GVMN sẽ được nghỉ phép bao nhiêu ngày nếu thuộc ngành nghề độc hại?

05/08/2023 06:36
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi GVMN là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, liệu GV có hưởng thêm chế độ nghỉ phép năm như quy định đối với người lao động ngành nghề nặng nhọc, độc hại

Việc đưa giáo viên mầm non ngành nghề nặng nhọc, độc hại được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét đang nhận được sự quan tâm đông đảo của đội ngũ giáo viên mầm non, cán bộ quản lý giáo dục.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tấn Phát – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) cho hay, so với các bậc học khác, tính chất công việc của giáo viên mầm non có phần vất vả hơn nên việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại là khích lệ kịp thời đối với đội ngũ thầy cô.

Tiết thao giảng của cô và trò Trường mầm non Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: website nhà trường).

Tiết thao giảng của cô và trò Trường mầm non Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: website nhà trường).

Theo thầy Phát, hiện nay, nhiều địa phương đang thiếu giáo viên mầm non, nhất là khu vực vùng cao rất khó để đạt chuẩn định mức giáo viên mầm non/lớp. Sau dịch COVID-19, trên địa bàn huyện (gồm 11 trường mầm non, chưa kể các điểm trường) Gò Quao còn xuất hiện tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc.

Chưa kể, thực tế cho thấy, hầu hết giáo viên mầm non từ 45 tuổi trở lên gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ. Nếu là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được nghỉ hưu sớm, đảm bảo phù hợp với tình hình sức khỏe, thể trạng và tâm tư nguyện vọng của giáo viên.

Với những lý do trên, việc xem xét đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại của 2 Bộ có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, trong đó góp phần sẻ chia khó khăn với giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay.

Đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng giúp giáo viên được hưởng thêm chế độ phụ cấp độc hại theo Điều 103 Bộ Luật Lao động 2019 quy định: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động”.

Song, theo khoản 1 Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương 14 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện giáo viên mầm non đã có chế độ nghỉ phép năm. Cụ thể, tại Mục 3 Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB năm 2017 quy định “3. Thời gian nghỉ hè của giáo viên bao gồm cả thời gian nghỉ hằng năm là 8 tuần đối với giáo viên mầm non (khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT)”.

Dẫn chiếu cụ thể đến Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định: “2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);

b) Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động và các quy định hiện hành".

Theo đó, thời gian nghỉ hè 02 tháng của giáo viên mầm non hiện nay đã bao gồm cả ngày nghỉ phép năm. Thầy Phát cho rằng, khi giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, liệu giáo viên có được hưởng thêm chế độ nghỉ phép năm như quy định đối với người lao động ngành nghề nặng nhọc, độc hại? Nếu được, thì bố trí thời gian nghỉ cho giáo viên mầm non như thế nào để tránh thiếu giáo viên đứng lớp.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, tiếp cận ở góc độ quản lý chuyên môn, cô Trần Thị Thuý – Phó Trưởng phòng Mầm non và Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho rằng, giáo viên mầm non hiện có chế độ nghỉ hè và đây cũng chính là chế độ nghỉ phép năm (quy định tại Mục 3 Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB).

Thời gian nghỉ hè (8 tuần) của giáo viên mầm non đã dài hơn thời gian nghỉ phép năm được quy định trong Bộ Luật Lao động 2019 đối với người làm việc nặng nhọc, độc hại (được nghỉ 14 ngày làm việc đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Nên theo cô Thúy, có thể giáo viên sẽ không có thêm thời gian nghỉ phép năm khi giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Chia sẻ thêm với phóng viên, cô Thúy cho biết đồng tình với việc nên đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Bởi, thứ nhất, giáo viên mầm non làm việc với khung thời gian dài/ngày (thường hơn 8 tiếng) so với viên chức ngành khác nên khá vất vả, áp lực.

Thứ hai, trong một ngày, giáo viên mầm non phải xử lý khối lượng công việc lớn. Đối tượng làm việc của giáo viên mầm non là trẻ nhỏ nên nhiệm vụ của giáo viên mầm non khác rất nhiều so với nhiệm vụ của giáo viên phổ thông như: chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ khi trẻ ở lớp, vệ sinh cho trẻ để đảm bảo sức khỏe, giúp trẻ phát triển tốt nhất.

Thứ ba, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ nếu giáo viên không tập trung cao độ trong quá trình theo dõi, chăm sóc trẻ ở lớp nên các cô rất áp lực.

Cũng theo cô Thúy, nếu giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định. Trong đó, theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động làm nghề nặng nhọc được nghỉ với số ngày quy định và tăng thêm 10 ngày so với người lao động trong ngành nghề bình thường.

Ví dụ, giáo viên mầm non được nghỉ 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày; nghỉ 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); nghỉ 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày).

Bên cạnh đó, giáo viên mầm non phần lớn là nữ nên khi họ mang thai cũng sẽ được hưởng chế độ chính sách là giảm bớt 1 giờ làm việc/ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019). Đây là thuận lợi cho nữ giáo viên mầm non nếu như được xếp vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu giáo viên mầm non ở nhiều địa phương như hiện nay, việc giảm bớt 1 giờ làm việc/ngày đối với giáo viên mầm non mang thai khiến trường học gặp nhiều khó khăn trong bố trí, sắp xếp sử dụng lao động. Chính vì thế, cô Thúy cho hay, để thực hiện được điều này cần phải đi đôi với đề xuất tăng định mức giáo viên mầm non/lớp.

Ngọc Mai