Hà Nội kiến nghị sớm triển khai số hóa và sử dụng sách giáo khoa điện tử

18/08/2023 16:31
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các bộ ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết, mạng lưới trường, lớp của ngành giáo dục tỉnh Kon Tum, nhất là các tỉnh giáp biên giới còn nhỏ lẻ, nhiều lớp ghép nên làm tăng yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục.

Tỉnh Kon Tum còn thiếu hơn 800 giáo viên, trong đó, giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất. Đời sống tinh thần vật chất của giáo viên tại các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Giáo viên nữ còn khó khăn về nhà ở, điều kiện sinh hoạt và phương tiện đi lại. Việc duy trì chuyên cần học sinh ở vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là bậc trung học cơ sở.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

Trước những khó khăn, ngành giáo dục tỉnh Kon Tum kiến nghị ổn định hỗ trợ chi phí, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập bán trú cho học sinh, và các chính sách khác liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa như về: tiền lương, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng đối với sinh viên. Đề nghị không tinh giản 10% biên chế người làm việc trong các cơ sở giáo dục ở địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Cùng tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chia sẻ, tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi đơn vị có không quá 2 cấp phó khiến khó khăn trong công tác quản lý cho các trường có quy mô lớn, đặc thù. Do đó, thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp thực tế.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.

Quan tâm chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, lương của nhà giáo cần được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi theo từng tính chất công việc.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, hiện nay, Thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất.

Do đó, để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, đề nghị các cấp xem xét cho phép thành phố Hà Nội sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng. Đồng thời, cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân nhất trí với những ý kiến tham luận trước đó. Tỉnh Cà Mau xác định năm học 2022-2023 là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, toàn ngành giáo dục tỉnh Cà Mau tích cực, nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Cà Mau còn khó khăn nhưng cơ chế, chính sách giáo dục có nhiều tiến bộ. Trong đó, Tỉnh ban hành 5 nghị quyết chuyên đề về giáo dục, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của ngành giáo dục tỉnh Cà Mau là cơ sở vật chất còn thiếu, số lớp học bán trú còn thấp, học 2 buổi/ngày còn ít, trường lớp còn nhỏ lẻ, tạm bợ, đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều nhưng không có nguồn tuyển, nhất là giáo viên các môn học chương trình mới. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường còn thấp.

Chia sẻ về những kiến nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư chương trình "Sóng và máy tính cho em" vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Đồng thời, xem xét tháo gỡ khó khăn quy định khung vị trí việc làm cho giáo dục mầm non ở vị trí phục vụ, bảo vệ, y tế đang gặp khó.

Ngoài ra, bộ, ngành liên quan cần lưu ý khung vị trí việc làm đối với giáo dục phổ thông ở cấp tiểu học cần phù hợp với chương trình mới. Tháo gỡ khó khăn của Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo sư phạm. Bên cạnh đó, Trung ương cần có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên để họ yên tâm, gắn bó với nghề dạy học.

Ngọc Mai