Hạ cấp, yêu cầu ra khỏi ngành và bài học lớn về ứng xử

20/11/2019 09:00
Trần Phương
(GDVN) - Ngành công an đã có những quyết định mạnh mẽ, đúng đắn để giữ gìn niềm tin của nhân dân. Đây cũng là bài học cho nhiều ngành, nhiều người.

Thời gian gần đây, ngành công an tiếp tục xử lý kiên quyết với những cán bộ, chiến sĩ mắc sai phạm, trong đó có kỷ luật giáng cấp bậc hàm (từ Đại úy xuống Trung úy) và cho ra khỏi ngành đối với bà Lê Thị Hiền - cán bộ Công an quận Đống Đa (Hà Nội); Tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu.

Trường hợp mới nhất là Thượng úy Nguyễn Xô Việt, cán bộ Công an Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên, đã cho giáng cấp bậc hàm xuống Trung úy và cho xuất ngũ. [1]

Đây là ba trường hợp gần nhất thuộc ngành công an đã gây dư luận xấu trong thời gian qua, trong đó có hai trường hợp liên quan đến hành vi, ứng xử của người người chiến sĩ Công an nhân dân.

Cho dù hai trường hợp này đều không mặc sắc phục ngành khi gây ra chuyện xấu nhưng khi đã là chiến sĩ trong ngành công an thì họ phải luôn ý thức vị trí của mình, ý thức về hành vi và việc làm.

Những hành động phản cảm không thể chấp nhận được của bà Lê Thị Hiền và ông Nguyễn Xô Việt. Ảnh chụp từ clip.
Những hành động phản cảm không thể chấp nhận được của bà Lê Thị Hiền và ông Nguyễn Xô Việt. Ảnh chụp từ clip.

Cả hai hành vi của nguyên ông Nguyễn Xô Việt và bà Lê Thị Hiền đều vi phạm nguyên tắc ứng xử thông thường, rất phản cảm.

Ngay cả với một công dân bình thường cũng là không thể chấp nhận chứ chưa nói đến việc họ là cán bộ chiến sĩ công an nhân dân có quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, tác phong riêng của ngành.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn với lực lượng công an nhân dân: “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”. [2]

Có thể thấy chữ “quan cách mạng” mà Hồ Chủ tịch nhắc tới chính là nói đến những đặc thù của ngành công an nhân dân, khi những quyền đặc biệt mà pháp luật, nhân dân giao phó cho ngành.

Việc nắm giữ những quyền đặc biệt đó là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng chứ không phải biến đó thành đặc quyền đặc lợi của bản thân.

Đồng thời, Bác cũng đã chỉ rõ: “Công an không thể hôm nay là người đầy tớ của nhân dân, ngày mai lại trở thành những ông quan cách mạng đứng trên lợi ích của nhân dân”. [3]

Như đã tiên đoán được và cũng để phòng ngừa bệnh quan liêu, xa rời nhân dân nảy nở trong lực lượng Công an nhân dân, Bác chỉ rõ: “Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay các cô, các chú đã làm tròn nhiệm vụ ấy chưa? Chưa. Tuy đã có nhiều người tận tâm, cố gắng nhưng lẻ tẻ vài nơi nhân dân còn chê trách đấy”. [4]

Thượng úy Việt không thể bảo vệ con bằng lối hành xử thô bạo
Thượng úy Việt không thể bảo vệ con bằng lối hành xử thô bạo

Những sự việc vừa qua của ngành công an là những sự việc riêng lẻ của một vài cá nhân, có thể khẳng định rằng những hành động đó không thể và không bao giờ là những hành động điển hình của người chiến sĩ công an nhân dân chân chính.

Việc xử lý kỷ luật 2 cán bộ chiến sĩ có hành động không chuẩn mực, không phù hợp với quy tắc ứng xử của ngành công an cho thấy thông điệp mạnh mẽ từ phía ngành này.

Bên hành lang quốc hội, trả lời phóng viên báo chí, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Hà Nội – những địa phương xảy ra sự việc cán bộ sai phạm, đều khẳng định rõ quan điểm kiên quyết xử lý, đảm bảo nghiêm minh. Và thực tế xử lý kỷ luật như trên đã cho thấy rõ quan điểm, tinh thần đó.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá, quyết định kỷ luật 2 cán bộ công an Lê Thị Hiền và Nguyễn Xô Việt là kịp thời, đúng đắn, giúp lấy lại niềm tin của người dân với ngành.

“Tôi đánh giá rất cao quyết định của ngành công an. Quyết định này giúp dư luận rất yên tâm, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với ngành công an. Cán bộ chiến sỹ trong ngành công an cũng thấy cần phải giữ mình tốt hơn để không xảy ra vi phạm tương tự”, ông Tiến nói. [5]

Có thể thấy đây không chỉ là bài học đối với ngành công an, mà nó là bài học đối với tất cả các công dân đang sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Bài học của các chiến sĩ công an này cũng là bài học cảnh tỉnh cho chính mình, không ai có quyền đặt mình lên các quy định của pháp luật, các quy tắc ứng xử văn minh, mọi hành động sai lệch, tư tưởng đặc quyền, đặc lợi hơn người khác đều dáng bị lên án.

Bài học của các chiến sĩ ngành công an đã bị kỷ luật cũng là bài học chung cho các cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng thể hiện rõ tinh thần này, mục đích là xử nghiêm sai phạm không chỉ đối với từng cá nhân mà ý nghĩa lớn hơn để giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

Tài liệu tham khảo

[1] http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Chinh-thuc-giang-2-cap-bac-ham-doi-voi-Dai-uy-Le-Thi-Hien-570387/

http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Giang-cap-bac-ham-va-cho-xuat-ngu-doi-voi-Thuong-uy-Nguyen-Xo-Viet-570432/

[2][3] [4]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.7, tr.269-270.

[5] https://vtc.vn/loai-khoi-nganh-dai-uy-le-thi-hien-va-thuong-uy-nguyen-xo-viet-la-quyet-dinh-ky-luat-kip-thoi-d510940.html

Trần Phương