Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải các bài phản ánh bức xúc của nhiều học viên về chất lượng tại các lớp học online biên, phiên dịch tiếng Anh của bà Nguyễn Ngọc Anh (trú tại Hà Nội). Không đạt được chất lượng như hứa hẹn, học viên muốn được bồi hoàn học phí, nhưng gặp nhiều khó khăn vì mọi thỏa thuận đều qua hình thức online.
Đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống “dở khóc dở cười” của người học khi lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” vì tin vào những lớp học tự phát trên mạng, không có sự ràng buộc, đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, cũng đặt ra câu hỏi về hành lang pháp lý để quản lý hoạt động dạy và học online của các cá nhân ra sao?
Nhiều hệ lụy từ lớp học online tự phát, còn “khoảng hở” trong quản lý
Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, xu thế học trực tuyến (hay học online) đã dần trở nên phổ biến, quen thuộc với nhiều người học, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
“Tôi cho rằng, đây là một xu thế tất yếu của thời kỳ chuyển đổi số khi giáo dục vượt qua môi trường vật lý truyền thống, từ đó tri thức được lan toả và tiếp cận không giới hạn không gian và thời gian.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn tồn tại những lớp học online được mở tràn lan trên không gian mạng mà không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mạnh ai nấy làm, khiến cho người học không khỏi lo ngại.
Các lớp học online không được cấp phép, không rõ bằng cấp cả giáo viên gây tâm lý hoang mang cho học viên và phụ huynh trong việc lựa chọn được nơi học đảm bảo uy tín, tin cậy. Các khoá học không chất lượng khiến học viên gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức, thông tin từ khóa học.
Nếu chọn phải lớp học với giáo viên có trình độ không đảm bảo, không có tác phong sư phạm chuẩn mực thì có thể khiến người học tư duy sai lệch, hiểu biết và ứng xử sai, và phải mất rất nhiều thời gian, công sức để sửa lại” - nữ đại biểu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, các khóa học thêm online nở rộ, nhưng công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng còn buông lỏng. Các cơ sở tổ chức các khoá học, các giáo viên đứng lớp chưa bị kiểm soát chặt chẽ nên tạo “lỗ hổng” khiến việc giáo dục online còn tồn tại những bất cập”.
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cũng chia sẻ: “Qua thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc học online xuất hiện và dần trở nên quen thuộc hơn tại Việt Nam. Đây cũng là một xu thế nhằm đa dạng hóa hình thức dạy và học, phát triển nền giáo dục mở trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, nếu nhìn theo góc độ tích cực, học online cũng mang lại một số lợi ích cho người học, khi mọi lứa tuổi đều có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi...
Tuy nhiên, qua theo dõi thông tin trên báo chí trong thời gian qua, tôi cũng cho rằng, thực sự đang tồn tại những bất cập, còn có những “khoảng hở” trong công tác quản lý đối với lĩnh vực này”.
Nữ đại biểu cũng dẫn chứng xoay quanh vụ việc ở lớp học biên, phiên dịch của bà Ngọc Anh (trong bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam), đồng thời chỉ ra, có rất nhiều hệ lụy tương tự có thể xảy ra, nếu không kiểm soát tốt vấn đề này.
“Một khi chúng ta không quản lý tốt về con người, về nội dung được giảng dạy, chia sẻ, truyền đạt trong các khóa học trực tuyến, sẽ dẫn đến tình trạng ai cũng có thể mở kênh dạy học, bởi, việc này tạo ra khoản thu nhiều lợi nhuận, lại không cần đóng thuế...
Tất nhiên, điều này sẽ gây ra không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, trước hết là không đạt được mục tiêu giáo dục như kỳ vọng.
Ở các lớp học như vậy, thường không thực hiện các quy trình đăng ký mở lớp, người dạy không có bằng cấp rõ ràng, không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng, không có sự ràng buộc, về giáo án, giáo trình cũng không có sự kiểm soát,… Như vậy, chắc chắn, quyền lợi của người học sẽ khó được bảo vệ” - nữ đại biểu nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn, Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề cập: “Nhìn xa hơn, khi những khóa học, lớp học online này tiếp tục nở rộ, còn có nảy sinh rất nhiều hệ lụy khác.
Trước hết, nếu không chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến nguy cơ biến những nội dung giảng dạy trở thành thông tin “xấu”, “độc. Thậm chí, có những lực lượng lợi dụng nội dung giảng dạy này để “cài cắm” những luận điệu chống phá, xuyên tạc, sai sự thật... Đây là một điều đáng rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, có những trường hợp, mặc dù không đủ chuyên môn nhưng vẫn tự xưng là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục để truyền tải, chia sẻ những nội dung chưa thực sự đúng về mặt khoa học giáo dục. Việc này cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện nhân cách của trẻ”.
Nữ đại biểu cũng phân tích thêm: “Vấn đề ứng xử trên mạng xã hội cũng đã và đang ngày càng được quan tâm hơn. Có thể kể đến Quyết định số 874/2021/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên trang mạng xã hội; hay Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Tuy nhiên, như đối với Thông tư 09, đối tượng điều chỉnh chỉ gồm có giáo viên, học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Như vậy, đối với những trường hợp nằm ngoài phạm vi này, vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu.
Mặt khác, tâm lý người học nhiều khi rất khát khao được học tập, đó là nguyện vọng chính đáng, nhưng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, để nhận diện được lớp học mà mình muốn tham gia có đủ uy tín hay không, thầy cô có đủ uy tín hay không? Đôi lúc, người học phải tự bảo vệ mình trước khi cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc bảo vệ…”.
“Lợi bất cập hại” khi theo những lớp học được “đánh bóng” qua mạng
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng: “Mặc dù học trực tuyến là một xu thế giúp đa dạng hóa phương thức giáo dục, song, cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Việc dạy online các khoá học hiện nay vẫn chưa được luật hóa, chưa có quy định, trình tự, thủ tục, điều kiện pháp lý cụ thể, rõ ràng về điều kiện hoạt động giảng dạy này.
Chính vì lẽ đó, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, một lớp học tự phát không chịu sự quản lý, không có yếu tố ràng buộc, cam kết chất lượng có thể “nay mở, mai đóng” bất cứ lúc nào, sẽ dễ khiến người học lâm vào tình thế bị động.
Chưa kể, các “giáo viên online”, “giảng viên online” cũng không cung cấp tường minh cho người học về bằng cấp, trình độ của mình, có khi chỉ là mượn danh để “đánh bóng” cho lớp học, mà không ai kiểm chứng. Những nội dung giáo dục được truyền đạt cũng chưa được kiểm duyệt, không đảm bảo sẽ cung cấp kiến thức đúng đắn, hữu ích.
Như vậy, người học sẽ “lợi bất cập hại”, chi tiền vào những lớp học không mang lại giá trị gì cho bản thân, vô cùng tốn kém, lãng phí cả về thời gian, công sức lẫn tiền bạc”.
Ông Nguyễn Thanh Hiền nêu quan điểm: “Để tồn tại nhan nhản các lớp học như vậy, chính là do chưa được quy định chặt chẽ. Đặc biệt, chúng ta đang thiếu những quy định trực diện đối với vấn đề mở các khóa học online, các lớp học trực tuyến nằm ngoài các quy định hiện hành đối với việc dạy học trực tuyến (những trường hợp mở lớp với tư cách cá nhân, không thuộc cơ sở giáo dục, trung tâm nào - phóng viên).
Nếu chúng ta có thể đề ra những quy định, buộc phải đăng ký lớp học online như đối với quy định mở các lớp học thêm trực tiếp, có lẽ sẽ góp phần “siết” lại những hoạt động của các lớp học này”.
Theo đó, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Việc cần thiết nhất là cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào những mặt tích cực và hạn chế, từ đó có giải pháp khắc phục đối với những vấn đề đang tồn tại.
Theo tôi, cần xây dựng quy định cụ thể đối với các trường hợp muốn tổ chức khóa học, lớp học online qua các trang mạng xã hội, các công cụ trao đổi trực tuyến khác. Đồng thời, có chế tài xử phạt thật “mạnh tay” đối với những trường hợp mở lớp sai quy định, những trường hợp gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của học viên, làm sao để đủ sức răn đe.
Nếu không, khi những lớp học “bát nháo” như này tiếp tục có cơ hội xuất hiện, sẽ trở thành nguy cơ xấu, độc, hại đối với người học, đối với xã hội”.
Cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ liên ngành, liên bộ, có chế tài xử phạt nghiêm minh
Từ những khó khăn trong thực tiễn quản lý giữa bối cảnh phát triển công nghệ, Đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng: “Vấn đề nở rộ các khóa học, lớp học online trong thời gian qua xuất phát từ những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Chính vì vậy, để góp phần ngăn chặn những biến tướng trong dạy học online, cần tiếp tục củng cố các giải pháp như sau:
Thứ nhất, nhiệm vụ này không phải vấn đề riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, hay Bộ Tài chính, mà cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa liên ngành, liên bộ.
Thứ hai, về vấn đề chủ quan ở mỗi cá nhân người học: Khi pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời để bảo vệ quyền lợi của người học, tôi cho rằng, bản thân mỗi người cũng nên cân nhắc, thận trọng trong việc lựa chọn những địa chỉ để đăng ký học. Điều đó có thể giúp giảm thiểu được phần nào những tình huống “tiền mất, tật mang” như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua”.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề cập: “Để nâng cao hiệu quả của việc học online và hạn chế những chương trình học kém chất lượng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm định chất lượng các khoá học, các chương trình giảng dạy trên nền tảng số, kiểm soát bằng cấp, chất lượng của giáo viên tham gia giảng dạy.
Đồng thời, có những chế tài xử phạt nghiêm minh để các cơ sở tổ chức hoạt động dạy học online không dám làm sai.
Chỉ khi các lớp học, khóa học trực tuyến được đánh giá về chất lượng và giám sát trong quá trình đào tạo, phụ huynh cũng như học viên mới có thể yên tâm lựa chọn hình thức đào tạo này”.