Hải Phòng nỗ lực xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia

14/12/2022 06:33
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các địa phương tại Hải Phòng đã dành mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung đội ngũ giáo viên để xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Xác định việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, vì vậy những năm gần đây, thành phố Hải Phòng luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho lĩnh vực này.

Số trường công lập đạt chuẩn chiếm 66,8%

Việc xây dựng trường học theo các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành được cả hệ thống chính trị của thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Do đó, thành phố Hải Phòng ưu tiên dành mọi nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên…

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đạt được chỉ tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra việc dạy và học trực tiếp tại Hải Phòng vào đầu tháng 2/2022 (Ảnh: CTV)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra việc dạy và học trực tiếp tại Hải Phòng vào đầu tháng 2/2022 (Ảnh: CTV)

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy-học của giáo viên và học sinh.

Các trường được kết nối mạng internet, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Hệ thống thư viện trong các nhà trường được quan tâm xây dựng, nâng cấp, từng bước được chuẩn hóa; nhà vệ sinh và công trình nước sạch học đường được quan tâm xây dựng, sửa chữa.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, tính đến ngày 05/12/2022, toàn thành phố có 476/712 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; trong đó có 425 trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; 51 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đánh giá và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia cho 18 trường, trong đó có 13 trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 và 5 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Để đạt được kết quả này, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và các địa các địa phương đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân, để đáp ứng yêu cầu các tiêu chí theo thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng đã tham mưu Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân quan tâm, tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các trường;.

Đồng thời, nâng cấp, xây dựng mới cảnh quan, khuôn viên, đáp ứng các tiêu chí theo chuẩn mới; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học.

Cùng với đó, phòng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn;

Phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu Uỷ ban nhân dân quận bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu…

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, hiện nay, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn nghiệp vụ đánh giá ngoài cơ bản đáp ứng được công tác đánh giá ngoài và công nhận trường chuẩn quốc gia.

Hải Phòng đã có 66,8% số trường đạt chuẩn Quốc gia (Ảnh: Lã Tiến)

Hải Phòng đã có 66,8% số trường đạt chuẩn Quốc gia (Ảnh: Lã Tiến)

Tuy nhiên, cán bộ ngành luôn có sự thay đổi (do nhiều lý do khác nhau như về hưu, luân chuyển, chuyển công tác, nghỉ hưu,...) đã ảnh hưởng đến việc chỉ đạo thực hiện cũng như việc thành lập Đoàn đánh giá ngoài.

Bên cạnh đó, biên chế cho công tác Kiểm định chất lượng của các Phòng Giáo dục và Đào tạo không có hoặc phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác, nên một số phòng Giáo dục chưa làm tốt việc thẩm định sơ bộ báo cáo tự đánh giá.

Hơn nữa, ngành giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Công tác kiểm tra các cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng sau khi được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn Quốc gia chưa được thực hiện thường xuyên.

Việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia tại Hải Phòng hiện còn đang gặp một số khó khăn, thách thức (Ảnh: Lã Tiến)

Việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia tại Hải Phòng hiện còn đang gặp một số khó khăn, thách thức (Ảnh: Lã Tiến)

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, thực tế hiện nay, đối với các trường nội thành, phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ nhưng thiếu diện tích sân chơi, bãi tập; Số học sinh, số lớp vượt quá so với quy định.

Đối với các trường ngoại thành, diện tích đảm bảo, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát song cơ sở vật chất, thiết bị lại nghèo nàn, đa phần là đã cũ, chưa được bổ sung, thay thế.

Ngoài ra, việc áp dụng đánh giá chuẩn cơ sở vật chất theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT còn gặp nhiều khó khăn do yêu cầu tiêu chuẩn quá cao, các nhà trường khó đáp ứng (ví dụ về diện tích phòng học: không dưới 1,5m2/ học sinh; quy định về số lượng phòng học bộ môn…).

Đặc biệt, tình trạng nhiều trường dù đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng sau nhiều năm cơ sở vật chất đã xuống cấp.

Về đội ngũ, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều cấp học, bậc học, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ và tin học.

Việc quy định về sĩ số lớp, số lớp, nhóm lớp tối đa gây khó khăn cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đối với nội thành, đa phần số lớp vượt quá so với quy định.

Một số cơ sở giáo dục mới được sáp nhập, trường tư thục, trường phổ thông có nhiều cấp học, do nhiều lý do khác nhau, còn lúng túng khi triển khai hoạt động tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài.

Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà trường còn hạn chế, đa phần từ nguồn đầu tư công. Một số huyện được đầu tư đồng bộ hơn do có kinh phí từ nguồn xây dựng nông thôn mới…

LÃ TIẾN