Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được sắp xếp, bố trí như thế nào là hợp lý?

12/12/2022 06:38
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết cho rằng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có thể tổ chức dịp hè, dịp đầu năm học hoặc dịp trước Tết nguyên đán.

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có nhiều điểm mới, ưu việt, tiệm cận nền giáo dục tiên tiến của thế giới, được nhiều người đánh giá khá tốt.

Tuy nhiên, trong những vấn đề còn nhiều ý kiến về chương trình mới chính là sự xuất hiện và vận hành các môn học gọi là “tích hợp” như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Giáo dục địa phương, Trải nghiệm, hướng nghiệp.

Một tiết trải nghiệm thú vị của học sinh - Ảnh minh họa trên baocantho.com.vn

Một tiết trải nghiệm thú vị của học sinh - Ảnh minh họa trên baocantho.com.vn

Các hình thức tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các trường như thế nào?

Có thể nói sự xuất hiện của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới hy vọng mang lại luồng gió mới trong giáo dục, giúp học sinh không còn nhàm chán “học vẹt”, nó được xem như một môn học chính khóa và kỳ vọng sẽ tạo hứng thú cho học trò bởi sự mới mẻ, gần gũi và thiết thực.

Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) xin được gọi chung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, nhằm hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung quy định trong chương trình tổng thể với thời lượng 105 tiết/năm (tương ứng 3 tiết/tuần).

Hiện nay, tại các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông tổ chức Hoạt động này chưa được thống nhất, giáo trình chưa được cụ thể, rõ ràng, việc thiết kế sách giáo khoa chỉ 1 tiết, trong khi thực dạy đến 3 tiết/tuần. Một số cách thức mà các địa phương đang thực hiện gồm:

Lồng ghép 1 tiết sinh hoạt dưới cờ, 1 tiết thực dạy và 1 tiết sinh hoạt lớp, tuy nhiên điều này lại có phần chưa phù hợp, vì tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp thường do giáo viên chủ nhiệm đảm nhận và giáo viên chủ nhiệm được tính giảm 3- 4 tiết/tuần do thực hiện các hoạt động này.

Hoặc giao giáo viên giảng dạy 3 tiết trực tiếp trên lớp, xếp vào thời khóa biểu, điều này khiến giáo viên và học sinh mệt mỏi vì không có giáo viên chuyên, không có giáo trình giảng dạy, vì không có chuyên môn nên một số giáo viên với 3 tiết nhưng chủ yếu cho học sinh giữ lớp hoặc tổ chức các hoạt động qua loa, chiếu lệ.

Cũng có trường tổ chức thành các chủ đề dạy theo chuyên đề, tổ chức tham quan, trải nghiệm ngoài nhà trường nhưng số lượng tổ chức hoạt động kiểu này khá ít vì liên quan đến việc xáo trộn thời khóa biểu, kinh phí, ảnh hưởng đến môn học khác, kiểm tra đánh giá tổng hợp của học sinh,…

Thực tế, cách triển khai nào cũng phức tạp, vướng mắc do thiếu giáo viên chuyên, thiếu phương tiện, kinh phí và thiếu sự hỗ trợ, phối hợp,…nên sau khi phân công các trường thường khoán trắng cho giáo viên, khiến việc tổ chức hoạt động này nhàm chán, khó lôi cuốn, thu hút học sinh.

Các giải pháp để Hoạt động trải nghiệm tạo hứng thú cho người dạy và học

Để các hoạt động trải nghiệm thú vị, nhiều nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch cho những chuyến học tập thực tế, những chuyến trải nghiệm ngoài nhà trường.

Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay, không phải nhà trường nào cũng thực hiện được nếu không có sự phối hợp tổ chức chặt chẽ, bài bản, giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nếu không tổ chức bài bản thì ý nghĩa thiết thực của môn học sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, gây áp lực lên cả giáo viên và học sinh vì tốn quá nhiều thời gian nhưng lại không có hiệu quả.

Do đó, để thực hiện hoạt động này một cách thực chất, mang lại hiệu quả tích cực, người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nhanh chóng đào tạo sinh viên sư phạm ngành Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Một vấn đề không kém phần quan trọng đó chính là đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản chính quy, với thời lượng 105 tiết/năm (tương đương 3 tiết/tuần), mỗi trường hiện nay cũng cần một lượng lớn giáo viên chính quy để giảng dạy và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, trong các năm gần đây, có rất ít các trường đại học sư phạm cả nước chiêu sinh sinh viên sư phạm ngành Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mặc dầu nhu cầu của các địa phương rất lớn.

Các địa phương cũng chưa mạnh dạn, đặt hàng các trường sư phạm ngành Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục.

Không có sinh viên sư phạm chính quy, bài bản thì tổ chức hoạt động dạy và học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp còn nửa vời, chưa thực chất.

Thứ hai, linh hoạt hình thức tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Không nên cứng nhắc tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 3 tiết/tuần vào thời khóa biểu như nhiều trường hiện nay đang thực hiện vì như thế sẽ khó tổ chức hoạt động mang đúng tính chất trải nghiệm, khó tổ chức trong sân trường, ngoài nhà trường, cắm trại, tham quan, trải nghiệm,…vì sẽ ảnh hưởng đến lớp học khác.

Theo người viết nên chia thành các chủ đề gồm văn hóa, văn nghệ, thể dụng thể thao, kỹ năng sống, tham quan cắm trại, kỷ luật tích cực, tự lập, tham quan học tập kinh nghiệm, trò chơi, hội thảo, sân khấu hoá, lao động, hoạt động tình nguyện, nhân đạo, hoạt động theo nhóm, dự án,…với thời lượng 105 tiết có thể tổ chức từ 3-4 tuần.

Thứ ba, bỏ hình thức đánh giá Đạt, Chưa đạt đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Do hoạt động này là trải nghiệm, hướng nghiệp đồng thời lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống,…nên các chủ đề mang tính chất giúp học sinh trải nghiệm,và mang tính chất hòa nhập, đoàn kết, tính chất tập thể,…

Bên cạnh đó, các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thể thao, tham quan, chăn nuôi, trồng trọt,…chỉ nên nhằm hướng các em đến kỹ năng sống, hướng đến chân, thiện, mỹ trong cuộc sống hàng ngày và thường là hoạt động tập thể.

Nên người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ việc đánh giá học sinh Đạt hoặc Chưa đạt mà chỉ nên tổ chức các hoạt động sinh động để lôi cuốn các em tham gia một cách chủ động, tích cực. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mà đánh giá học sinh Chưa đạt sẽ tạo tâm lý ức chế cho các em, không phù hợp.

Thứ tư, thời gian, địa điểm tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải mang tính thực chất, lôi cuốn cả giáo viên và học sinh, cần có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, sự phối hợp nhịp nhàng, kế hoạch cụ thể của Ban giám hiệu, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Nên, người viết cho rằng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có thể tổ chức dịp hè, dịp đầu năm học hoặc dịp trước Tết nguyên đán và tổ chức theo các chủ đề linh hoạt, không nên tổ chức vào các tiết học chính khóa.

Trên đây là các góp ý của người viết về việc tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đi vào thực chất, lôi cuốn kích thích cả người dạy và người học vào các hoạt động cụ thể.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa