Hành trình “túm đuôi trâu vào bản dạy chữ” của thầy Bình ở Huổi Luông

30/01/2023 06:44
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những năm đầu mới vào nghề, thầy Bình đã men theo bờ suối, theo đường trâu đi, có lúc túm đuôi trâu để vào những bản làng xa nhất của Mường Lèo dạy chữ.

Xã vùng cao biên giới Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) trong những ngày xuân về không khí sôi động, bà con phấn khởi; các thiếu nữ váy áo rực rỡ trên đường đến chợ; những đứa trẻ hồn nhiên khoe áo mới; những nếp nhà được thắp sáng ánh điện lưới quốc gia...

Đường vào điểm trường Huổi Luông, cách trung tâm xã Mường Lèo khoảng 15km - dẫu còn khó khăn nhưng đang dần được cải thiện cho việc đi lại thuận lợi hơn.

Huổi Luông là một điểm trường lớn của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo. Ở Huổi Luông, điện lưới quốc gia đã về bản vào tháng 9/2021, cũng từ đó việc dạy, việc học của thầy và trò ở điểm trường đỡ vất vả hơn xưa.

Tại điểm trường này, chúng tôi được gặp gỡ với thầy giáo Lò Văn Bình (sinh năm 1975, người dân tộc Thái, nhà ở bản Mạt, xã Mường Lèo) người đã có hơn 25 năm cống hiến cho giáo dục vùng cao.

Thầy giáo Lò Văn Bình - mặc áo xanh đeo thẻ chụp ảnh cùng phóng viên. Ảnh: Lò Thơ

Thầy giáo Lò Văn Bình - mặc áo xanh đeo thẻ chụp ảnh cùng phóng viên. Ảnh: Lò Thơ

Thầy Bình nhớ lại những ngày hồi mới nhận công tác, thầy phải men theo con suối Nậm Khún, xuyên qua những cánh rừng già và có lúc túm đuôi trâu, men theo đường trâu đi, để đến bản dạy học.

Những lớp học đầu tiên là những căn chòi nho nhỏ nằm giữa triền đồi do thầy giáo và bà con dân bản cùng góp công xây dựng.

Dựng lớp, có lớp rồi nhưng còn thử thách khác lớn hơn với thầy giáo Bình là việc vận động cho trẻ ra lớp, rồi việc vận động bà con đi học xóa mù gặp rất nhiều khó khăn.

Điểm bản lúc đó cũng không có hoạt động chợ búa, trao đổi hàng hóa thực phẩm (muốn mua phải đi phiên chợ rất xa) nên thầy Bình phải tự túc mọi thứ, tự trồng trọt, cân nhắc tính toán thực phẩm tích trữ để đảm bảo nhu cầu ăn, mặc, ở và dạy học.

Chưa kể việc bất đồng ngôn ngữ, thầy giáo lại là người ở bản khác, người dân chưa tin tưởng nên việc dạy học của thầy Bình gặp rất nhiều gian nan, vất vả.

Song song với việc dạy học cắm bản, đến hè, thầy Bình lại cuốc bộ 30 – 40 km đường rừng, đường suối về bản Mạt, sau đó bắt xe đi Sơn La để tiếp tục học nâng cao trình độ, phù hợp với yêu cầu của ngành giáo dục.

Thầy Bình cho biết, kỷ niệm lớn nhất trong những năm đầu đi dạy học của thầy là chuyện: có năm sau nghỉ Tết, quay trở lại điểm trường... thấy học sinh vắng đi quá nửa. Những năm ấy, sau kỳ nghỉ kéo dài, có học sinh lớp xóa mù bỏ học đi lấy chồng, có học sinh lại theo gia đình di cư đi vùng khác, người Mông lúc đó còn di cư tự do nhiều, nên việc tổ chức các lớp học nhiều vất vả.

Những lúc như vậy, thầy giáo lại phải lặn lội đi khắp các quả đồi, tìm học sinh về lớp. Cũng có khi bà con di cư, không quay lại nương đồi cũ, nên có một thời, các thầy phải dạy học theo những “lớp học đuổi theo nương” – nương lúa đến đâu, lớp học đến đấy.

Năm 2011, thầy Bình được bổ nhiệm làm công tác quản lý. Sau 2 nhiệm kỳ, trường sáp nhập, nhớ nghề thầy giáo cắm bản, thầy Bình có nguyện vọng trở lại làm giáo viên và lại tiếp tục vào Huổi Luông.

Khi được hỏi về việc tại sao lại lựa chọn lần nữa trở thành thầy giáo cắm bản, thầy Bình chỉ cười: “Nơi ấy có nhiều kỷ niệm về những tháng ngày gian khó, khổ mãi thành quen, mọi thứ cứ thế trôi qua từng năm học, tôi luôn trân trọng nghề dạy học và muốn gắn bó với điểm trường vùng khó”.

Thầy Lò Văn Bình (áo hồng, đang ngồi khu vực kiểm tra thân nhiệt) cùng học sinh Huổi Luông trong thời gian vừa học, vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid -19. Ảnh: NVCC

Thầy Lò Văn Bình (áo hồng, đang ngồi khu vực kiểm tra thân nhiệt) cùng học sinh Huổi Luông trong thời gian vừa học, vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid -19. Ảnh: NVCC

Nói về học trò, mắt thầy Bình ánh lên những niềm vui về sự trưởng thành của các em: “Hơn 25 năm cắm bản dạy học, đến giờ, đã có rất nhiều học trò trưởng thành, có học sinh đã tốt nghiệp Học viện Biên phòng, làm sĩ quan, cũng có người đã làm giáo viên, bí thư xã… “

Thầy Lò Văn Bình cũng tự hào khi cả 2 con của thầy đều đang công tác trong ngành giáo dục, theo nghề của bố. Người con trai làm giáo viên tiểu học tại huyện Sông Mã, còn con gái thầy là giáo viên dạy môn Tiếng Anh.

Tâm sự về nghề, thầy Bình bảo: “Nghề đã chọn mình nên khó khăn mãi cũng thành quen, bây giờ cuộc sống đã tốt hơn xưa nên học trò cũng được hưởng những chế độ giáo dục tốt hơn. Những khó khăn đã trải qua trở thành những kỷ niệm để tôi tiếp tục con đường giáo dục thôi.

Trước kia, giáo dục vùng khó tập trung vào dạy đọc, dạy viết, tính toán những phép tính đơn giản, nhưng theo quá trình phát triển, ngày nay học trò cần được giáo dục toàn diện, vì thế, vai trò của người thầy cũng nặng nề hơn.

Ở Huổi Luông, phòng học đã được kiên cố hóa, điện lưới cũng đã về. So với điều kiện dạy và học ngày trước thì đã khá hơn rất nhiều nhưng để đáp ứng được yêu cầu dạy và học của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chưa.

Điểm trường ở Huổi Luông đã kiên cố hóa, nhưng thiết bị dạy và học, cơ sở vật chất lớp học vẫn còn thiếu thốn. Ảnh: LC

Điểm trường ở Huổi Luông đã kiên cố hóa, nhưng thiết bị dạy và học, cơ sở vật chất lớp học vẫn còn thiếu thốn. Ảnh: LC

Đa số môn học, các thầy vẫn phải dạy chay. Chỉ hi vọng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có đầu tư để học sinh ở Huổi Luông nói riêng và học sinh vùng cao nói chung sẽ được tạo điều kiện hơn về cơ sở vật chất, để học tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Trong suốt những năm tháng cống hiến cho giáo dục của mình, thầy Bình cũng nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của ngành giáo dục, trong đó có kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng năm 2010.

Thầy Bình bảo, những ghi nhận đó là kỷ niệm, là sự động viên để thầy gắn bó hơn với nghề dạy học của mình.

Trần Phương