn không chuyên trách: giảm 01 giờ dạy/tuần/giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông;

Giáo viên kiêm chủ tịch, thư ký hội đồng trường: giảm 2 tiết/tuần;

Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân: giảm 2 tiết/tuần;

Giáo viên được tuyển dụng bằng hợp đồng làm việc lần đầu: giảm 2 tiết/tuần;

Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống: giảm 3 tiết/tuần/giáo viên.

Giáo viên được cử đi bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp sẽ được giảm định mức tiết dạy

Tại Điều 11 của Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 quy định quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy như sau:

“1. Giáo viên dạy môn chuyên tại các trường chuyên, lớp chuyên, 1 tiết dạy môn chuyên được tính bằng 3 tiết định mức.

2. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng. Việc quy đổi những hoạt động này ra tiết dạy để tính số giờ giảng dạy cho từng giáo viên được thực hiện như sau:

a) Đối với giáo viên được huy động làm cộng tác viên thanh tra, thời gian làm việc quy đổi được tính theo Thông tư số 31/2014/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục;

b) Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức;

c) Báo cáo ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh do nhà trường tổ chức (có giáo án/kế hoạch dạy học hoặc đề cương báo cáo) thì mỗi tiết báo cáo thực tế được tính bằng 1,5 tiết dạy định mức;

d) Hiệu trưởng nhà trường căn cứ tình hình thực tế quy định việc quy đổi tiết dạy đối với các công việc chuyên môn khác sau khi có ý kiến đồng ý của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý đối với các cơ sở giáo dục.

Như vậy, giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp thì sẽ được quy đổi tiết bồi dưỡng sang tiết giảng dạy với quy đổi 1 tiết bồi dưỡng bằng 1,5 tiết định mức. Do đó, giáo viên sẽ được giảm định mức tiết giảng dạy theo quy đổi trên.

Bởi, việc bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp là bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được quy định tại 2 Quyết định 2454, 2455 ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Do đó, trừ trường hợp giáo viên tự đăng ký học tự túc, nếu giáo viên được Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục được cử đi bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ được tính mỗi tiết bồi dưỡng là 1,5 tiết định mức.

Nếu trong tuần giáo viên học bồi dưỡng 8 tiết, sẽ được tính là 12 tiết, giáo viên chỉ cần giảng dạy 7 tiết nữa là đủ 19 tiết định mức của giáo viên trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, tại Điều 34 Văn bản hợp nhất Luật Viên chức năm 2019 quy định về trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng viên chức:

“1. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng viên chức.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức được tham gia đào tạo, bồi dưỡng.”

Tại Điều 35 quy định trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng:

“…2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng”.

Tại Điều 16 Nghị định Số: 6/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định 101/2017 và 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định về Nội dung bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức gồm:

“1. Lý luận chính trị.

2. Kiến thức quốc phòng và an ninh.

3. Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước.

4. Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.”.

Và tại Điều 37 quy định về quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng:

“1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước:

a) Được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định;

b) Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục;

c) Được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật;

d) Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng.

2. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan, đơn vị…”

Quy định thời gian nghỉ việc hàng năm của giáo viên mầm non, phổ thông

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục 2019, thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên mầm non, phổ thông quy định như sau: Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;…

Ngoài thời gian nghỉ hè theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP, giáo viên, giảng viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019.

Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên.

Các ngày nghỉ khác mà giáo viên được nghỉ theo Điều 112 Bộ luật Lao động gồm: Tết Dương lịch nghỉ 01 ngày (01/01 dương lịch); Tết Âm lịch nghỉ 05 ngày; Ngày 30/4 nghỉ 01 ngày; Ngày Quốc tế lao động nghỉ 01 ngày (01/5); Ngày Quốc khánh nghỉ 02 ngày; ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nghỉ 01 ngày (10/3 âm lịch), và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội như thai sản, kết hôn, đám tang,…

Bên cạnh đó, giáo viên cũng là người lao động, vì vậy thời gian nghỉ hàng tuần của giáo viên được quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.

Khoản 2 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Tuy nhiên, do lịch của hầu hết các trường đều sắp xếp nghỉ ngày chủ nhật nên giáo viên sẽ được nghỉ ngày chủ nhật hằng tuần.

Như vậy, có thể hiểu thời gian nghỉ phép trong năm của giáo viên không giống với người lao động các ngành nghề khác, mà giáo viên sẽ có 8 tuần nghỉ hè và được nghỉ các ngày khác như nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần,…theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trong thời gian nghỉ theo quy định, giáo viên vẫn được hưởng nguyên lương và các phụ cấp khác (nếu có).

Nếu trong thời gian giáo viên nghỉ phép được cử đi học bồi dưỡng thì được tính là thời gian công tác được hưởng chế độ theo quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 98 Bộ Luật Lao động năm 2019, tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần của người lao động được xác định như sau:

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày…”

Tóm lại, dưới các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, giáo viên được Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý được tính là thời gian công tác liên tục được hưởng lương, phụ cấp; mỗi tiết bồi dưỡng được tính 1,5 tiết định mức; nếu bồi dưỡng trong ngày nghỉ theo quy định, giáo viên sẽ được chi trả chế độ theo quy định hiện hành,…

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam