Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác dân vận, coi đó chính là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để phát huy vai trò của nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Người khẳng định: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đặc biệt, trong Bài báo “Dân vận” đăng trên Báo “Sự thật” ngày 15/10/1945, Người đã nhấn mạnh: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là việc phát huy vai trò thực hành dân vận của các cơ quan, cán bộ nhà nước: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”.
Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước, Đảng ta luôn quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối với công tác dân vận; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân vận, coi công tác dân vận luôn có vai trò quan trọng đối với các cơ quan nhà nước, góp phần giữ gìn, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, nội dung về công tác dân vận được nhấn mạnh: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”, quan tâm giải quyết những vấn đề thiết thực, những bức xúc trong nhân dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác dân vận, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó đặc biệt quan tâm công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước (dân vận chính quyền).
Hợp tác xã nông nghiệp rau an toàn VietGAP do bà Luyến làm giám đốc, trồng rau xanh quanh năm. Các loại rau trái vụ cũng phát triển xanh tốt ở vùng cao nguyên Mộc Châu. Ảnh: Báo Dân Việt. |
Cụ thể, nhằm thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận nhà nước các cấp, ngày 11/3/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”trong các cơ quan Nhà nướcgiai đoạn 2016 – 2020, từ đó đã tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, hiệu quả; nội dung gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; đã thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức tham gia.
Phong trào thi đua đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo phương châm “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Ở nhiều nơi, cán bộ huyện, xã đã trực tiếp xuống bản, cộng đồng dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, tham gia các phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy việc phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh những năm qua và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Qua đánh giá, trong 05 năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.000mô hình“Dân vận khéo” (1.510 mô hình tập thể, 490 mô hình cá nhân) trên 04 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế trên 790 mô hình; trên 600 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh trên 310 mô hình; 289 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Nổi bật là các mô hình sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo như:
Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap của bà Nguyễn Thị Luyến, tiểu khu Bản Áng 2, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (sản xuất từ 1.500 đến 2.100 tấn rau, củ quả các loại/năm); Mô hình “Trang trại cây ăn quả, nuôi gà thả vườn, nuôi cá” của các hộ gia đình ở xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ thu nhập bình quân từ 400-700 triệu đồng/năm; ; Mô hình trồng cây Sa nhân (cây dược liệu) tại bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai có 41 hộ trồng 33,8ha, trung bình thu được từ 30-50 triệu đồng/năm;
Mặt khác, thành công của phong trào thi đua “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận, bằng nhiều giải pháp hiệu quả, sát với thực tiễn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan chuyên môn, đội ngũ cán bộ cơ sở đã tập trung vào các nội dung chính:
Khéo tham mưu, tổ chức thực hiện; Khéo tuyên truyền, vận động; Khéo vận động phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng; Khéo vận động xây dựng văn hóa - xã hội - môi trường lành mạnh và xây dựng hệ thống chính trị, địa phương vững mạnh.
Kết quả giai đoạn 2011-2019, tổng huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 76.496 tỷ đồng.
Trong đó, huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân đóng góp 2.055 tỷ đồng, chủ yếu thi công các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế xã...
Thu nhập bình quân đầu người ước đạt năm 2020 là 44,1 triệu đồng/người, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,44% năm 2015 xuống còn 18,62% năm 2020, đến nay đã có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình “thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” của chi bộ bản Sòng, xã Yên Hưng, huyện Sông Mã; mô hình “ánh sáng bản làng” của Đoàn thanh niên Thành phố; mô hình “Xây dựng dòng họ học tập dòng họ Lường” bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu; Hội LHPN xã Mường Sang, huyện Mộc Châu “tuyên truyền vận động Hội viên thực hiện xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; mô hình “Ba bám, Bốn cùng, Năm có”; mô hình“Đọc báo cho dân nghe” của Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh.
Việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã nhân rộng nhiều tấm gương điển hình, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên với cách làm phong phú, sáng tạo.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu hướng dẫn người dân xã Chiềng Pha chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Báo Sơn La. |
Bên cạnh đó, có trên 280 mô hình đã phát huy vai trò tham mưu, đề xuất trong tổ chức, triển khai các hoạt động tại cơ sở; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện tốt cải cách hành chính, cụ thể hóa phương châm “Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tham gia xoá bản trắng không có chi bộ, bản trắng không có đảng viên, củng cố tổ chức đảng, tổ chức chính quyền các cấp, qua đó đã nâng cao được hiệu quả vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền địa phương.
Phong trào “Dân vận khéo” đã đi vào đời sống xã hội, tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở tỉnh Sơn La trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.
Để nâng cao hiệu quả phong trào, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình điển hình “Dân vận khéo” để công tác dân vận thật sự đi sâu vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận ngay từ cơ sở, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị chung của toàn đảng bộ tỉnh.