Ý tưởng từ chuyến du lịch tình cờ
Trong lúc nhiều bạn bè đồng trang lứa còn đang mải mê theo đuổi những sở thích cá nhân, có những cô cậu học trò 13, 14 tuổi ngày ngày dành thời gian miệt mài cho những điều thật ý nghĩa. Đó là những thành viên năng động của dự án “Máy tính cho trường học” với tên gọi “Brown Bear Computers”.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng thôi thúc thành lập dự án, Trưởng nhóm Hoàng Minh Khôi (13 tuổi, học sinh lớp 8, Trường Quốc tế Hà Nội - Hanoi International School) nhớ lại: “Trong một chuyến du lịch cùng mẹ lên Điện Biên vào đầu năm 2021, em đã tình cờ ghé thăm một ngôi trường nhỏ. Điều khiến em ngạc nhiên nhất, chính là hình ảnh về cuộc sống thiếu thốn của các bạn nhỏ nơi đây. Cả ngôi trường có khi không có nổi một chiếc máy tính, các bạn học sinh đều rất “lạ lẫm” đối với máy tính và mạng internet. Em thực sự thấy các bạn quá thiệt thòi...
Cậu học trò 13 tuổi Hoàng Minh Khôi nảy ra ý tưởng sửa máy tính tặng học sinh vùng khó từ chuyến du lịch Điện Biên. (Ảnh: Ngân Chi). |
Trở lại Hà Nội, nhưng hình ảnh ấy cứ hiện lên trong tâm trí em mãi không thôi... Và em nảy ra ý định, sẽ xin máy tính cũ đã qua sử dụng và tìm cách sửa lại để tặng cho những ngôi trường tương tự, cho những bạn học sinh ở những vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh có thể sử dụng máy tính để học trực tuyến, tiếp cận giáo dục qua mạng internet, cũng như có điều kiện học tập tốt hơn”.
Nghĩ là làm, Minh Khôi ngay lập tức gọi điện cho những người bạn của mình, để chia sẻ ý tưởng. Chỉ hai tháng sau đó, tháng 3/2021, Khôi và những người bạn chung chí hướng đã thành lập nhóm và cùng triển khai dự án “Máy tính cho trường học”.
Sau khi kêu gọi trên Website, Facebook và Youtube, dự án đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều cá nhân, tổ chức, hàng chục chiếc máy tính được gửi về. Theo Minh Khôi, có những chiếc máy tính còn tốt, cũng có những chiếc máy tính bị hư hỏng nặng, cố gắng khắc phục không được thì chỉ có thể tháo ra để lấy linh kiện. Nhờ vậy, từ hơn một năm qua, nhóm chưa phải mua linh kiện nhiều, chỉ có một vài lần, không thể tận dụng từ các máy tính đã hư hỏng nặng, Minh Khôi mới phải tự bỏ “tiền túi” ra mua.
Điều đặc biệt ở dự án này, là những thành viên đầu tiên đều ở độ tuổi 13-14. Một thời gian sau, dự án mới mở rộng thành viên, có thêm nhiều thành viên trong độ từ 13-17 tuổi. Tất cả đều là học sinh trung học, và hầu hết đều tự mày mò cách sửa trên mạng.
Nhóm học sinh từ 13-17 tuổi tự mày mò, học cách sửa máy tính cũ. (Ảnh: NVCC). |
Nói về lý do tham gia dự án, nữ sinh Huỳnh Chi Mai (Trường Trung học phổ thông Việt Đức) cho biết: “Trước đây, em đã từng có một khoảng thời gian làm việc ở Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên, nên khi tình cờ biết “Brown Bear Computers” qua fanpage, em cảm thấy đây là một dự án rất ý nghĩa. Lại có một điều khiến bản thân em rất ngạc nhiên, đó là những thành viên trong dự án đều còn rất ít tuổi, chỉ từ 13-14, mà đã có những suy nghĩ sâu sắc và muốn có hành động vì cộng đồng.
Học sinh Huỳnh Chi Mai tham gia dự án “Brown Bear Computers” và bày tỏ sự ngạc nhiên khi các bạn học sinh còn ít tuổi đã có những hành động quan tâm đến cộng đồng. (Ảnh: NVCC). |
Vậy nên, em quyết định tham gia với nhóm, với hy vọng, cả nhóm có thể phần nào giúp đỡ học sinh vùng khó khăn được tiếp cận nhiều hơn với máy tính, nhiều hơn với công nghệ. Bởi sau những năm đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng em đều nhận thức được rằng, công nghệ rất hữu dụng và quan trọng, nên từ đó, việc giúp đỡ các bạn học sinh có đầy đầy đủ thiết bị để học online hay tiếp cận gần hơn với công nghệ là việc rất ý nghĩa”.
Cậu học trò Hoàng Minh Khôi cũng bộc bạch: “Thực tế, em chưa từng được tiếp cận với lĩnh vực này trước đó. Nên khi nảy ra ý tưởng, em dành thời gian tìm hiểu các kiến thức, xem kỹ các clip hướng dẫn trên mạng rồi mày mò tự tìm cách khắc phục lỗi, hư hỏng của mỗi chiếc máy tính. Sau khi đã thành thạo sửa những lỗi cơ bản, em chỉ thêm cho các bạn để có thêm nhân lực. Chủ yếu là chúng em tự học qua trải nghiệm bản thân và chỉ dẫn cho nhau.
Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, cả nhóm hầu như không thể tập trung với nhau để làm việc, nên hầu như bọn em chỉ có thể họp online, trao đổi các vấn đề và chờ đợi thời gian thuận lợi nhất để cùng nhau trực tiếp sửa chữa máy tính”.
Những chuyến đi mang công nghệ đến các điểm trường
Mặc dù mới chỉ là những cô cậu học trò nhỏ, Minh Khôi cùng những người bạn thân thiết đã và đang dùng chính những hành động thực tế của mình thực hiện mục tiêu đã đặt ra “giúp đỡ các bạn học sinh nghèo được tiếp cận công nghệ thông tin để học tập tốt hơn”.
Chỉ hơn một năm kể từ khi chính thức ra đời, “Brown Bear Computers” đã nhận được 37 máy tính cũ và 55 triệu đồng để mua thêm quà tặng cho các bạn học sinh nghèo. Nhóm đã trực tiếp mang 14 chiếc máy tính trao tặng cho 7 điểm trường vùng khó tại tỉnh các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên..., nơi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số với điều kiện sinh hoạt, học tập khó khăn.
Chuyến thiện nguyện trao tặng 2 máy tính và 400 đầu sách cho Thư viện cùng nhiều dụng cụ học tập cho các em học sinh Trường Tiểu học Lũng Luông (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) ngày 14/5/2022. (Ảnh: NVCC). |
Không chỉ tặng máy tính tại các trường mầm non, tiểu học, nhóm “Brown Bear Computers” trao thêm những chiếc USB, sách và dụng cụ học tập cho học sinh. Đồng thời, nhóm còn gửi tặng sách hướng dẫn và tận tình chia sẻ để thầy cô giáo và các bạn học sinh sử dụng máy tính một cách dễ dàng nhất, truy cập mạng internet để tìm kiếm tài liệu học tập, cách sử dụng email...
Với những chiếc máy được các thành viên dự án dành thời gian có khi cả tháng trời tìm cách sửa chữa, Minh Khôi bày tỏ: “Em hy vọng, những chiếc máy tính sẽ hỗ trợ các thầy cô soạn bài và giảng bài tốt hơn, giúp các bạn học sinh học tập dễ dàng hơn”.
Học sinh tại các điểm trường đều rất thích thú và tò mò khi được nhận máy tính. (Ảnh: NVCC). |
Nhắc đến một kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến đi kiến tạo giấc mơ cho các bạn đồng trang lứa, Minh Khôi hào hứng chia sẻ: “Em nhớ nhất là chuyến đi Sơn La vào cuối năm 2021, Hôm ấy, em phải dậy từ rất sớm, khoảng 3 giờ sáng là em đã bắt đầu cùng mọi người rục rịch lên đường. Cung đường hôm đó cũng khá gian nan, đường đi khấp khểnh, gập ghềnh, nhất là khúc leo núi giữa màn sương mù dày đặc, có nhiều đoạn khiến em như “thót tim”.
Có một sự cố, là lúc vừa đến điểm trường, một hộp cây máy tính bị văng ra, rất may là em sẵn mang theo bộ đồ nghề, nên đã rất nhanh chóng khắc phục được.
Sau khi trao tặng máy tính cho điểm trường, đoàn ngay lập tức trở về nhưng khi đặt chân đến Hà Nội cũng đã gần qua ngày hôm sau. Tuy những hành trình khá dài nhưng em không cảm nhận được chút mỏi mệt nào. Vì mỗi chuyến đi lại mang thật nhiều ý nghĩa, và chúng em lại được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ của các bạn học sinh khi được nhận máy tính. Các em nhỏ rất thích thú và tò mò, khi chúng em hướng dẫn cách sử dụng là các em ấy đều xúm lại để quan sát, thậm chí có em còn reo lên khe khẽ...”.
Mỗi hành trình lại viết tiếp những câu chuyện sẻ chia, nhân lên những hy vọng cho học sinh vùng khó. (Ảnh: NVCC). |
“Chúng em rất mong, sẽ ngày càng có nhiều người biết đến hoạt động của nhóm, từ đó trao tặng thêm nhiều máy tính hơn. Chúng em cũng sẽ kêu gọi thêm các bạn cộng tác viên giúp hỗ trợ sửa máy tính để có thêm nhiều máy tính tặng cho các bạn học sinh vùng cao khó khăn. Dự định trong thời gian tới của nhóm là trao tặng máy tính cho các trường trung học cơ sở vùng khó, vì hiện tại chúng em mới đang dừng ở cấp tiểu học”.
Bên cạnh ý nghĩa của hoạt động trao tặng máy tính, Minh Khôi cũng cho biết: “Em hy vọng, dự án của chúng em sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người cùng giúp đỡ cho các bạn học sinh nghèo miền núi. Hơn nữa, chúng em cũng mong muốn, khi tái sử dụng những chiếc máy tính cũ, sẽ góp phần làm giảm lượng rác thải điện tử ra môi trường”.
Đại diện Điểm trường bản Pú Khớ (Trường Mầm non Hua Nguống, Mường Ảng, Điện Biên) bày tỏ: “Chúng tôi rất vui khi có đoàn đến trao tặng máy tính bàn và máy tính xách tay. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, các em có thể xem thêm video qua máy tính, việc dạy và học sẽ thực tế và sinh động hơn, giúp các em phát triển về ngôn ngữ, nhận thức, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường và đáp ứng yêu cầu về công nghệ thông tin.
Trên điểm bản này, gần như không có điện thoại thông minh, máy tính hay ti vi, nên khi được nhận máy tính, cả cô trò đều rất vui, đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, học sinh có máy tính học sẽ tạo được nhiều hứng thú hơn”.