Đổi mới môn Văn: Không còn tình trạng HS viết càng dài càng được điểm cao

27/11/2022 06:54
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Thay đổi môn Ngữ văn khó nhưng cần thiết để giúp học sinh thoát khỏi lối học thuộc lòng, phát huy sáng tạo, có không gian thể hiện cái tôi của mình.

Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Hà Hương Ly giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) sau một thời gian thực hiện giảng dạy môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô giáo Nguyễn Hà Hương Ly cho rằng sự thay đổi của môn Ngữ văn khó nhưng rất cần thiết (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Nguyễn Hà Hương Ly cho rằng sự thay đổi của môn Ngữ văn khó nhưng rất cần thiết (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Hương Ly cho biết: “Với cương vị giáo viên, bước đầu nghiên cứu, tiếp cận với sách giáo khoa mới, chương trình mới môn Ngữ văn sẽ không tránh khỏi hoang mang nhưng tôi vẫn cảm thấy hứng thú và kỳ vọng vào sự thay đổi này.

Môn Ngữ văn mang đến hướng đi hoàn toàn khác so với chương trình cũ và thoát ra khỏi lối kiểm tra đánh giá theo hệ thống những tác phẩm đã học.

Qua đó, buộc học sinh phải có được năng lực, kiến thức chung về loại thể để giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến những loại thể mà các em được học chứ không cụ thể vào một tác phẩm nào cả.

Song song với đó, giáo viên cũng phải thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy học. Đi từ đào sâu kiến thức của một tác phẩm làm ví dụ để hướng dẫn học sinh phương pháp tiếp cận với loại thể.

Chương trình mới có cái khó nhưng rất cần thiết để giúp học sinh thoát khỏi lối học thuộc lòng, phát huy sự sáng tạo và có không gian để thể hiện cái tôi của mình.

Trong một tiết học, các em được có quan điểm riêng của mình chứ không quá lệ thuộc vào kiến thức thầy cô cung cấp như trước đây nữa.

Quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy một điểm rõ nét nữa là học sinh không phải ghi chép quá nhiều và có nhiều thời gian để tư duy.

Không chỉ là khả năng cảm thụ văn bản mà còn có khả năng tư duy để sau này khi kiểm tra đánh giá học sinh có thể sắp xếp các thông tin, biết cách trình bày một vấn đề.

Đặc biệt, học sinh hăng hái phát biểu, chia sẻ cảm nhận, luận điểm của bản thân hơn, nhất là nhiều bạn học sinh nam không còn tâm lý sợ môn Văn.

Ví dụ, như khi học sinh học bài thơ mới “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, các em sẽ có kỹ năng đọc một bài thơ trữ tình như thế nào, chiến thuật đọc là gì và làm những bước nào để tiếp cận với bài thơ trữ tình.

Giáo viên sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về đặc điểm của thơ mới, có kỹ năng, kiến thức chung để tìm hiểu tất cả tác phẩm thơ mới khác.

Thực tế quá trình giảng dạy, cùng một văn bản nhưng nhiều học sinh sẽ có nhiều hướng tìm hiểu rất mới, độc đáo mà đôi khi giáo viên phải học lại học sinh.

Ví dụ như khi học bài thơ haiku “Chậm rì, chậm rì/ Kìa con ốc nhỏ trèo núi Fuji”, tôi hướng dẫn học sinh về tương quan giữa cái nhỏ bé và cái lớn lao, hành trình chinh phục những ước mơ, đích đến lớn lao của con người.

Tuy nhiên, một học sinh lại đưa ra ý kiến về tương giao giữa cái động và cái tĩnh, gửi gắm thông điệp ước mơ, đích đến thì luôn bất động ở đó và con người phải chủ động chinh phục đích đến của mình. Đây là luận điểm mà trước đấy chính bản thân tôi cũng chưa nghĩ đến.

Ở một khía cạnh khác, môn Ngữ văn hiện tại có những nét tương đồng với môn tự nhiên, giáo viên sẽ cung cấp cho học sinh công thức, đường đi để các em tự tìm đến đích của mình.

Các tác phẩm học trong sách giáo khoa chỉ đóng vai trò ví dụ giúp học sinh rút ra được công thức chung, phương pháp chung để vận dụng giải quyết các tác phẩm khác.

Sẽ không còn câu chuyện học tủ, học thuộc lòng hay văn mẫu nữa mà chỉ có công thức chung và học sinh phải chủ động, sáng tạo trong lối viết của mình”.

Giáo viên bày tỏ sự kỳ vọng vào một môn Ngữ văn mới hấp dẫn hơn, đánh tan tâm lý sợ văn của học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Giáo viên bày tỏ sự kỳ vọng vào một môn Ngữ văn mới hấp dẫn hơn, đánh tan tâm lý sợ văn của học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Sau khi học sinh làm bài kiểm tra đánh giá định kỳ đầu tiên theo chương trình mới, theo cô giáo Hương Ly, đây là cơ sở quan trọng để giáo viên có sự điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh thích nghi với sự thay đổi: “Ngay từ những buổi học đầu tiên, tôi đã trò chuyện, chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh tâm thế khi tham gia kiểm tra đánh giá có thể gặp tác phẩm chưa bao giờ đọc đến.

Về cấu trúc đề thi theo chương trình mới, sẽ có từng cấp độ, để đạt được điểm trung bình, khá không phải là khó.

Trước đây, những học sinh viết càng dài thì càng được điểm cao còn bây giờ sẽ giới hạn dung lượng trong khoảng 500 chữ. Bài vận dụng cao nên yêu cầu học sinh khả năng chọn lọc ý, lối viết hàm xúc hơn.

Câu hỏi trắc nghiệm được xâu chuỗi lại những câu hỏi đọc hiểu, tái hiện lại quá trình đọc hiểu văn bản để tiếp cận đến giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó. Từ kết quả của việc đọc đó, học sinh sẽ lấy đó là căn cứ để thực hành bài viết.

Việc học văn bây giờ không chỉ gói gọn trong kiến thức của môn Ngữ văn nữa mà ưu tiên hơn phát triển kỹ năng ngôn ngữ của học sinh để phục vụ cho cuộc sống sau này.

Theo đó, học sinh học môn Ngữ văn cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không có áp lực học thuộc lòng và có kỹ năng để đạt được khoảng 70 - 80% đề thi nhưng sau cấp độ đó sẽ phân hoá rất rõ.

Sau khi kiểm tra giữa học kỳ I, kết quả môn Ngữ văn khá tốt, ở lớp tôi đang giảng dạy, chỉ có vài học sinh ở khung điểm 7 còn lại đều 8, 9 điểm kể cả đối với các lớp tự nhiên”.

Cuối tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Trong đó nhấn mạnh việc tránh dùng các văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học. Việc này nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Phạm Linh