Thí sinh chọn ngành theo hiệu ứng đám đông khiến ngành khoa học cơ bản "yếu thế"

22/07/2022 06:45
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong khi các ngành "hot" thu hút thí sinh thì các ngành khoa học cơ bản tỷ lệ tuyển sinh hàng năm khá thấp.

Vào mùa tuyển sinh, các ngành khoa học cơ bản luôn được coi là những ngành khó tuyển sinh nhất. Đồng thời, đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều cơ sở giáo dục đại học. Mặc dù đã được nhà nước và các trường quan tâm, hỗ trợ với nhiều ưu đãi tuy nhiên các ngành học này vẫn gặp những thách thức, khó khăn trong việc nâng cao sức hấp dẫn với thí sinh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Phó Đức Tài, Trưởng khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, những năm gần đây, khoa tuyển sinh bốn ngành. Trong đó, Toán học là ngành khoa học cơ bản và ba ngành khác có yếu tố Tin học gồm Toán - Tin, Khoa học máy tính và thông tin, Khoa học dữ liệu.

Phó Giáo sư Phó Đức Tài, Trưởng khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Nguồn: Vietnamnet

Phó Giáo sư Phó Đức Tài, Trưởng khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Nguồn: Vietnamnet

“Một trong những nguyên nhân khiến ngành Toán học tuyển sinh khó là do chương trình học của ngành tương đối "nặng" và chỉ những sinh viên tốt nghiệp khá giỏi trở lên mới có cơ hội chọn được nghề đúng ngành, ví dụ như giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, giáo viên phổ thông.

25 năm trước, lúc bắt đầu hệ cử nhân khoa học tài năng, sinh viên giỏi ngành Toán học được cấp học bổng hấp dẫn, tại thời điểm đó khoa đã tuyển chọn được rất nhiều sinh viên giỏi. Đến ngày nay, nhiều sinh viên ở thế hệ đó rất thành công trong sự nghiệp.

Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã quyết định triển khai chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022 - 2023. Tôi hi vọng với gói học bổng này, một lần nữa khoa Toán - Cơ - Tin học sẽ thu hút được nhiều sinh viên giỏi sau nhiều năm trầm lắng”, Phó Giáo sư Phó Đức Tài bày tỏ.

Cùng lý giải việc các ngành khoa học cơ bản trở nên "yếu thế" trong thời đại hiện nay, Phó Giáo sư Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay có rất nhiều ngành “hot” dựa vào sức mạnh của phương tiện truyền thông đại chúng. Khi bắt gặp các ngành xuất hiện thường xuyên trên truyền thông thì nhiều người cho rằng đó là những ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường, thu nhập cao.

Điều đó gọi là "hiệu ứng đám đông", nhiều người chọn thì chọn theo dù chưa hiểu được thực chất cơ hội, mức cạnh tranh việc làm ra sao.

Phó Giáo sư Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Nguồn: website nhà trường

Phó Giáo sư Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Nguồn: website nhà trường

Sau một khoảng thời gian, xã hội xuất hiện tình trạng có ngành đào tạo nhiều nhưng sinh viên ra trường không có việc làm; đào tạo ít nhưng việc làm nhiều dẫn tới thiếu nguồn nhân lực.

“Trước đây, khi một số ngành như kinh tế, ngân hàng được truyền thông đăng tải nhiều dẫn tới việc số lượng thí sinh đăng ký theo học tăng. Hậu quả là nhiều sinh viên khi ra trường, công việc không đáp ứng đủ dẫn tới thừa nguồn nhân lực, phải làm trái ngành.

Trong khi các ngành "hot" thu hút thí sinh thì các ngành khoa học cơ bản tỷ lệ tuyển sinh hàng năm khá thấp. Mặc dù, môi trường làm việc của sinh viên các ngành khoa học cơ bản rất tốt và đa dạng như làm việc ở cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý cấp địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Rất nhiều người thành công mở ra các doanh nghiệp, họ không chỉ biết quản lý mà còn có kiến thức về mặt chuyên môn", Phó Giáo sư Nguyễn Thành Nam nói.

Nhằm cải thiện và khắc phục hiện trạng trên, Phó Giáo sư Nguyễn Thành Nam cho rằng, hiện tại chúng ta chưa có những kênh quảng bá tốt và hiệu quả về các ngành khoa học cơ bản. Chính vì vậy, sắp tới, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự kiến xây dựng nhiều kênh truyền thông hơn và có thể sẽ quảng bá tuyển sinh tới các trường trung học phổ thông để các em học sinh nắm rõ về các ngành khoa học cơ bản của trường.

Ngoài ra, thay đổi cách đào tạo để phù hợp hơn với xã hội cũng là một trong những giải pháp quan trọng “vực dậy” các ngành khoa học cơ bản.

“Xuất phát từ thực tế, nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội và người học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói chung và khoa Sinh học nói riêng, trong quá trình xây dựng khung chương trình, chúng tôi đã tiếp cận với nhiều bên liên quan. Ví dụ như các bên tuyển dụng (cơ quan, doanh nghiệp), cựu sinh viên, sinh viên đang theo học, giảng viên (không chỉ là giảng viên trong trường mà còn ở các cơ sở giáo dục đại học khác). Chúng tôi tiến hành khảo sát, tiếp thu và điều chỉnh gần nhất với nhu cầu của xã hội.

Đồng thời, tham khảo thêm những chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới trên cơ sở có những phần tương tự và cách tiếp cận tốt nhất phù hợp với Việt Nam", Phó Giáo sư Thành Nam nói.

Phó Trưởng Khoa Sinh học thông tin thêm, khoa Sinh học hiện tại đang đào tạo hai ngành là Sinh học và Công nghệ Sinh học, sắp tới, theo kế hoạch Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phê duyệt thì khoa sẽ có thêm ngành đào tạo Sinh - Dược học nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Với chuẩn đầu ra và những học phần dự kiến thì ngành Sinh - Dược học vừa giúp người học tiếp cận với khoa học sự sống vừa hướng tới tìm hiểu về chất, hợp chất từ thiên nhiên để có thể trở thành các tiền chất của thuốc, dược.

Sinh học không chỉ đào tạo về sinh học một cách thuần túy mà còn có mối liên kết với rất nhiều chuyên môn khác như Hóa - Sinh, Lý- Sinh, Sinh học Nano,.. Từ đó, sau khi học xong, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức của riêng sinh học mà còn có kiến thức của rất nhiều ngành khác, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc phục vụ công việc.

Trần Lý