Hiền tài là nguyên khí Quốc gia, chân lý này không ai phản bác.
Nói “Tài hiền là nguyên khí Gia quốc” nghe có vẻ trái tai nhưng nghĩ vậy mà không phải vậy.
Nếu hiểu “Gia sản” là tài sản riêng của một dòng tộc, một gia đình thì “Gia quốc” cũng là quốc gia của một gia đình, rộng hơn một chút là của một nhóm người.
Vua chúa xưa thường nói “Giang sơn này là của Trẫm”, nghĩa là “Quốc gia” biến thành “Gia quốc”.
Khi giang sơn thuộc về một gia đình, một dòng tộc, một nhóm người thì công sản biến thành gia sản.
Không biết có phải vì thế mà các sử gia đưa vào sử liệu khái niệm “Triều Đinh”, “Triều Lê”, “Triều Lý”, “Triều Trần”, “Triều Mạc”, “Triều Nguyễn”,…
Triều Đinh chỉ tồn tại 22 năm từ năm 968 đến năm 980; Triều Mạc tồn tại từ năm 1527 đến năm 1592, tổng cộng là 66 năm không kể thời gian con cháu nhà Mạc rút về Cao Bằng tiếp tục chống lại nhà Hậu Lê (đến năm 1677).
Ảnh minh họa/internet |
Nếu chẳng may ở đâu đó, trong một khoảng thời gian không ngắn, quốc gia bị thao túng bởi “Nhóm lợi ích” cả về kinh tế, văn hóa và chính trị, có thể sau này các sử gia sẽ gọi giai đoạn lịch sử đó là “Triều Nhóm”?
Vào thời “Triều Nhóm”, những kẻ chỉ biết cúi đầu vâng, dạ, bảo sao nghe vậy chính là bọn “Tài hiền”, bọn ấy có cũng như không, ngày chỉ biết cắp ô, đêm chỉ biết cô đầu, vật vờ như cái bóng.
Khi quốc gia trở thành sân sau của phe nhóm, gia đình, dòng tộc thì đương nhiên hiền tài phải ra đi và “Tài hiền” trở thành nguyên khí.
Nếu có lúc nào đó “Hiền tài như lá thu; Tài hiền như cỏ dại” thì đó không phải là hạnh phúc mà là vô phúc cho quốc gia, dân tộc.
Ngay cả với nhóm không phải là “Tài hiền”, vẫn có người không ngại mà rằng: “Trí thức bây giờ dốt hơn trí thức ngày xưa”.
Tâm tư và Bướm chúa |
Chẳng biết nói thế có bao nhiêu phần đúng?
Giáo sư Hoàng Tụy trong bài: “Chỗ mạnh, chỗ yếu trong tâm lý con người Việt Nam khi đi vào thời đại văn minh trí tuệ” viết:
“Có lẽ do quá lâu quen sống trong cảnh nghèo thiếu nên người dân ta nhiều khi dễ nhẫn nhục an phận, dễ bằng lòng với những thay đổi nhỏ, những suy tính cá nhân hời hợt, thiển cận theo lối cò con.
“Vì không cực đoan nên ít có đổ vỡ lớn, nhưng dễ bảo thủ, ít dám chấp nhận rủi ro tìm con đường mới do đó cũng dễ lâm vào trì trệ triền miên”.[1]
“Tài hiền” đã được một vị quan chức lãnh đạo ngành phát thanh truyền hình đất Kẻ Chợ nói trắng phớ giữa hội nghị thế vầy:
“Họ làm việc làng nhàng, đi ra đi vào, tuy nhiên họ không vi phạm kỷ luật, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi”. [2]
Có phải vì thế mà xã hội hôm nay thỉnh thoảng lại bùng lên những chuyện “sốc, sex”, chuyện “Hoa hậu hở bạo”, chuyện chữ “lon” thêm mũ và thêm dấu,… nhằm giải cơn ngái ngủ của bộ phận khá đông người “trì trệ triền miên”, trong đó có không ít người được ủy quyền ký trên văn bản như bà Cục trưởng lý giải về chữ “lon” ở cơ quan cấp bộ chuyên về văn hóa.
Cứ cho là hãng giải khát ấy dùng từ chưa chuẩn thì người Việt cũng chẳng mấy ai để ý, chỉ khi bà Cục trưởng “phát động phong trào” thì người ta mới thấy nó thật là “nhạy cảm”, mới xúm vào mổ xẻ, vậy nên trách ai?
Nói thêm tí chút, nếu phạt hãng nước giải khát vì chữ “lon” thì có lẽ bà Cục trưởng nên ra thêm quyết định phạt báo các báo điện tử Laodong.vn, Vietbao.vn, Nongnghiep.vn, Baophapluat.vn,… vì các báo này đã dùng tên gọi “Đảo Côn Lôn” thay cho Côn Đảo.
Chuyện chưa từng kể về đảo Côn Lôn. [3]
Thăm đảo Côn Lôn. [4]
Côn Lôn, thiên đường tại thế. [5]
Phan Châu Trinh và án giam đất Côn Lôn. [6]
…..…
Hiền tài như lá thu, tiểu nhân như cỏ dại |
Phải thấy rằng các báo nêu trên đã cố tình dùng từ “Côn Lôn” - một địa danh từ trước thế kỷ 20 - mà không dùng địa danh theo quy định của pháp luật hiện hành là huyện Côn Đảo.
Tại sao lại sử dụng địa danh trong đó có từ chỉ cần thêm dấu mà không cần thêm “mũ” đã trở nên “rất là khủng khiếp” như ý bà Cục trưởng trả lời báo chí. [7]
Người Việt từng biết đến rất nhiều “Tài hiền” khi người ta đưa ra các ý tưởng, chẳng hạn “Ngực lép không được lái xe”; “Ôtô 4 chỗ phải được trang bị bình cứu hoả”; “Cho phép toàn dân hát Quốc ca”; “Cộng điểm cho Mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học”,…
Tuy nhiên hai ba năm trở lại đây, người dân mới ngớ ra, rằng đất nước còn tiềm ẩn vô số chủng loại “Tài hiền” khủng mà bọn “không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi” chưa xứng đáng là đệ tử chứ đừng nói là con cháu, ví như “Tôi thì dư luận phán xét xong rồi” hay “Giờ tôi nghỉ hưu rồi, có làm được gì mà nói”,…
Nhưng vì sao bọn “Tài hiền” lại đẻ mắn đến thế, sống dai đến thế?
Trả lời câu hỏi này phải mượn câu nói dân gian với đôi chút “sáng tạo”: “Đầu óc ngu si, ngũ chi khỏe mạnh”.
Người bình thường chỉ có tứ chi, bọn “tài hiền” lại có ngũ chi nên mới sinh chuyện đẻ mắn, giải thích thế có vị độc giả quen biết bảo là không chuẩn vì chỉ khoảng trên dưới 50% bọn “tài hiền” là có chi thứ ngũ, bọn còn lại làm gì có???
Có điều khi đã là “Tài hiền” thì chúng muốn gì mà chẳng được, sá gì thêm chi?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.slideshare.net/ebookfree247/cho-manh-cho-yeu-trong-tam-ly-con-nguoi-viet-nam-khi-di-vao-thoi-dai-van-minh-tri-tue
[2] https://tuoitre.vn/40-nhan-su-kem-cua-dai-truyen-hinh-ha-noi-la-con-ong-nay-ba-kia-20180703142411431.htm
[3] https://laodong.vn/phong-su/chuyen-chua-tung-ke-ve-dao-con-lon-526507.ldo
[4] http://vietbao.vn/The-gioi-giai-tri/Tham-dao-Con-Lon/50707841/419/
[5]https://nongnghiep.vn/con-lon-thien-duong-tai-the-post88645.html
[6]http://baophapluat.vn/dan-sinh/phan-chau-trinh-va-an-giam-dat-con-lon-320441.html
[7]https://thanhnien.vn/doi-song/mo-lon-viet-nam-bi-cho-la-phan-cam-dan-mang-khong-hieu-vi-sao-phan-cam-1098115.html