Hiệu trưởng 'than' có quá nhiều cuộc kiểm tra trong một năm học

15/04/2022 06:38
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong mỗi năm học, nhà trường ở Hải Phòng phải tiếp đón đến hàng chục đoàn kiểm tra chuyên môn, kiểm tra thanh tra định kỳ từ các cấp quản lý.

Thời gian qua, vấn đề triển khai các chương trình giáo dục phổ thông mới ở các trường học thu hút được rất nhiều sự sự quan tâm của bạn đọc. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã ghi nhận rất nhiều ý kiến xác đáng từ các trường học về các vấn đề bất cập nảy sinh khi triển khai.

Để tiếp tục có thêm tiếng nói từ cơ sở về việc chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, 7 và lớp 10 tại các địa phương của Hải Phòng, phóng viên có liên hệ một số đơn vị trường học vào dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương để đặt lịch làm việc sau kỳ nghỉ.

Qua trao đổi, chúng tôi được chia sẻ, mặc dù đang trong thời gian nghỉ lễ nhưng nhiều đơn vị vẫn bù đầu với hồ sơ sổ sách để chuẩn bị cho thanh tra, kiểm tra.

Nhà trường phải tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra trong suốt năm học! (Ảnh minh họa)

Nhà trường phải tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra trong suốt năm học! (Ảnh minh họa)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy T - Hiệu trưởng một trường tại Hải Phòng (xin được giấu tên) chia sẻ: “Nghỉ lễ, nhà nhà đi du lịch, các khu du lịch nghỉ dưỡng đông kín người mà tôi không dám đi đâu vì việc nhiều quá.

Sau đợt nghỉ lễ này, trường phải đón đoàn kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo nên các thầy, cô giáo phải chuẩn bị nhiều việc lắm”.

Theo thầy T., từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, trường thầy làm hiệu trưởng phải đón gần chục đoàn kiểm tra, thanh tra các cấp.

Cụ thể, theo thầy chia sẻ, từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

Sau khai giảng, Phòng Giáo dục và Đào tạo xuống kiểm tra việc thực hiện các khoản thu theo quy định, các khoản vận động, tài trợ giáo dục…

Học sinh mới vào học được ít ngày thì nhà trường lại đón Đoàn công tác của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phường tới để kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tại trường.

Sau đó, liên tiếp là các cuộc kiểm tra chuyên môn từ Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng chuyên môn của Sở; rồi Phòng Giáo dục và Đào tạo;…

Thậm chí, có đợt nhà trường liên tiếp đón đoàn kiểm tra của Quận uỷ, Uỷ ban nhân dân quận, các phòng, ban về kiểm tra việc xây dựng cơ sở vật chất; kiểm tra việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên.

“Nếu trường nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ thì sẽ mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ, sổ sách.

Những cuộc kiểm tra chuyên môn, nhất là dịp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới gần đây thì các giáo viên phải chạy “toát mồ hôi”, thầy T. nói.

Vị hiệu trưởng này cho biết thêm, không chỉ riêng trường mình quản lý phải đón những đoàn thanh tra như trên, mà hầu như các trường đều chung tình trạng này.

Trường nhiều thì có năm học đón hơn chục đoàn thanh tra, kiểm tra, trường nào ít thì cũng 5, 7 cuộc.

“Trường nào mà “vinh dự” được các báo đăng về tình trạng lạm thu, hoặc có đơn kiến nghị của phụ huynh thì chỉ suốt ngày tiếp đón đoàn thanh tra, kiểm tra”, thầy T. hài hước.

Trước sự than phiền của thầy, phóng viên cũng có nêu quan điểm: Việc kiểm tra chuyên môn, kiểm tra, thanh tra theo định kỳ là việc làm cần thiết, bởi có kiểm tra mới thấy được những thuận lợi, khó khăn trong công tác dạy và học.

Đồng thời, qua các cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng mới phát hiện những vụ việc tiêu cực và chấn chỉnh trong toàn ngành.

Về việc này, thầy T. cho rằng, mục đích của các cuộc kiểm tra, thanh tra hoàn toàn đúng trong bối cảnh ngành giáo dục có nhiều việc cần bàn như hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà trường phải đón tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra sẽ tạo áp lực cho cán bộ, giáo viên và học sinh các đơn vị trường học.

Nhất là, hiện nay đang trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên đang có quá nhiều việc chuyên môn phải làm.

Hơn nữa, giai đoạn cuối năm học, các nhà trường phải lo tổng kết, chuẩn bị cho học sinh ôn tập thi cuối kỳ, triển khai kế hoạch tuyển sinh đầu cấp…

Thầy T. nêu quan điểm, việc kiểm tra, thanh tra tại các đơn vị trường học là cần thiết nhưng các cấp quản lý cần triển khai thế nào cho hợp lý.

“Hiện nay, các cấp từ mầm non tới trung học cơ sở được phân cấp cho quận, huyện quản lý. Sở Giáo dục quản lý các trường trung học phổ thông.

Nhưng thực tế, năm nào Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng chuyên môn của Sở cũng xuống các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để kiểm tra chuyên môn…

Điều này dẫn đến nhiều cuộc kiểm tra bị chồng chéo nội dung, thậm chí có nhiều cuộc kiểm tra chỉ mang tính hình thức.

Tuy nhiên, các trường chỉ biết “tuân lệnh” khi có thông báo từ cấp trên. Rất ít ai dám có ý kiến”, vị hiệu trưởng cười nói.

Theo phản ánh của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên tại Hải Phòng, trong hơn 2 năm chống dịch Covid-19, kèm theo việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cán bộ, giáo viên hết sức mệt mỏi.

Vì vậy, họ mong muốn thời gian tới, các ngành, các cấp có những động thái giúp các thầy, cô giảm bớt áp lực công việc để thầy, cô tập trung vào việc dạy học. Đơn cử như giảm bớt các cuộc kiểm tra, giám sát tại nhà trường.

LÃ TIẾN