"Hà Nội sẽ vội... đừng lo"

06/07/2022 06:45
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong chiến dịch “đốt lò” hiện tại, “Hạ cánh vẹn toàn” hay không phải xem ý dân như thế nào.

Ngày 30/06/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiểm điểm hoạt động trong 10 năm qua (giai đoạn 2012 – 2022) và đề ra phương hướng cho thời gian tới (Hội nghị).

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”.

Trong số 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương bị kỷ luật, người Hà Nội thường chỉ nhớ tên ba người từng là lãnh đạo cao nhất thành phố là các ông Hoàng Trung Hải (bị cảnh cáo), Nguyễn Đức ChungChu Ngọc Anh (bị khởi tố, bắt giam).

Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn

Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn

Nhân dịp này, đề cập đến công tác chống tham nhũng, tiêu cực tại thủ đô Hà Nội, báo chí nêu câu hỏi “Băm nát” quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu: Ai là “quán quân”? [1]

Các bài viết liên quan đến chủ đề “băm nát quy hoạch thủ đô” những ngày vừa qua chủ yếu dựa vào kết luận thanh tra số 39 (KL39) của Thanh tra Bộ Xây dựng do Chánh thanh tra Nguyễn Ngọc Tuấn ký.

KL39 đề cập đến một khu vực thuộc nội thành Hà Nội là hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và cũng chỉ liên quan đến quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị.

Năm năm trước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý quy hoạch và trật tự đô thị tại các thành phố lớn, ví dụ ông Mai Tiến Dũng đưa ra là tình trạng “quy hoạch bị phá nát” tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội. [2]

KL39 của Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành vào giữa năm 2022, tức là sau khi quy hoạch thủ đô đã bị “băm nát” từ hơn chục năm trước, điều này cho thấy câu “Hà Nội không vội được đâu” không chỉ nghiệm đúng với cơ quan chỉ đạo và thực hiện của Hà Nội, mà cũng đúng với không ít cơ quan chức năng đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

KL39 cho biết khá cụ thể giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2015, nhiều dự án, công trình được điều chỉnh từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, nâng tầng, tăng mật độ, chất tải lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sai quy định pháp luật. [1]

Tại tại cuộc họp báo sáng ngày 01/07/2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, phóng viên báo Thanhnien.vn “đã đặt câu hỏi về việc kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội như ông Nguyễn Quốc Triệu, Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Đức Chung; nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Hùng, Lê Vinh… trong việc đồng ý điều chỉnh quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương - Tố Hữu sẽ được xem xét ra sao, có được triệu tập đến giải trình? [3]

Một trong những người được báo chí nhắc đến khá nhiều trong những ngày qua là cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giai đoạn 2007-2015 - Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo.

Từng có ý kiến phát biểu lo ngại về chuyện quan chức "hạ cánh an toàn". Tuy nhiên trong chiến dịch “đốt lò” hiện tại, “Hạ cánh vẹn toàn” hay không phải xem ý dân như thế nào, về điều này Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu:

“Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của nhân dân, không có gì mà nhân dân không biết. Do đó không có gì có thể qua mắt được nhân dân… Vì vậy, phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã dạy”. [5]

Câu nói của ông Phan Đình Trạc rất đúng nhưng người viết xin phép mở rộng một cách cụ thể hơn dựa trên di huấn của Hồ Chủ tịch.

Ngày 03/02/1969, báo Nhân Dân đăng bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài viết có đoạn: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”. [6]

Số liệu trên tạp chí Xaydungdang.org.vn cho thấy, tính đến 30/06/2021 toàn Đảng có khoảng 5,3 triệu đảng viên. [7]

Nếu 5,3 triệu đảng viên đều làm theo lời Hồ Chủ tịch “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nếu “con mắt, lỗ tai” của 5,3 triệu đảng viên đều biến thành “những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” thì cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn sẽ giành được thắng lợi, bởi dân chúng không phải ai cũng có trình độ và điều kiện tìm hiểu những bí mật trong hoạt động của những người “tay đã nhúng chàm”.

Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong phát biểu kết thúc Hội nghị:

“Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”. [8]

Cũng trong phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng Bí thư khẳng định:

“Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”. [8]

Rõ ràng, tham nhũng nảy sinh từ quyền lực. Vấn đề nằm ở chỗ nhận diện tham nhũng như thế nào và phong tỏa quyền lực ra sao để quyền đó hạn chế sinh ra tham nhũng.

Nhận thức và thẳng thắn, công khai những “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực đã khó, khắc phục lại vô cùng khó nếu chỉ dựa vào sự tự giác của cán bộ, đảng viên bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Tham nhũng “thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền”. [8]

Chính vì thế để động viên toàn Đảng, toàn dân tham gia chống “giặc nội xâm” thì cần phải:

“Tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang”. [8]

Nói đến thông tin thì không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo.

Nếu hơn 40.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí và hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo được động viên tham gia chống tham nhũng - không phân biệt “tôn chỉ, mục đích” của cơ quan báo chí nơi họ công tác - thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều so với trông đợi vào phát hiện của bà con nông dân sinh sống ở nông thôn hay anh chị em công nhân đang làm việc trong các cơ sở công nghiệp.

Trở lại câu chuyện nhiều người hay nói “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng theo người viết, có lẽ sắp không còn đúng nữa khi ở đó có một chiếc lò lửa đang cháy đỏ, “Hà Nội sẽ vội… đừng lo".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/bam-nat-quy-hoach-duong-le-van-luong-to-huu-ai-la-quan-quan-post1473018.html

[2]https://zingnews.vn/khu-do-thi-dang-song-o-ha-noi-bi-bam-nat-nhu-the-nao-post722238.html

[3] https://thanhnien.vn/bam-nat-quy-hoach-duong-le-van-luong-to-huu-ha-noi-noi-ket-luan-thanh-tra-chua-thoa-dang-post1474066.html

[4]https://giadinhonline.vn/ong-nuoc-vo-9-lan-loi-cua-nhung-co-gai-quan-ho-d18476.html

[5] https://tienphong.vn/bien-con-mat-cua-nhan-dan-thanh-nhung-ngon-den-pha-de-tham-nhung-khong-co-cho-an-nap-post1449372.tpo

[6]https://daibieunhandan.vn/luat-trong-cuoc-song-quoc-hoi-va-cu-tri/dang-vien-di-truoc-lang-nuoc-theo-sau-i244358/

[7]http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2022/16421/Nganh-To-chuc-xay-dung-Dang-10-ket-qua-noi-bat-nam.aspx

[8]https://www.vietnamplus.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/801297.vnp

Xuân Dương