Hiệu trưởng chuyên KHXH&NV: Đưa GS,PGS về trường chuyên là một bước đột phá

24/03/2022 06:45
Đặng Lường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Tôi là phó giáo sư vừa làm hiệu trưởng vừa tham gia giảng dạy, hướng dẫn các em nghiên cứu khoa học không chỉ trong nước mà còn nghiên cứu khoa học quốc tế".

Hiện nay, một số địa phương đưa ra chính sách mời giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường trung học phổ thông chuyên với mức đãi ngộ rất cao. Tuy nhiên chính sách này đã có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng chính sách trên là chưa phù hợp.

Về vấn đề này trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chính sách thu hút giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên cũng là một bước đột phá với các trường trung học phổ thông chuyên chỉ có điều vấn đề đặt ra là phải tuyển chọn được những người như thế nào cho thật phù hợp, thật hài hòa mới là quan trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Đặng Lường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Đặng Lường

Lý giải về quan điểm trên Phó giáo sư Nguyễn Quang Liệu cho rằng mỗi một cơ sở giáo dục, mỗi địa phương đều có triết lý giáo dục riêng, tất nhiên triết lý đó phải nằm trong tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, nếu những trường trung học phổ thông chuyên mà gắn giảng dạy với nghiên cứu khoa học đỉnh cao cho các em học sinh thì đó là môi trường giáo dục tinh hoa, khi đó đội ngũ giáo viên sẽ đóng vai trò quyết định vì họ là người đào tạo đội ngũ tinh hoa đó.

Trong khi, đội ngũ giáo viên là những người được đào tạo một cách bài bản trong các trường sư phạm đặc biệt là hệ thống đại học sư phạm thì thầy cô hầu hết là thạc sĩ, tiến sĩ trở lên chưa kể còn có thêm các công trình nghiên cứu khoa học để Hội đồng chức danh nhà nước đánh giá trước khi được công nhận học hàm phó giáo sư, giáo sư.

Do đó đưa giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên là phù hợp ở những trường chuyên đi theo triết lý là giáo dục tinh hoa.

Ngoài ra, theo Phó giáo sư Liệu, so với trước đây thì giáo dục trung học phổ thông chuyên giai đoạn hiện nay là để học sinh tiệm cận giáo dục đại học một cách sớm nhất, nhanh nhất.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn giải thích, nếu trước đây các em học 3 năm trung học phổ thông, 4 năm học đại học, còn bây giờ có thể chỉ học 3 năm đại học thậm chí là ít hơn, tùy vào năng lực của sinh viên.

Vì vậy, trường trung học phổ thông chuyên có giáo viên học hàm, học vị, trình độ cao cũng là một yếu tố quan trọng giúp học sinh giúp rút ngắn khoảng cách tiệm cận đại học sau này.

“Tôi là phó giáo sư, tiến sĩ vừa làm hiệu trưởng vừa tham gia giảng dạy, hướng dẫn các em nghiên cứu khoa học không chỉ trong nước mà còn nghiên cứu khoa học quốc tế.

Tôi nghĩ trường chuyên có phó giáo sư, giáo sư là cần thiết, quan trọng là triết lý giáo dục của trường chuyên đó là gì”, Phó giáo sư Nguyễn Quang Liệu nhận định.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Liệu cho rằng không phải tất cả phó giáo sư, giáo sư đều giảng dạy được cấp trung học phổ thông đặc biệt là trường chuyên bởi chỉ có một số ít người hiểu cặn kẽ về chương trình giáo dục phổ thông mới và có phương pháp dạy học phù hợp.

Thầy Liệu lấy ví dụ, nhiều giáo sư, phó giáo sư khi ở trường đại học có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài báo đăng trên tạp chí quốc tế nhưng tham gia thuyết giảng ở cấp trung học phổ thông rất ít, trong khi giảng dạy cho sinh viên đại học khác biệt với giảng dạy học sinh trung học phổ thông. Đó là lý do nhiều người băn khoăn việc đưa người có học hàm giáo sư, phó giáo sư về dạy cho học sinh liệu có phù hợp?

Phó giáo sư Nguyễn Quang Liệu cũng cho rằng nhược điểm lớn nhất của các giáo sư, phó giáo sư là chưa/rất ít tham gia dạy học, thuyết giảng ở các trường trung học phổ thông chuyên nên việc bắt đầu hành trình dạy ở cấp trung học phổ thông chuyên là rất khó.

Với giáo sư, phó giáo sư nếu thường xuyên tham gia giảng dạy ở các trường trung học phổ thông chuyên, tiếp cận với học sinh nhiều thì những thầy cô đó về dạy chương trình phổ thông là rất thuận lợi.

Phó giáo sư Liệu lưu ý các địa phương khi đưa ra chính sách để thu hút giáo sư, phó giáo sư về dạy trung học phổ thông chuyên thì phải tính toán kỹ việc triển khai, thực hiện như thế nào để hài hòa. Bởi giáo sư, phó giáo sư là người có học hàm cao nhất nhưng phương pháp không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, chỉ lấy nghiên cứu của đại học áp đặt cho học sinh trung học phổ thông thì không hiệu quả.

Đặng Lường