HS lớp 10 xin chuyển tổ hợp môn: Các trường cần Bộ GD sớm có hướng cụ thể

30/11/2022 06:36
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi học sinh có nguyện vọng chuyển tổ hợp, các nhà trường gặp khó trong việc sắp xếp giáo viên và nếu dạy ngoài chính khoá thì thời gian và chi phí như thế nào?

Sau khi hoàn thành bài kiểm tra định kỳ đầu tiên của năm học 2022 – 2023, tại một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hải Phòng có tình trạng học sinh muốn xin chuyển tổ hợp môn.

Mặc dù chỉ có khoảng 2, 3 học sinh có nguyện vọng nhưng để giải quyết chuyển sang tổ hợp môn mới kéo theo nhiều khó khăn cho các nhà trường như việc học sinh sẽ phải học bù môn trong tổ hợp mới vậy sắp xếp giáo viên như thế nào, thời gian dạy và nếu học ngoài giờ chính khoá thì chi phí sẽ do ai trả?

Chưa kể đến sau khi thực hiện phân tổ hợp, một số trường đang trong tình trạng thiếu giáo viên nên việc giải quyết cho học sinh chuyển tổ hợp môn rất khó.

Ghi nhận của phóng viên tại Trường Trung học phổ thông An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng), sau khi có điểm kiểm tra giữa học kỳ I, nhà trường nhận được nguyện vọng chuyển tổ hợp của 2 học sinh.

Đối với trường hợp những học này, ban giám hiệu nhà trường trực tiếp gặp gỡ để tư vấn giúp phụ huynh và học sinh hiểu, động viên các em tiếp tục học tập theo tổ hợp môn đã chọn.

Học sinh có nguyện vọng chuyển tổ hợp môn khiến nhà trường gặp khó về việc sắp xếp đội ngũ, thời gian và chi phí cho việc dạy học bổ sung (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Học sinh có nguyện vọng chuyển tổ hợp môn khiến nhà trường gặp khó về việc sắp xếp đội ngũ, thời gian và chi phí cho việc dạy học bổ sung (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

“Trước đó vào ngày 1/8, nhà trường đã tổ chức tư vấn cho phụ huynh và học sinh về việc chọn tổ hợp trong đó có quán triệt sau khi lựa chọn tổ hợp môn sẽ không thể thay đổi được.

Không chỉ vậy, việc chuyển trường cũng rất khó khi học sinh phải chọn trường có tổ hợp tương tự với trường đang học.

Học sinh và phụ huynh có 1 tháng để cân nhắc rồi mới chọn tổ hợp phù hợp với năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Thực tế nếu chuyển tổ hợp môn, học sinh sẽ không có đủ điểm kiểm tra định kỳ và phải học bù kiến thức trong tổ hợp mới.

Từ đó, câu chuyện được đặt ra là ai sẽ là người dạy bổ sung chương trình và học sinh sẽ theo học vào thời gian như thế nào?

Giáo viên dạy bổ sung kiến thức ngoài giờ cho học sinh sẽ phải có chế độ, chính sách riêng vậy ai là người phụ trách.

Tại trường, do đã được tư vấn kỹ trước khi chọn tổ hợp nên sau khi kiểm tra giữa kỳ I, trường chỉ nhận được nguyện vọng xin chuyển của 1, 2 học sinh.

Ban giám hiệu nhà trường đã gặp gỡ phụ huynh, học sinh để tư vấn, động viên cho các em hiểu và hiện không thay đổi tổ hợp nữa”.

Còn tại Trường Trung học phổ thông Lê Ích Mộc (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), hiện nhà trường không có học sinh nào đề đạt nguyện vọng việc chuyển tổ hợp môn nhưng để có phương án giải quyết, nhà trường mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể.

Thầy Quách Tân Bình – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Ích Mộc cho biết: “Từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tư vấn kỹ cho học sinh và phụ huynh nên sau khi có kết quả kiểm tra giữa học kỳ I, hiện không có học sinh nào đề đạt nguyện vọng chuyển tổ hợp.

Trong trường hợp học sinh có nguyện vọng xin chuyển tổ hợp, nhà trường sẽ tư vấn, động viên các em tiếp tục theo tổ hợp đã chọn.

Nếu chuyển tổ hợp, học sinh sẽ phải học bù lại kiến thức của những môn không có trong tổ hợp đã chọn kéo theo đó là nhiều vấn đề khó là việc sắp xếp giáo viên bổ sung kiến thức và không có kinh phí để chi trả cho việc dạy bổ sung chương trình.

Nhà trường rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để có hướng giải quyết các trường hợp học sinh xin chuyển tổ hợp”.

Một số trường tổ chức rà soát lại nguyện vọng của học sinh (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Một số trường tổ chức rà soát lại nguyện vọng của học sinh (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Ghi nhận thêm tại Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), sau khi một số học sinh bày tỏ nguyện vọng xin chuyển tổ hợp môn, nhà trường đã lên kế hoạch rà soát lại toàn bộ học sinh khối lớp 10 để hỗ trợ tư vấn, định hướng để tránh tình trạng học sinh chọn tổ hợp không phù hợp với năng lực.

Căn cứ đánh giá học sinh sẽ dựa trên điểm số của bài kiểm tra giữa học kỳ I, khả năng và năng lực tiếp thu kiến thức bộ môn.

Theo thầy Vũ Hồng Tiệp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, trường hiện có đơn của 1 em học sinh có nguyện vọng chuyển từ tổ hợp tự nhiên sang tổ hợp xã hội: “Tôi nghĩ các nhà trường nên cân nhắc nguyện vọng chính đáng của học sinh bởi những em học môn không phù hợp với năng lực sẽ rất mệt, việc không thể tải được kiến thức, áp lực dẫn đến việc tâm lý bất ổn, có thể là trầm cảm.

Theo tinh thần, trách nhiệm và kinh nghiệm thì nhà trường phải giải quyết nguyện vọng của học sinh nên dù là một học sinh có nguyện vọng thì trường vẫn chuyển.

Trong đó, đảm bảo học sinh có kiến thức, có điểm kiểm tra và khi chuyển tổ hợp môn không bị hẫng”.

Về phương án bổ sung kiến thức cho học sinh, nhà trường động viên giáo viên cùng nhau dành thời gian để dạy, đảm bảo học sinh có kiến thức nền của môn.

Như vậy, học sinh sẽ phải học bổ sung kiến thức của môn Địa lý và Giáo dục kinh tế và pháp luật của tổ hợp xã hội.

Hiện, trường có 3 giáo viên Địa lý và 2 giáo viên Giáo dục kinh tế và pháp luật, các thầy cô sẽ cùng nhau dạy bổ sung kiến thức ngoài giờ và linh hoạt hình thức như giao bài tập trực tuyến, dạy trực tuyến tại nhà, hỗ trợ sách tham khảo.

Theo chương trình, hiện mỗi môn đã học được 12 tiết nên nếu các thầy cô luân phiên dạy mỗi người/buổi thì lượng công việc không quá lớn.

Nhà trường sẽ giám sát kết quả học bổ sung và lên kế hoạch thời gian cụ thể để học sinh bổ sung điểm của bài kiểm tra giữa học kỳ I.

Cũng theo thầy Tiệp, trường mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể về việc học sinh xin chuyển tổ hợp môn để có sự đồng bộ giữa các nhà trường.

Phạm Linh