Hà Nội: Phụ huynh "mướt mồ hôi" tìm mua sách giáo khoa cho con

29/08/2022 06:53
Kim Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Năm học 2022-2023, học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 sẽ học SGK theo chương trình mới. Tại Hà Nội, phụ huynh khó mua đủ bộ sách mới ở các hiệu sách.

Nhiều phụ huynh mua nhầm sách

Có mặt tại nhà sách ADCBook - Công ty thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - tại địa chỉ 231C đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) lúc chiều muộn, chị Minh Hằng thở phào nhẹ nhõm vì ở đây có cuốn Ngữ văn tập 1 dành cho học sinh lớp 7 thuộc bộ sách Cánh diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp xuất bản.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Hằng cho biết, con trai chị học tại một trường cấp 2 tại quận Hoàng Mai. Cả mấy ngày nay, chị tranh thủ xin tan làm sớm và ngày cuối tuần để đi tìm mua đủ bộ sách giáo khoa cho con. Mãi đến hôm nay mới tìm được đủ bộ.

“Hiện trường con trai tôi không tổ chức mua hộ sách nên tôi phải tự đi tìm mua cho con. Tôi đã đi rất nhiều nhà sách lớn ở Hà Nội, nhưng mỗi nơi chỉ hỏi mua được vài quyển. Mấy năm nay, vợ chồng tôi công việc bận rộn nên không để ý hiện nay con đã học sách theo những bộ khác ngày trước.

Ban đầu, tôi đi mua bị “hớ” vì hiện con không học theo một bộ sách của một nhà xuất bản nào nữa. Được các nhân viên tư vấn, tôi phải gọi cho cô giáo chủ nhiệm hỏi chính xác danh sách những sách nào năm nay con phải học. Tôi cũng đang tìm thêm vài cuốn sách bài tập cho con học thêm tại nhà”, chị Hằng chia sẻ.

Nhân viên nhà sách phải tư vấn về điểm mới của sách giáo khoa để phụ huynh đỡ nhầm lẫn. Ảnh: Kim Sơn

Nhân viên nhà sách phải tư vấn về điểm mới của sách giáo khoa để phụ huynh đỡ nhầm lẫn. Ảnh: Kim Sơn

Trường hợp mua nhầm sách như chị Hằng không phải hiếm. Theo các nhân viên nhà sách ADCBook, có nhiều vị phụ huynh chưa nắm rõ được chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như sự thay đổi các công cụ học tập mới. Do đó, họ phải tư vấn cho phụ huynh tìm hiểu kỹ con mình học những loại sách thuộc bộ sách của nhà xuất bản nào.

Tại nhà sách ADCBook kể trên, theo ghi nhận của phóng viên ngày 26/8, cơ sở này cơ bản đáp ứng những bộ sách giáo khoa của lớp 3, 7 và 10. Tuy nhiên, các nhân viên cho hay, có thời điểm nhà sách bị thiếu cục bộ một vài cuốn bởi nhu cầu của phụ huynh tăng cao. Hiện, nhà sách đang nỗ lực nhập thêm số lượng lớn để đáp ứng kịp trước thời điểm khai giảng năm học mới.

Không dễ mua được đủ bộ

Không được như ADCBook, nhiều nhà sách lớn khác trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện chưa đáp ứng đủ những sách giáo khoa mới. Đơn cử như như nhà sách Tiến Thọ (cơ sở 1, số 828 đường Láng, quận Đống Đa), hay nhà sách Tiền Phong (cơ sở số 75 phố Tây Sơn, quận Đống Đa)…

Điểm chung của những nhà sách này là có bán lẻ những cuốn sách giáo khoa để phù hợp với đặc điểm chương trình một lớp có thể chọn nhiều sách của các nhà xuất bản khác nhau theo yêu cầu từng địa phương, từng nhà trường. Đa phần các nhà sách có đa dạng các loại công cụ học tập nhưng các đầu sách còn tùy từng bộ.

Các hiệu sách ở Hà Nội có nhiều bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức và cuộc sống; bộ Chân trời sáng tạo có phần khiêm tốn hơn. Ảnh: Kim Sơn

Các hiệu sách ở Hà Nội có nhiều bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức và cuộc sống; bộ Chân trời sáng tạo có phần khiêm tốn hơn. Ảnh: Kim Sơn

Với sách giáo khoa bộ mới, theo giải thích của nhân viên, các trường học ở phía Bắc ít sử dụng bộ sách Chân trời sáng tạo (chủ yếu sử dụng ở phía Nam) nên các cơ sở ít nhập về bộ này. Đa phần, các nhà sách sẽ có nhiều bộ Cánh diều; Kết nối tri thức và cuộc sống. Nếu phụ huynh mua đủ bộ sách (bao gồm cả các sách tham khảo, bài tập) sẽ phải bỏ ra khoảng từ 400-500 nghìn đồng.

Ngoài sách giáo khoa bộ mới, hiện tượng “cháy hàng” cũng xảy ra ở các lớp chưa phải học chương trình giáo dục phổ thông mới. Anh Nguyễn Văn Trí có con gái năm nay học lớp 8 ở tỉnh Phú Thọ. Dù đã qua một vài nhà sách nhưng anh vẫn chưa mua được đủ bộ để đem về nhà dịp cuối tuần như đã hứa với con.

“Nhà trường của cháu không tổ chức mua hộ sách giáo khoa. Tôi nghĩ ở Phú Thọ chắc mua sách sẽ khó hơn, nên tôi phải tìm ra các hiệu sách ở Hà Nội để mua. Nhưng dù đã đến một vài nơi vẫn thiếu cuốn sách Địa lý, Công nghệ. Tôi còn muốn mua thêm nhiều cuốn tham khảo cho cháu tự học thêm nữa”, anh Trí chia sẻ.

Theo đại diện một số nhà sách, câu chuyện khan hiếm sách giáo khoa diễn ra phổ biến mỗi đầu năm học.

Trong bối cảnh đang thay đổi sách giáo khoa (một chương trình – nhiều bộ sách) như hiện nay, thì mỗi năm nhu cầu lại khác. Do đó, các nhà sách đều chỉ đăng ký lấy số lượng sách cầm chừng, không có sự dự trù như những năm trước.

Kim Sơn