Hải Phòng kiến nghị nhiều giải pháp để triển khai CTGDPT 2018 giai đoạn tới

09/02/2023 06:48
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi khảo sát cơ sở vật chất, lắng nghe ý kiến của giáo viên về việc thực hiện CTGDPT 2018 của ngành GD Hải Phòng.

Ngày 8/2, Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Hải Phòng.

Phía thành phố Hải Phòng có ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố; ông Lã Thanh Tân, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện Ủy ban nhân dân quận Lê Chân và các đơn vị liên quan…

Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Ảnh: CTV)

Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Ảnh: CTV)

Tại buổi khảo sát, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2586/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 27/11/2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thực hiện việc rà soát, tăng cường bổ sung cơ sở vật chất; Rà soát, tăng cường đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng (tối thiểu), đáp ứng yêu cầu về đội ngũ.

Triển khai lựa chọn môn học, hướng nghiệp, phân luồng học sinh, việc đón chương trình và sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức nhiều hoạt động quán triệt, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở cũng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục các môn học; tập huấn giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Phạm Linh)

Về cơ bản, việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay đã tạo được những chuyển biến tích cực cho ngành giáo dục và đào tạo thành phố.

Cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn thành phố ngày càng được quan tâm đầu tư. Trình độ cán bộ quản lý giáo dục, năng lực giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.

Việc đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó tạo được niềm tin trong nhân dân cũng như cha mẹ học sinh đối với ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục Hải Phòng cũng gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên…

Trước những khó khăn trên, thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; có cơ chế, chính sách phù hợp cho đội ngũ giáo viên.

Thành phố Hải Phòng cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu; các chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên khu vực khó khăn.

Có phương án bổ sung nguồn tuyển giáo viên, bổ sung giáo viên còn thiếu so với định mức từng cấp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể về cơ cấu, số lượng giáo viên dạy Tin học và Công nghệ.

Tham mưu Chính phủ xem xét tăng chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục và đào tạo, xây dựng vị trí việc làm cho giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật cấp trung học phổ thông, giáo viên thực hiện giảng dạy hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp…

Cũng tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã khảo sát thực tế cơ sở vật chất tại Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn.

Đồng thời, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của ngành giáo dục thành phố cũng như các thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đoàn công tác thăm quan thư viện của nhà trường (Ảnh: CTV)

Đoàn công tác thăm quan thư viện của nhà trường (Ảnh: CTV)

Đoàn công tác khảo sát thực tiễn công tác dạy và học của Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn(Ảnh: Phạm Linh)

Đoàn công tác khảo sát thực tiễn công tác dạy và học của Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn(Ảnh: Phạm Linh)

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận sự tâm huyết, trách nhiệm của ngành giáo dục thành phố Hải Phòng trong công tác triển khai chương trình mới: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hiện thân của sự đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Quá trình thực hiện, các thầy cô phải có tâm huyết, sự sáng tạo như các thầy cô đang làm để làm sao tạo ra được kết quả tốt và đương nhiên trong quá trình làm sẽ có những khó khăn.

Về ý kiến kiến nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng rất cụ thể, đưa ra những vấn đề cốt yếu.

Qua quá trình làm việc với địa phương, chúng tôi sẽ có kiến nghị với Đảng, Nhà nước khi thực hiện tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29”.

Phạm Linh