Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội đặc biệt là phụ huynh học sinh. Nhân dân đánh giá cao sự kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình phổ cập giáo dục, cởi bỏ nỗi lo canh cánh trong nhiều gia đình vì áp lực học phí, và đặc biệt hơn là trước tình hình cả nước vừa trải qua đại dịch Covid 19, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những băn khoăn, lo lắng nhất định.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Việc miễn học phí cho cấp trung học cơ sở đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nhiều lần. Nếu thực hiện được chủ trương này, chắc chắn rất tốt và không có lý do gì để trì hoãn nữa bởi trung học cơ sở là cấp phổ cập nên đúng nghĩa mà nói, cần phải miễn học phí.
Sở dĩ chúng ta chưa thực hiện được chủ trương này vì hạn chế về mặt ngân sách. Nếu hiện nay, sau khi xem xét và có đủ điều kiện để miễn học phí cho cấp trung học cơ sở thì không còn gì để bàn cãi”, Giáo sư Thi nói.
Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: VNU |
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, đối với đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần lên tiếng. Bởi khi miễn học phí bắt buộc phải có một nguồn tài chính khá lớn, ổn định và bền vững. Xác định rằng, chúng ta không chỉ miễn trong năm học 2022-2023 mà còn cả những năm sau đó nên cần có kế hoạch, tính toán về lâu dài.
Giáo sư Đào Trọng Thi đánh giá cao một số địa phương như Hải Phòng đã miễn học phí cho học sinh, tuy nhiên cũng có một số bất cập và khó khăn cần giải quyết.
“Ở một số nước như Mỹ chẳng hạn, mỗi bang có ngân sách riêng và quyết định riêng về ngân sách ấy nên sự khác biệt giữa các địa phương sẽ không là vấn đề. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngân sách nhà nước là thống nhất nên sẽ có những khó khăn riêng và không có sự công bằng giữa các địa phương với nhau.
Tôi lấy ví dụ một học sinh ở Lào Cai về Hải Phòng học thì thế nào, rồi học sinh các tỉnh lân cận sẽ đổ dồn về địa phương ấy để học thì ra sao? Tất cả những vấn đề này có thể chỉ là trường hợp hy hữu và chưa phổ biến nhưng cũng phải đặt ra để tính toán, xem xét.
Theo tôi, nếu chưa đủ điều kiện thì không nhất thiết phải phổ cập toàn quốc, các địa phương đáp ứng được có thể triển khai trước, đừng chờ nhau nữa”, Giáo sư Đào Trọng Thi nói.
Cũng trao đổi về đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết bà hoàn toàn ủng hộ việc miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở, tuy nhiên cần phân tích những tác động xã hội mà nó mang lại.
“Phải khẳng định, về lâu dài chính sách này là tốt, không chỉ trung học cơ sở mà cả trung học phổ thông cũng cần được miễn học phí. Nhưng trước khi thực hiện, cần xem xét, đánh giá tất cả các ảnh hướng, tác động đến ngân sách, nhà trường, giáo viên, phụ huynh,… như thế nào”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An . Ảnh: quochoi.vn. |
Ngoài ra, Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm, cụ thể:
Thứ nhất, về nguyên tắc thì tất cả trẻ em đều được hưởng quyền lợi, dịch vụ như nhau về giáo dục, y tế. Trong trường hợp này, nếu miễn giảm học phí thì cần tính toán, cân đối trường công lập và tư thục như thế nào? Trừ những gia đình có điều kiện tài chính, nhiều em học sinh vì hoàn cảnh, địa lý, điểm số vào học trường tư thục thì cần có giải pháp ra sao để đảm bảo công bằng cho tất cả các em?
Thứ hai, phải giải quyết được rõ ràng câu hỏi ngân sách lấy từ đâu, địa phương hay trung ương, cần xây dựng lộ trình thực hiện và khi thực hiện cần sự đồng lòng của toàn xã hội.
Thứ ba, miễn học phí là chính sách nhân văn nhiều người đồng tình và vui mừng, tuy nhiên với những người vốn thuộc diện chính sách được giảm học phí sẵn rồi thì như thế nào, vấn đề này cũng cần được làm rõ.
Cùng với đó, điều phụ huynh quan tâm nhiều hơn là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp, chế tài quản lý nhiều khoản đóng góp ngoài học phí trong nhà trường, tránh dẫn tới tình trạng “lạm thu”.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, khi đã miễn học phí, Bộ cần minh bạch về những khoản phụ thu bắt buộc để người dân được biết, tránh những khoản phí vô lý về sau.
Ngoài ra, bà An cũng kiến nghị nếu như chưa thể triển khai việc miễn học phí cho học sinh thì trước mắt nên xem xét dành một khoản tài chính để chi vào việc mua sách giáo khoa, xây dựng thư viện để học sinh có thể mượn sách miễn phí.
Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) bày tỏ sự vui mừng và đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Tôi đồng tình với đề xuất này, không chỉ miễn học phí cấp trung học cơ sở mà tiến tới nên triển khai miễn ở cấp học khác nữa, như trung học phổ thông chẳng hạn. Có như vậy, phụ huynh mới giảm bớt được một phần gánh nặng khoản chi đầu năm học mới, đặc biệt với những gia đình hoàn cảnh khó khăn", Đại biểu nói.