Hà Tĩnh đặc cách HSG: Nên xem lại sứ mệnh kỳ thi học sinh giỏi tỉnh

26/12/2022 06:32
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hà Tĩnh đặc cách xét danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh cho 91 thí sinh có điểm IELTS từ 7.0 trở lên. Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên cho rằng việc này là không hợp lý.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng: “Việc đặc cách công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là không hợp lý”.

Dùng kết quả của kỳ thi này cho một kỳ thi khác là sai mục đích

Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, “mục tiêu của kỳ thi học sinh giỏi và kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là khác nhau. Kỳ thi học sinh giỏi được tổ chức nhằm tìm ra những học sinh có năng lực vượt bậc trong một môn học. Không chỉ đánh giá mức độ thành thạo, kỳ thi còn đánh giá những phần kiến thức quan trọng khác như kiến thức về ngôn ngữ hay kiến thức về văn hóa của các nước nói tiếng Anh. Trong khi đó, kỳ thi IELTS hay các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không đo lường được phần kiến thức này. Các chứng chỉ ngoại ngữ chỉ đánh giá được năng lực sử dụng ngôn ngữ, đó là thành thạo bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tôi nghĩ rằng, nếu học sinh cứ học và luyện thi IELTS rồi sẽ có lúc các em đạt điểm cao. Tuy nhiên, đạt điểm cao sau nhiều lần thi đi thi lại như vậy thì không thể đánh giá là giỏi ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, mục đích của kỳ thi học sinh giỏi là tìm ra học sinh có năng lực và niềm yêu thích đối với môn học. IELTS hay các kỳ thi khác không có nghĩa vụ tìm ra những học sinh như thế.

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên. Ảnh: giaoduc.net.vn

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên. Ảnh: giaoduc.net.vn

Tôi nhắc lại một lần nữa, nó đơn giản chỉ là kỳ thi đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ. Thậm chí, IELTS còn được chia làm IELTS học thuật (IELTS Academic) và IELTS tổng quát (IELTS General). Bên cạnh những người muốn đi du học, đối tượng tham gia kỳ thi này còn là những người có mong muốn nhập cư, di cư hay xuất khẩu lao động. Thế nên việc dùng một kỳ thi chuẩn hóa chung dành cho tất cả các đối tượng để đặc cách cho thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi là sai mục đích và ngay từ đầu tôi không đồng tình với sự đặc cách này.

Một lý do khác khiến việc đặc cách đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không hợp lý đó là về đề thi. Đề thi học sinh giỏi vừa bám sát vào nội dung của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vừa mở rộng phạm vi cũng như tăng độ khó cho các thí sinh. Hay nói cách khác, đề thi học sinh giỏi có mức đánh giá kiến thức ngôn ngữ cao hơn so với đề thi của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh sẽ phải đánh giá được cả năng lực và kiến thức của người học".

Nếu chỉ để lấy điểm cộng, kỳ thi học sinh giỏi sẽ không lành mạnh nữa

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng: "Chúng ta cần tổ chức thêm nhiều cuộc thi về học thuật cho học sinh. Những cuộc thi như học sinh giỏi cần phải giữ đúng mục đích là tìm kiếm những học sinh có tài năng vượt trội và có sự yêu thích với môn học. Cuộc thi phải đi vào thực chất, vì mục tiêu cao nhất của kỳ thi không phải để ghi nhận, tôn vinh thành tích mà phải là nuôi dưỡng niềm đam mê lâu dài cho học sinh. Chúng ta nên nhìn nhận lại sứ mệnh của kỳ thi này. Bản chất của kỳ thi không phải là lấy thêm điểm cộng, vì hiện nay chúng ta đã có rất nhiều kỳ thi riêng phục vụ việc tuyển sinh đại học. Nếu chỉ thi vì điểm cộng, kỳ thi học sinh giỏi sẽ không còn là sân chơi lành mạnh nữa.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ngoài ra, đặt ngược trở lại vấn đề là kỳ thi học sinh giỏi có còn cần thiết hay không khi mà nó trở thành một kỳ thi đại trà hay kỳ thi cần đổi mới theo một hướng nào khác? Bản chất của kỳ thi học sinh giỏi nói chung và học sinh giỏi môn tiếng Anh nói riêng, bên cạnh đánh giá năng lực của thí sinh, nó còn tạo ra sân chơi cho những học sinh có cùng đam mê, niềm yêu thích với môn học. Các thí sinh của kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh sẽ có sự say mê với ngôn ngữ cao hơn các bạn cùng trang lứa. Các em không chỉ giỏi mà còn yêu thích và muốn thử sức trong các cuộc thi, kết bạn với những người có cùng sở thích.

Chúng ta luôn tổ chức đầy đủ các môn thi. Nghĩa là chúng ta đang chia thành học sinh giỏi Văn, học sinh giỏi tiếng Anh, học sinh giỏi tiếng Pháp,... Tuy nhiên, về mặt bản chất thì tất cả đều dựa trên một nền chung. Tức là dù có là ngôn ngữ nào đi chăng nữa, tựu chung lại thì bản chất vẫn là khoa học về ngôn ngữ. Vì vậy, kỳ thi học sinh giỏi nên đặt mục tiêu là tìm ra những học sinh có khả năng xuất sắc về ngôn ngữ, về văn hóa của một quốc gia và giúp học sinh tiệm cận dần với năng lực cảm thụ ngôn ngữ.

Như đã nói ở trên, kỳ thi IELTS chỉ đo lường được các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Thế nhưng, để nói là giỏi tiếng Anh thì học sinh còn cần rất nhiều những năng lực và yếu tố khác. Một thứ tiếng bất kỳ đều được chia ra làm hai phần là phần ngôn ngữ và phần văn học. Càng nâng mức khó lên thì đề thi phải chuyển dần sang phía văn học. Nói một người giỏi ngôn ngữ thì có nghĩa là họ phải giỏi về thơ ca, kịch nghệ bởi văn học là sự kết tinh của ngôn ngữ. Và trong tiếng Anh cũng vậy. Nếu muốn đánh giá một học sinh giỏi tiếng Anh, ta phải đo lường dựa trên việc phân tích, cảm nhận hay thậm chí là sáng tạo bằng ngôn ngữ của học sinh đó.

Tôi e rằng, nếu chỉ dừng lại đánh giá ở mức độ phổ thông hay những kỹ năng thông thường thì chúng ta chưa chạm được đến cái gọi là học sinh giỏi tiếng Anh. Bởi nếu chỉ giỏi ở phần ngữ pháp, phân tích ngôn ngữ, hoặc trả lời những câu đọc hiểu thì chưa thể đánh giá là giỏi. Giỏi là phải phân tích, cảm thụ được một tác phẩm. Tức là chúng ta hoàn toàn có thể đưa một tác phẩm văn học bằng tiếng Anh hoàn toàn xa lạ vào đề thi, để học sinh đọc và nêu cảm nhận về tác phẩm ấy. Thông qua đó chúng ta đánh giá năng lực cảm thụ ngôn ngữ của học sinh là cao hay thấp.

Thêm vào đó, chúng ta cũng cần nghĩ đến việc thay đổi cấu trúc, cách thức tổ chức kỳ thi học sinh giỏi. Thay vì xét theo thang điểm 20 và chia khoảng điểm để xếp giải như hiện nay, chúng ta cần có một cách tính điểm khác như tính theo tỉ lệ %.

Tôi lấy ví dụ, kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia hàng năm sẽ có rất nhiều học sinh đạt giải nhất, nhì, ba, còn với kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, con số này sẽ là lớn hơn rất nhiều. Nếu một kỳ thi mà có nhiều thí sinh đạt giải nhất hoặc huy chương vàng thì nó sẽ trở thành một cuộc thi phong trào. Chỉ cần đạt 18 điểm trở lên đã đạt giải nhất thì khó phân biệt được với những thí sinh đạt 19, 20 điểm. Thay vì công nhận hàng trăm em đạt giải học sinh giỏi một môn văn hóa nào đó cùng lúc, chúng ta sẽ xếp thành tích học tập của các em ấy theo mức 1% học sinh có tài năng trong môn học. Như vậy, sẽ tạo ra tính phân hóa năng lực của học sinh rõ ràng hơn. Còn với cách tính điểm như hiện nay, tôi nghĩ học sinh giỏi sẽ dễ trở thành một cuộc thi đại trà".

Không chỉ riêng môn tiếng Anh, kỳ thi học sinh giỏi các môn học khác cũng cần có sự đổi mới. Cuộc thi là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê của học sinh, tạo ra một cộng đồng say mê học thuật cũng như tạo ra môi trường cho những tài năng ấy phát triển trong tương lai. Ban đầu, kỳ thi học sinh giỏi là niềm tự hào của bất cứ ai giành được danh hiệu cao nhất. Mục tiêu của kỳ thi rất đẹp đẽ, lành mạnh nhưng càng về sau, vì nhiều lý do mà kỳ thi này gây ra sự “mệt mỏi” cho ngành giáo dục. Thế nên, người ta tổ chức kỳ thi như một nghĩa vụ và không giữ được cái hay, cái đẹp, niềm vui như ban đầu.

"Chúng ta nên đổi mới về cách thức tổ chức. Nếu thi các môn khoa học tự nhiên mà chỉ thi trên giấy thôi là chưa đủ. Các cuộc thi khoa học ngày nay phải hướng tới việc đưa thí sinh vào các phòng thí nghiệm, thực hiện các dự án khoa học và có thể chia thí sinh vào một nhóm để các em chia sẻ kiến thức với nhau trong quá trình thi đấu. Như vậy, các thí sinh sẽ được tiếp xúc với thực tế. Nếu chỉ đánh giá kết quả trên giấy thì cuộc thi mới chỉ tìm được những thí sinh giỏi lý thuyết.

Hay như học sinh giỏi Ngữ văn, ngoài thi viết, các thí sinh sẽ được gặp gỡ, giao lưu với các cây bút lớn, rồi sáng tác các tác phẩm văn học. Nếu chỉ ngồi thi viết ba tiếng sau đó thầy cô lại chấm những đề tài cũ, những phân tích hình tượng nhân vật cũ thì chưa thể đi theo đúng mục tiêu của kỳ thi học sinh giỏi. Như vậy, chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Mục đích của kỳ thi là gì? Và chúng ta đang thực hiện mục đích đến đâu?", chuyên gia Bùi Khánh Nguyên nói.

Hoài Linh