Yêu cầu giảm giá thành, dùng tiền ngân sách mua sách giáo khoa có khả thi?

15/07/2022 06:48
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ quản lý, nghiêm cấm, xử lý mạnh tay những nhà trường, công ty phát hành sách giáo khoa bán sách kiểu mập mờ “bia kèm lạc” là phụ huynh cả nước đã mừng lắm rồi.

Hàng chục năm nay, năm nào cũng ồn ào về chuyện giá thành sách giáo khoa phổ thông nhưng rồi mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu. Sách giáo khoa vẫn bán với giá cao, sách giáo khoa vẫn thường bán theo kiểu “bia kèm lạc”.

Chuẩn bị cho năm học 2022-2023 tới đây, ngày 12/6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông và yêu cầu các nhà xuất bản giảm giá thành.

Tiếp theo, ngày 21/6 vừa qua, tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa thì lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Tuy nhiên, theo người viết, đề xuất này không mang tính chất lâu dài và thực tế thì những chỉ đạo, đề xuất này cũng khó khả thi.

Bán sách kiểu "bia kèm lạc" khá phổ biến trong các nhà trường hiện nay (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Bán sách kiểu "bia kèm lạc" khá phổ biến trong các nhà trường hiện nay (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT yêu cầu giảm giá sách giáo khoa có khả thi?

Ngày 12/6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thực tế giá thành sách giáo khoa cao so với bộ sách cũ, kèm theo đó là danh mục sách bổ trợ, sách tham khảo được nhiều trường đóng gói cung khiến phụ huynh lầm tưởng là bắt buộc phải mua đang trở thành gánh nặng cho phụ huynh trong từng năm học.

Chính vì thế, trong chỉ thị này, Bộ đã yêu cầu: “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt báo cáo kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành sách trước khi phát hành hoặc tái bản.

Đồng thời, các nhà xuất bản tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa để tiết kiệm, giảm giá thành sách”. [1]

Thế nhưng, thực tế thì giá sách giáo khoa phổ thông cho năm học 2022-2023 tới đây có thể “giảm giá thành” được không và các nhà xuất bản liệu có thực hiện cho theo chỉ thị này?

Chúng tôi cho rằng việc chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giá thành sách giáo khoa phổ thông là cần thiết nhưng với năm học này thì đã có phần hơi trễ.

Bởi lẽ, lúc này thì các nhà xuất bản sách giáo khoa đã in ấn cơ bản xong hết rồi, giá thành sách đã được niêm yết cụ thể và giới thiệu đến các nhà trường, phụ huynh học sinh đã được 2 tháng rồi.

Cụ thể, ngày 27/4/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị chủ quản của 2/3 bộ sách giáo khoa chương chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là đơn vị duy nhất xuất bản sách giáo khoa chương trình giáo dục 2006 đã có thông cáo báo chí về giá sách giáo khoa lớp 3 lớp7 và lớp 10. [2]

Trong thông cáo này, giá sách giáo khoa đã được niêm yết công khai từng đầu sách của chương trình mới và cũng không khó để mọi người tìm giá niêm yết sách giáo khoa các lớp còn lại của chương trình hiện hành trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Báo Tiền phong ngày 21/6 vừa qua đã thông tin: “Về công tác chuẩn bị, cung ứng sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khẩn trương triển khai in sách giáo khoa phục vụ học sinh trước khai giảng. Tính đến thời điểm này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc in, nhập kho trên 90% sản lượng sách giáo khoa theo kế hoạch, sẵn sàng phục vụ năm học mới.

Sách giáo khoa bắt đầu được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành từ tháng 3/2022, đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến các nhà trường, học sinh, giáo viên, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, sốt sách, đặc biệt trong giai đoạn triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. [3]

Với năm học 2022-2023, việc các nhà xuất bản giảm giá thành có lẽ sẽ rất khó khi các khâu từ biên soạn, in ấn, phân phối gần như đã xong.

Bởi vì, giá thành đã được niêm yết, đã được in cụ thể sau bìa mỗi cuốn sách giáo khoa, bảng giá đã được các đơn vị phát hành sách gửi về các nhà trường, thậm chí đã đến tay phụ huynh rồi thì chuyện thay đổi về giá là khó khả thi.

Bộ đề xuất dùng tiền ngân sách mua sách giáo khoa có cần thiết?

Ngày 21/6 vừa qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra đề xuất với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần. [4]

Đề xuất này nhân văn. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế hiện nay, chẳng mấy phụ huynh, đặc biệt là ở các thành phố, khu vực đông dân cư, phụ huynh nào đi mượn sách giáo khoa cũ cho con em mình tại thư viện nhà trường - trừ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì thế, theo người viết, việc mua sách giáo khoa cho học sinh thời điểm này cứ hãy để phụ huynh chủ động.

Điều cốt lõi là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối với với các ban ngành, các nhà xuất bản điều tiết giá sách giáo khoa phù hợp, tránh tình trạng giá sách giáo khoa tăng “sốc” và tránh sai sót phải chỉnh sửa, bổ sung hàng năm.

Đặc biệt, Bộ cần quản lý, nghiêm cấm và xử lý mạnh tay những nhà trường, công ty phát hành sách giáo khoa bán sách kiểu mập mờ “bia kèm lạc” là phụ huynh cả nước đã mừng lắm rồi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=3172

[2] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/thong-tin-bao-chi-ve-gia-sach-giao-khoa-lop-3-lop-7-va-lop-10-theo-ctgdpt-2018

[3] https://tienphong.vn/nxbgdvn-trien-khai-boi-duong-giao-vien-su-dung-sgk-lop-3-7-10-theo-ct-gdpt-2018-post1447575.tpo

[4] https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-de-xuat-su-dung-ngan-sach-mua-sach-giao-khoa-cho-hoc-sinh-muon-post1471001.html

NGUYỄN CAO