Hải Phòng: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

07/12/2022 06:55
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng xây dựng các tiêu chí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cụ thể.

Nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm giúp trẻ phát triển toàn diện

Để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường mầm non tại Hải Phòng đã tập trung nâng cao chất lượng các chuyên đề, tạo môi trường hoạt động trong và ngoài lớp học, tăng cường các hoạt động vui chơi trải nghiệm giúp trẻ phát triển toàn diện.

Giáo viên các nhà trường có nhiều tiến bộ, tích cực đổi mới trong tổ chức hoạt động giáo dục trẻ, bước đầu tiếp cận được với nội dung, phương pháp giáo dục theo quan điểm "lấy trẻ làm trung tâm".

Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 có nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm giúp trẻ phát triển toàn diện (Ảnh: Lã Tiến)

Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 có nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm giúp trẻ phát triển toàn diện (Ảnh: Lã Tiến)

Nhà trường có nhiều hoạt động chăm sóc giáo dục tiến bộ, linh hoạt, sáng tạo giúp trẻ chủ động, mạnh dạn giao tiếp; nền nếp thói quen học tập được hình thành rõ nét, nhất là đối với trẻ 5 tuổi.

Việc xây dựng môi trường giáo dục giúp trẻ có những trải nghiệm trong những năm đầu đời phù hợp với mức độ phát triển của trẻ được các nhà trường chú trọng.

Trẻ đều được tạo cơ hội học tập vui chơi bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ.

Cô giáo Vũ Thị Thuý Nga - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 (quận Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ: “Như chúng ta đã biết “một nhân cách tốt sẽ nảy nở trong một môi trường thân thiện”, trường mầm non là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ.

Vì vậy chúng ta cần tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất để đặt viên gạch đầu tiên trên con đường hình thành nhân cách của trẻ thơ - những mầm non tương lai của đất nước”.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 xác định tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Vì thế, trong các hoạt động, giáo viên nhà trường chú trọng thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Thông qua các hoạt động, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.

Học sinh Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 (quận Lê Chân, Hải Phòng) được chăm sóc, giáo dục tốt (Ảnh: Lã Tiến)

Học sinh Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 (quận Lê Chân, Hải Phòng) được chăm sóc, giáo dục tốt (Ảnh: Lã Tiến)

Tại Trường Mầm non Bắc Sơn (quận Kiến An), hiện nay nhà trường có môi trường giáo dục khang trang, sạch đẹp, an toàn; khu vực chơi, góc học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện giúp trẻ phát triển, thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết, kích thích hoạt động tích cực, sáng tạo.

100% các lớp trong trường được thiết kế không gian trong lớp đảm bảo ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Đặc biệt, trường đưa cây xanh vào lớp học và khu vệ sinh của trẻ tạo không gian gần gũi thân thiện với thiên nhiên. Mỗi lớp học có cách sắp xếp các giá đồ chơi của trẻ khoa học, có kí hiệu cụ thể nhằm giúp trẻ lấy, cất và sử dụng đồ dùng thuận tiện.

Giáo viên thiết kế hệ thống bài tập tại các góc chơi của trẻ phù hợp theo từng lĩnh vực và từng độ tuổi.

Với đặc thù trường mầm non, các học liệu phục vụ nhu cầu học và chơi của trẻ cần phong phú đa dạng theo nội dung hoạt động, vì thế giáo viên nhà trường rất khéo tay, sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi đẹp mắt, phù hợp. Các cô tái sử dụng sản phẩm của trẻ trong việc xây dựng môi trường học tập.

Cô giáo Vũ Thị Hát - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Sơn cho biết: Với khuôn viên diện tích sân trường hẹp, nhà trường đã tận dụng không gian một cách triệt để nhằm cung cấp kiến thức, các ý tưởng sáng tạo của trẻ một cách tích cực.

Năm học 2021 - 2022 nhà trường đã cải tạo vườn thể chất thành khu trải nghiệm của trẻ, trong khu vườn trải nghiệm đó, trẻ có cơ hội được thực hành một số kĩ năng như: gieo hạt và theo dõi sự nảy mầm, chăm sóc cá, khám phá một số cây xanh và làm một số thử nghiệm khoa học...

Nhà trường đã tận dụng sân trường để tạo các trò chơi vận động cho trẻ: bật chụm, tách chân, bật liên tục qua các ô, đi trong đường/hình dích dắc...

Ban hành các tiêu chí cụ thể

Ngày 29/9/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.

Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch cụ thể chương trình "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021-2025 (Ảnh: Lã Tiến)

Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch cụ thể chương trình "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021-2025 (Ảnh: Lã Tiến)

Cụ thể, về xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục: bảo đảm gần gũi, thân thiện, an toàn về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ; trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh.

Những hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của giáo viên đối với trẻ và những người khác luôn phải mẫu mực để trẻ noi theo.

Môi trường vật chất trong lớp, ngoài lớp giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn, gây thương tích đối với trẻ em, đáp ứng nhu cầu, hứng thú trong các hoạt động chơi, ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân của trẻ; tạo điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi, phù hợp với điều kiện thực tế.

Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú.

Khuyến khích trẻ có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau; tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ hoạt động, trải nghiệm, khám phá dưới nhiều hình thức, nhằm hình thành ở trẻ các thói quen tốt trong sinh hoạt, bảo vệ sức khoẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần…

Về kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục: thể hiện nội dung giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, phát triển chương trình phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện thực tế của địa phương, trường/lớp.

Kế hoạch phải thể hiện tính tích hợp toàn diện, coi trọng việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực, kỹ năng sống cho trẻ; tạo sự gắn kết các nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tác động một cách thống nhất đồng bộ đến sự phát triển của trẻ.

Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động giáo dục bằng vận động thân thể và các giác quan dưới nhiều hình thức khác nhau…

Những tiêu chí để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được Hải Phòng quy định cụ thể (Ảnh: Lã Tiến)

Những tiêu chí để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được Hải Phòng quy định cụ thể (Ảnh: Lã Tiến)

Về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục: phối hợp các phương pháp, hình thức tổ chức hợp lý; tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”.

Tạo cơ hội để trẻ được tiếp cận, trải nghiệm, xử trí các tình huống có thể xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày và cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình.

Chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ…

Giáo viên tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ đúng lúc, không làm thay trẻ; bảo đảm tất cả các trẻ em đều được quan tâm mọi lúc, mọi nơi và không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau; tạo cho trẻ trạng thái thoải mái, an toàn khi tham gia các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục.

Các nhà trường phải thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng, sức khoẻ trong thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày phù hợp với điều kiện của trường, lớp và địa phương nhằm hình thành ở trẻ kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ sức khoẻ, có thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh…

Về đánh giá sự phát triển của trẻ: Các nhà trường phải đánh giá khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có; đánh giá kết quả giáo dục trẻ phải được dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ.

Các cơ sở giáo dục phải tôn trọng sự khác biệt của mỗi trẻ về cách thức, tốc độ học tập và phát triển riêng, bảo đảm công bằng với mọi trẻ; chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.

Sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ: Các trường cần đa dạng hình thức tuyên truyền tới cộng đồng, cha mẹ trẻ về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non, quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình.

Cần có mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa giáo viên, nhà trường, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ…

Huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong các hoạt động xây dựng môi trường an toàn, phòng chống dịch bệnh cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non.

LÃ TIẾN