Hiểu sao cho đúng và giáo dục đúng về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp?

20/04/2023 06:45
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để học tập trải nghiệm thực sự hiệu quả và ý nghĩa rất cần hiểu đúng và thực hiện đúng ý nghĩa của hoạt động này. 

Học tập trải nghiệm là hoạt động đang được nhiều trường học, phụ huynh, học sinh, và cả các doanh nghiệp cổ vũ, khuyến khích đẩy mạnh. Thực tế, học tập trải nghiệm là hình thức học tập thực sự cần thiết và hiệu quả, đã được các nhà giáo dục học trên thế giới đánh giá, khẳng định. Tuy nhiên để học tập trải nghiệm đúng ý nghĩa rất cần hiểu đúng và thực hiện đúng.

Định hướng từ Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế nhằm “phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới”.

Đồng thời cách tiếp cận của chương trình mới là “chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình”.

Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia làm 2 giai đoạn giáo dục (1) giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và trung học cơ sở) và (2) giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông).

Ảnh minh họa: NVCC

Ảnh minh họa: NVCC

Ở mỗi cấp học, chương trình xây dựng kế hoạch gồm các môn học bắt buộc, môn học tự chọn và hoạt động giáo dục bắt buộc. Trong đó, đối với cấp tiểu học hoạt động giáo dục bắt buộc là “hoạt động trải nghiệm”, mỗi lớp tương ứng 105 tiết/ 875 tổng số tiết học/năm học.

Đối với cấp trung học cơ sở, hoạt động giáo dục bắt buộc là “hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” có 105 tiết/tổng số 1015-1032 tiết học/năm học, bằng với số tiết học môn Ngoại ngữ và môn Lịch sử và Địa lí.

Đối với cấp trung học phổ thông, "hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp" cũng có 105 tiết/tổng số 1015 tiết học/năm học và bằng với số tiết các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ; tất nhiên là cao hơn hẳn các môn học còn lại.

Như vậy, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, chiếm thời lượng lớn trong toàn bộ chương trình. Điều đó cũng có nghĩa, đây là hoạt động rất quan trọng, nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục “phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh”.

Thực tế triển khai… chưa như mong đợi

Trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh những nỗ lực của các bên liên quan và nhiều kết quả tích cực đạt được, thì cũng có nơi, có trường xem hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mang tính hình thức, thậm chí có nơi thị trường hóa, xã hội hóa… không đúng với ý nghĩa giáo dục.

Chẳng hạn, có nơi, trong một năm học nhà trường đưa học sinh cả khối đi thăm quan một số buổi ở một vài nơi như điểm du lịch, bảo tàng, trang trại... Chủ yếu là cho các em thăm quan, tìm hiểu, chụp hình… Các hoạt động như vậy thực chất, tính dã ngoại chiếm phần nhiều.

Dù các hoạt động ấy có phần nào giúp các em có những giờ đi chơi, đỡ căng thẳng, tìm hiểu được những hoạt động bên ngoài nhà trường thì việc đồng nhất đi tham quan với hoạt động giáo dục bắt buộc (trải nghiệm và hướng nghiệp) là chưa phù hợp.

Ngoài ra, cũng có nơi, có trường thông qua các trung tâm, tổ chức giáo dục về STEM/STEAM, giáo dục kĩ năng sống… để kết hợp cho các em trải nghiệm bằng dịch vụ thu phí. Ở mức độ nào đó, sự trải nghiệm, quy mô tổ chức có thể tốt hơn so với các hoạt động chỉ có thăm quan dã ngoại kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng xét cho cùng vẫn không thể xem đó là “hoạt động giáo dục bắt buộc”, thường xuyên, xuyên suốt, liên thông, tích hợp… như mong đợi trong mục tiêu của chương trình mới là: Đây phải là hoạt động chính khóa, thường xuyên.

Cần hiểu đúng giáo dục đúng

Rõ ràng, giáo dục trải nghiệm không chỉ giúp cho học sinh phát triển trí nhớ thông qua thực tế được tìm hiểu mà quan trọng hơn là phát triển các kĩ năng quan sát, nhận thức và tư duy; các hành vi ứng xử, cảm nhận, biểu đạt tình cảm… Đó chính là mục tiêu hướng đến phát triển toàn diện.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì: “Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai”.

Đây là hoạt động “được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính: hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp”.

Ở cấp tiểu học, nội dung hoạt động trải nghiệm “tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi”.

Ở cấp trung học cơ sở, nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp “tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh”.

Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp “tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai”.

Tất cả các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, các hoạt động sống của cộng đồng, các công trình, vật dụng… đều là đối tượng học tập. Ảnh minh họa: NVCC
Tất cả các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, các hoạt động sống của cộng đồng, các công trình, vật dụng… đều là đối tượng học tập. Ảnh minh họa: NVCC

Như vậy, tùy vào đặc điểm và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, mỗi trường, căn cứ vào hướng dẫn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường chủ động thiết kế hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho phù hợp với thực tế. Có những hoạt động đơn giản tổ chức ngay tại lớp học, hoặc sân trường, bãi tập thể dục; có những hoạt động có thể tổ chức tại các cơ sở văn hóa – lịch sử, công viên, các cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị… trong khu vực.

Đối với các địa phương dù thành phố hay nông thôn thì nơi nào cũng có các điểm du lịch cộng đồng, các công trình văn hoá, các di tích lịch sử; hằng năm có tổ chức sự kiện, lễ hội cũng cần được gắn kết với hoạt động giáo dục trải nghiệm; Thông qua các hoạt động sống để giáo dục sẽ dễ dàng kết nối tri thức và giáo dục sẽ thực sự hữu ích hơn.

Hiện nay, hoạt động giáo dục bắt buộc được hướng dẫn trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhưng khi triển khai, vì một vài lí do, có địa phương phải ban hành các lệnh cấm tổ chức thăm quan ngoài tỉnh hay bắt buộc phải lập kế hoạch trình xin chủ trương; vận đồng phụ huynh đồng ý để cho học sinh tham gia; đưa ra các hình thức đánh giá, xếp loại thi đua đối với giáo viên… đây là những việc làm chưa thực phù hợp.

Thực tế, có những hoạt động trải nghiệm mà theo người viết cảm nhận rất ý nghĩa, chẳng hạn như hoạt động “du lịch học tập cộng đồng” triển khai tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng. Ở đó, phụ huynh và học sinh cùng trải nghiệm học tập cuối tuần. Tất cả cùng học. Các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, các hoạt động sống của cộng đồng, các công trình, vật dụng… đều là đối tượng học tập; được thảo luận, tìm hiểu và đề xuất các ý tưởng cải tiến, sáng tạo cho hữu ích hơn…

Sau các buổi học mọi người được bày tỏ quan điểm, được thể hiện tình cảm; được đề xuất ý tưởng… Các kiến thức tự nhiên, xã hội, toán, nghệ thuật… đều được khai thác, sử dụng và phát triển theo hiểu biết của người học. Điều rất ý nghĩa là sau những ngày cuối tuần trải nghiệm, mọi người đều cảm thấy hạnh phúc. Không bị áp lực “học thêm”, không vì thành tích, điểm số… chỉ biết thêm, hiểu thêm và rút ra những bài học kinh nghiệm từ trải nghiệm.

Cũng theo người viết, đây chỉ là một trong nhiều mô hình giáo dục trải nghiệm hay. Và ở đâu đó còn có nhiều mô hình hay, chưa được giới thiệu. Thường thì các mô hình như vậy ít được marketing, không có “hoa hồng”... Và tất nhiên, nếu số lượng người học đông hơn, lên đến hàng trăm học sinh thì cũng chưa đủ năng lực phục vụ. Đồng thời, khi đã lên đến số lượng hàng trăm học sinh/1 hoạt động trải nghiệm thì lúc đó cũng không còn đúng với ý nghĩa hoạt động giáo dục trải nghiệm nữa.

Vấn đề mấu chốt của hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp hiện nay vẫn là sự chủ động của nhà trường, của các nhà giáo dục thực hiện chức năng giáo dục. Không thể trông chờ hoặc bị động thực hiện bằng các mệnh lệnh hành chính của các cấp có thẩm quyền và càng không được chuyển hoạt động giáo dục bắt buộc trong nhà trường sang một loại hình dịch vụ phụ trợ kèm theo.

Khi đã xác định đúng ý nghĩa của triết lí giáo dục trải nghiệm, mục tiêu của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì mỗi trường cần thiết kế các hoạt động phù hợp với chương trình giáo dục; sáng tạo, linh hoạt trong triển khai và nhất là phải đảm bảo đúng bản chất giáo dục… để học thật và giáo dục thật.

Làm được những điều đó thì chính các hoạt động trải nghiệm này sẽ góp phần hình thành phẩm chất và năng lực thật cho người học và từ đó năng lực của nhà trường, của nhà giáo cũng thật sự được nâng lên. Và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo mới chính thức thành công.

Hướng Sáng