Vì sao nên đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại?

18/08/2023 09:43
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giữ trẻ mà cái đầu luôn căng thẳng, luôn ở trạng thái tập trung cao độ vì sợ rằng lơ là một chút, các bé sẽ cào cấu nhau hay leo trèo té ngã…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Thông tin trên nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt là của giáo viên mầm non. Nhiều nhà giáo cho biết, luôn trông mong đề xuất trên sẽ trở thành hiện thực.

Lớp học mầm non ở Lượng Minh (Ảnh nhà trường cung cấp)

Lớp học mầm non ở Lượng Minh (Ảnh nhà trường cung cấp)

Giáo viên mầm non bám lớp từ 10 - 12 tiếng/ngày

Trong 4 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông), giáo dục mầm non là công việc nặng nhọc nhất.

Nếu các cấp học khác, giáo viên vào dạy học theo tiết thì dạy xong số tiết quy định của ngày hôm đó (nhiều là 7 tiết của giáo viên tiểu học, ít thì vài ba tiết), các thầy cô sẽ về.

Tuy nhiên, giáo viên mầm non đa số phải bám lớp suốt cả ngày từ 11 đến 12 tiếng mỗi ngày.

Điều đáng nói ở chỗ, nếu người lao động làm vượt 8 tiếng sẽ được gọi là tăng ca và nhận thêm thu nhập. Trong đó, giáo viên mầm non lại không được tính thêm 4 tiết vượt quy định mà xem như đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ của mỗi thầy cô.

Các bậc học khác nặng về giáo dục thì bậc mầm non lại thiên về chăm sóc nhiều hơn. Những lớp mầm non mà học sinh mới ở độ tuổi nhà trẻ, mỗi cô phải phụ trách từ 15 đến 20 em/lớp, giáo viên vừa chăm vừa dỗ vô cùng vất vả. Nỗi vất vả, cực nhọc không thể diễn tả bằng lời.

Cô Vũ Thị Thuý Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: “Giáo viên lớp mẫu giáo bé vô cùng vất vả. Những ngày đầu nhập học, nhiều em khóc suốt ngày, các cô phải luôn bồng trên tay. Rồi cho ăn, tắm rửa, nhiều em đi vệ sinh ra quần áo nên phải lau dọn cả ngày”.

Sau mỗi buổi học, giáo viên phải chăm từng bữa ăn cho học sinh (Ảnh nhà trường cung cấp)

Sau mỗi buổi học, giáo viên phải chăm từng bữa ăn cho học sinh (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô giáo Đặng Thị Anh, giáo viên Trường Mầm non Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết: “Giáo viên có mặt tại lớp từ 6 giờ 30 phút để đón học sinh. Có những em liên tục khóc hàng tháng trời. Nhiều em không có thói quen đi vệ sinh nên thường đi trong quần, lúc đó các cô rất cực. Vừa lau chùi, vừa hướng dẫn cho các em quen dần.

Trong lớp, lúc nào cũng có sẵn quần áo để tắm rửa, thay cho các em. Có bánh kẹo, đồ chơi để dụ khi em nào đó khóc. Những thứ này, các cô phải bỏ tiền túi ra để mua.

Giờ trưa, khi học trò ngủ, giáo viên chúng em phải ngồi trực vì sợ có chuyện gì bất trắc xảy ra. Nếu ngồi không cũng sợ buồn ngủ nên các cô thường tận dụng thời gian này để làm đồ dùng dạy học".

Áp lực lớn từ việc đảm bảo an toàn cho trẻ

Ai đã từng trông con, cháu lúc nhỏ sẽ hiểu được những lo lắng, bất an khi các bé đang ở độ tuổi hiếu động nhất. Chỉ trông giữ một bé mà đôi khi con té ngã trầy xước thì mỗi giáo viên phải trông từ 15 đến 20 cháu sẽ thế nào?

Có cô chia sẻ, cái đầu luôn căng thẳng, luôn ở trạng thái tập trung cao độ vì sợ rằng lơ là một chút các bé sẽ cấu cào nhau hay leo trèo té ngã…

Chỉ một vết trầy trên tay hay má do một bạn nào đó cấu cào, chỉ một vết bầm ở chân do bé chạy vấp ngã…thì xem như lo lắng, bất an suốt ngày vì sợ bị phụ huynh làm khó.

Gặp người dễ, thấu hiểu xem như ‘con nhỏ năng động nên té ngã là bình thường”, giáo viên nhẹ lòng. Gặp phụ huynh kỹ tính có khi lại bị đơn kiện hoặc tố giáo viên bạo hành, vô trách nhiệm sẽ xuất hiện trên mạng, giáo viên luôn trong trạng thái nơm nớp lo lắng.

Tôi còn nhớ câu chuyện của một đồng nghiệp xảy ra cách đây vài năm tại một trường mầm non tư thục ở một tỉnh phía Nam. Phụ huynh "tố" giáo viên bạo hành học sinh. Theo đó, buổi chiều đón con, mẹ phát hiện bên má của con có vết bầm.

Cô giáo giải thích trong lúc bất cẩn, một bé gái đã xô bé trai té đập mặt xuống nền. Mặc dù có camera nhưng gia đình vẫn không xem mà vẫn khẳng định do cô giáo bạo hành và làm đơn gửi khắp nơi.

Khi mọi việc được sáng tỏ thì chính giáo viên ấy và ngôi trường xảy ra sự việc cũng đã lãnh hậu quả giảm sĩ số học sinh vì tin xấu trước đó đã tràn lan khắp mạng xã hội và bia miệng lan truyền khắp nơi.

Tình huống như câu chuyện trên không phải hiếm xảy ra. Đặc biệt, trong bối cảnh các mạng xã hội phát triển mạnh, tâm lý người dùng thích đọc, chia sẻ những câu chuyện mang tính tiêu cực. Vì vậy, nếu đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ giúp thầy cô có thêm quyền lợi, chế độ để có thêm động lực gắn bó với nghề.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết