GV nước ngoài lương cao nhưng "tự do" còn trong nước lương thấp đủ loại quy định

13/07/2023 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyên gia giáo dục cho rằng, Luật Nhà giáo cần có quy định quản lý nhà nước với cả giáo viên nước ngoài, vì họ có mức lương cao nhưng lại "tự do". 

Tại Tờ trình Dự thảo Luật Nhà giáo, có đề cập đến việc hệ thống pháp luật thực định quy định về nhà giáo còn nhiều bất cập cần pháp điển hóa, bổ sung. Theo đó, quản lý nhà nước về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập - nhà giáo là người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam còn khoảng trống.

Trong khi hiện nay, có một số lượng không nhỏ (khoảng hơn một trăm nghìn nhà giáo) đang thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trong việc xây dựng nội dung chính sách, dự thảo cũng xác định các vấn đề cơ bản liên quan đến chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo làm cơ sở để quản lý và sử dụng nhà giáo, đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (giảng viên Khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho hay, cô hy vọng Luật Nhà giáo khi được xây dựng, sẽ giải quyết được các vấn đề về sự chênh lệch trong chính sách của nhà nước với giáo viên trường công và trường tư.

Ví như, đối với hệ đại học, cử nhân khi tốt nghiệp đi giảng dạy tại trường tư, họ được đối xử như một người lao động đơn thuần, chưa có được các chế độ như giáo viên trường công.

"Giảng viên có bằng là thạc sỹ, họ sẽ được nhận mức lương theo bằng cấp. Nếu họ có làm nghiên cứu thì cũng là việc của cá nhân, còn với trường công thì ngược lại.

Thực tế, sinh viên sư phạm ra trường vào làm trường tư có nhiều bất lợi. Họ phải tự "giữ chỗ" bằng việc đáp ứng tiêu chuẩn của nhà trường, ví dụ sinh viên không thích học thì giảng viên có thể bị cho nghỉ việc.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh. (Ảnh: NVCC)

Đối với trường tư, quyền lợi, việc bồi dưỡng chuyên môn đối với giảng viên sẽ ít được bảo đảm. Trong bối cảnh trường tư ngày càng nhiều, nhà nước cần phải có quy hoạch về nhân lực cả công lẫn tư, đây là việc quan trọng số một", cô Phương Anh nhận định.

Nữ giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng chia sẻ tiếp, bên cạnh sự bất hợp lý trên, còn là sự bất công giữa giáo viên nước ngoài với giáo viên Việt Nam.

Cụ thể, trách nhiệm của giáo viên nước ngoài không được quy định rõ ràng, trong khi họ nhận được nhiều sự ưu đãi và được "tự do" về cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Có những trường hợp giáo viên nước ngoài họ không soạn giáo án khi lên lớp nhưng không bị xử lý. Họ không làm theo quy định của giáo viên, dù rằng lương của họ rất cao.

"Việc nhà trường áp đặt công tác quản lý hành chính với giáo viên nước ngoài rất khó, bởi họ từ chối. Vì vậy, Nếu Luật Nhà giáo có hành lang pháp lý quy định về quản lý nhà nước với giáo viên nước ngoài là rất hợp lý", cô Phương Anh chia sẻ.

Cũng chia sẻ với giáo viên ở bậc mầm non, Tiến sĩ Phương Anh nhận định, trường mầm non tư thục còn nhiều thiệt thòi, giáo viên giảng dạy ở đây giống như lao động phổ thông.

Tiến sĩ Phương Anh cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết, có hành lang pháp lý để quản lý phù hợp với đối tượng là nhà giáo. Tuy nhiên cũng không nên có những quy định chặt với giáo viên trường tư như trường công, bởi điều này sẽ làm mất quyền quản lý chủ động, năng động của ban giám hiệu.

Đánh giá góp ý về Tờ trình Dự thảo Luật Nhà giáo, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho hay, về đạo đức nhà giáo, ngoài hệ thống các văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn nhà giáo, cần có Bộ quy tắc ứng xử hoặc Cẩm nang đạo đức nhà giáo quy định chi tiết các khía cạnh cụ thể trong ứng xử và nguyên tắc nghề nghiệp của nhà giáo.

Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT về đạo đức nhà giáo với 10 điều quy định là chưa đủ chi tiết và thông tin cho công việc thực hành và tuân thủ của nghề giáo, một nghề có độ phức tạp và tiếp xúc với con người cao, nhất là với đối tượng cần được bảo vệ cao như trẻ em.

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên (Ảnh: NVCC)

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên (Ảnh: NVCC)

"Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tham khảo bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp của các nước khác dành cho giáo viên, hoặc của những ngành nghề khác để có những hướng dẫn cụ thể cho giáo viên về lý tưởng, tiêu chuẩn và nguyên tắc nghề nghiệp.

Bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp có thể do các hiệp hội nghề giáo biên soạn, và được Bộ giáo dục thông qua", chuyên gia giáo dục đề xuất và cung cấp thông tin tham khảo về sổ tay đạo đức nghề nghiệp dành cho giáo viên mầm non của Singapore.

Về việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, vị chuyên gia cho rằng, do lực lượng giáo viên đông đảo, nhu cầu được đào tạo liên tục, đào tạo nâng cao và đào tạo lại là rất lớn. Nếu cách thức đào tạo thực hiện theo truyền thống là lớp học trực tiếp, sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của giáo viên.

Do vậy, cần tạo ra và vận hành trường đào tạo tuyến (virtual university) với nhiều khóa học khác nhau dành cho nhiều đối tượng, mục đích học tập khác nhau của giáo viên.

Thực tế, các tập đoàn, tổ chức toàn cầu lớn với trên 100.000 ngàn nhân sự thường sẽ có virtual university với hàng ngàn khóa học khác nhau, để thực hiện đào tạo liên tục và cập nhật cho một số lượng lớn tham gia cùng lúc. Điều này giúp đơn vị không hao tốn quá nhiều tài nguyên như đào tạo trực tiếp.

"Giáo viên là đối tượng có khả năng và kỹ năng tự học cao, nên việc thiết kế việc học cho giáo viên cần linh hoạt, đa dạng và hướng tới giải quyết nhu cầu học tập số đông", ông Nguyên nói.

Mạnh Đoàn