Hình hài sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều thế nào sau khi được chỉnh sửa?

16/11/2020 06:25
Bài, ảnh: Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Con quạ không còn kêu “quà… quà” mà chuyển sang kêu “quạ… quạ…”, là một trong những điều chỉnh về từ ngữ của cuốn sách này.

Ngày 14/11/2020, trang thông tin điện tử sachcanhdieu.com - ở phần lời nói đầu cho biết, “Thời gian qua có ý kiến từ báo chí phản ánh một số ngữ liệu dùng trong sách chưa phù hợp. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và các tác giả đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến với tinh thần cầu thị, biên soạn tài liệu này để bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu.

Tài liệu gồm 2 phần: phần I giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp. Phần II hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.”

Thay đổi một số ngữ liệu

Cụ thể, bỏ một số ngữ liệu Tập 1: Ve và gà (1), (2) trang 67, 69; Quạ và chó (trang 99); Cua, cò và đàn cá (1), (2) trang 115, 117; Hai con ngựa (1), (2) trang 157, 159; Lừa, thỏ và cọp (1), (2) trang 163, 165; Tập 2: Ước mơ của tảng đá (1), (2) trang 7, 9.

Thêm bài đọc bổ sung: Bờ hồ (trang 2); Chăm bà (trang 3); Phố Thợ Nhuộm (trang 4); Kết bạn (trang 5); Hồ sen (trang 6); Mẹ thật là ấm (trang 7); Sáng sớm trên biển (trang 8); Bạn của Hà (trang 9); Ông bà em (trang 10); Mưa (trang 11); Lịch bàn (trang 12).

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

Điều chỉnh từ ngữ

Tập 1: Bỏ câu “Bê be be” (trang 25); thay “quà… quà” bằng “quạ… quạ” (trang 49); bỏ từ “ngủ” (trang 51); bỏ từ ti vi (trang 52); thay “Hổ nhờ thỏ kê ti vi” bằng “Hổ nhờ thỏ kê đồ”, “Thỏ lỡ xô đổ ghế” bằng “Thỏ xô đổ ghế”, thay câu hỏi trắc nghiệm: 1) “xô đổ ghế bị hổ la”. 2) “nhờ thỏ kê đồ” (trang 53);

Thay “dưa đỏ” bằng “quả dưa”, thay “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ” bằng “Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ”; thay “Giữa trưa, chị quạ quà quà: “A, thỏ thua rùa!” bằng “Giữa trưa, rùa đã bỏ xa thỏ. Thỏ thua rùa”, thay Tập chép: “Thỏ la cà nhá cỏ, nhá dưa” bằng Tập chép: “Thỏ la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ” (trang 61);

Bỏ “thở hí hóp” (trang 85); thay “Tổ của nó nhỏ như hộp diêm mà đẹp” bằng “Tổ của nó đẹp lắm” (trang 92); thay “quà, quà” bằng “quạ, quạ” (trang 95); thay “Có kẻ đã cuỗm gà nhép” bằng “Có kẻ đã tha gà nhép đi”, thay “Cả xóm ùa ra, nom rõ quạ tha gà nhép” bằng “Cả xóm ùa ra, quạ sợ quá” (trang 105);

Thay “Hà viết chữ xiên vì Kiên lỡ xô bàn” bằng “Hà viết chữ xiên vì Kiên xô bàn” (trang 119); bỏ từ “hí hóp” (trang 125); bỏ từ “kêu” (trang 168).

Tập 2: “Chuồn chuồn chúa nom dữ tợn…” bằng “Chuồn chuồn chúa trông dữ tợn…”

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

Chỉnh sửa chỉ mang tính “chữa cháy”

Công bằng mà nói, đội ngũ tác giả sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều đã chỉnh sửa nhiều lỗi sai về ngữ liệu và từ ngữ được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh thời gian qua.

Thế nhưng, ngay từ “Lời nói đầu”, cách nhìn nhận của tác giả sách, “thời gian qua có ý kiến từ báo chí phản ánh một số ngữ liệu dùng trong sách chưa phù hợp” theo quan điểm của người viết, là chưa đúng.

Nhiều ngữ liệu trong quyển sách này như: Ve và gà; Quạ và chó; Cua, cò và đàn cá; Ước mơ của tảng đá… không thể sử dụng cho học sinh lớp 1 vì sai lạc về nghĩa của từ, xuyên tạc về bản chất của con vật trong văn hóa Việt và nội dung thiếu tính giáo dục.

Vậy phần ngữ liệu và từ ngữ được chỉnh sửa liệu đã ổn chưa? Chúng tôi xin khẳng định là chưa ổn, bởi những lí do sau đây.

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

Thứ nhất, ngữ liệu thay thế vẫn có những từ ngữ xa lạ với học sinh lớp một, khiến các em không hiểu được và giáo viên phải mất công giải thích.

Chẳng hạn như văn bản “Chăm bà” (trang 3) có nội dung như sau: “Bà bị cảm. Bố ra phố mua cam. Mẹ đi khắp chợ mua lá hẹ để chữa ho. Thắm thì đưa sữa cho bà. Có cả nhà chăm, bà đã đỡ”.

Dễ dàng nhận thấy ngữ liệu này không hề có tên tác giả - và các ngữ liệu thay thế khác cũng vậy. Bên cạnh đó, từ “lá hẹ” hoàn toàn xa lạ với học sinh 6 tuổi. Sao mẹ không đi mua thuốc cho bà mà mua lá hẹ?

Cùng với đó, câu “Có cả nhà chăm, bà đã đỡ”, có hai từ “đã” và “đỡ” là hai thanh trắc âm vực cao đi liền nhau cũng khiến học sinh đọc trúc trắc. Ngoài ra, văn bản này cũng chưa thật suôn sẻ để giúp học sinh dễ nhớ bài.

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

Thứ hai, về từ ngữ thay thế cũng còn một số bất cập như: thay “dưa đỏ” (trang 58) bằng “quả dưa” trong khi hình minh họa là dưa hấu (ruột chín màu đỏ).

Hay từ “gà nhép” (trang 105) vẫn để nguyên – mặc dù từ này có nghĩa trong từ điển là: (khẩu ngữ) “quá nhỏ và không có giá trị, không có tác dụng gì đáng kể (hàm ý coi khinh)”.

Sao không nói “gà con” cho dễ hiểu mà thay bằng “gà nhép”? Một từ ngữ được xem là phổ thông thì phải được người bản ngữ hiểu, ghi nhớ, chấp nhận và sử dụng trong cộng đồng ngôn ngữ thì từ ngữ đó mới giá trị sử dụng trong giao tiếp.

Và không phải bất cứ từ ngữ nào được ghi trong từ điển thì cũng có thể dạy cho con trẻ lớp 1, vì từ điển có cả tiếng lóng, tiếng tục…

Hơn nữa, đặt trong ngữ cảnh “Có kẻ đã tha gà nhép đi”, thì từ cách dùng từ “gà nhép” không đúng với sắc thái biểu cảm, vì gà con bị quạ cắp đi ăn thịt rất tội nghiệp – chứ hoàn toàn không đáng khinh – như nghĩa từ diển.

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

(Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

Thứ ba, việc sắp đặt các con vật thành cặp với nhau như “hổ nhờ thỏ kê đồ” (trang 53) là không hợp lo-gich.

Nội dung văn bản này như sau: Hổ nhờ thỏ bê đồ. Thỏ lỡ xô đổ ghế. Hổ la “Thỏ phá nhà ta à?”. Thỏ sợ quá: “Tớ lỡ tí ti mà”. Hổ khà khà: “À, tớ nhờ thỏ kia mà. Bỏ qua!”.

Trong cảm thức nhân loại, hổ là động vật ăn thịt, độc ác; còn thỏ thì khờ dại, đáng thương. Làm gì có chuyện hai con vật này chung sống với nhau hòa bình như vậy – cho dù viết theo lối nhân cách hóa.

Cách viết này hết sức gượng ép khiến con trẻ tri nhận sai lạc về ẩn dụ ý niệm động vật gắn với đặc trưng văn hóa và tư duy dân tộc. Cần biết rằng, ngôn ngữ, văn hóa và tư duy dân tộc là ba yếu tố không thể tách rời khi con người ở bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào tri nhận về thế giới.

Chưa kể, thỏ xô đổ ghế, thì “xô” là một hành động cố ý, sao thỏ có thể ngụy biện “Tớ lỡ tí ti mà”?. Kì lạ hơn nữa, loài hiểm ác như hổ mà vẫn tin “Hổ khà khà: “À, tớ nhờ thỏ kia mà. Bỏ qua!”” thì khó lòng chấp nhận được.

Tài liệu tham khảo:

//sachcanhdieu.com/product/tai-lieu-dieu-chinh-va-bo-sung-ngu-lieu-sach-giao-khoa-tieng-viet-1/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể heienj quan điểm của tác giả.

Bài, ảnh: Cao Nguyên