Dù chưa đưa vào chương trình như một môn học chính thức nhưng từ nhiều năm nay, ở các trường học đã xuất hiện cụm từ “Hoạt động trải nghiệm” khá quen thuộc với học sinh và giáo viên.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh theo hình thức du lịch (Ảnh minh họa ninhbinh@moet.edu.vn) |
Nội dung hoạt động trải nghiệm thì có nhiều, thế nhưng nhiều trường học hiện nay vẫn thích chọn hoạt động tổ chức cho học sinh đi du lịch xa.
Nói là trường học chứ thực chất chỉ là ý muốn của hiệu trưởng còn đa phần giáo viên đều không thích tổ chức hoạt động này.
Vì sao hiệu trưởng và giáo viên luôn bất đồng việc tổ chức cho học sinh đi du lịch khám phá?
Tổ chức tua du lịch khám phá với số lượng càng lớn thì hoa hồng của hiệu trưởng càng cao. Có công ty sẵn sàng bỏ ra từ 5-10% tổng số tiền thu về để trích lại cho hiệu trưởng.
Bởi thế, chỉ cần tổ chức cho học sinh đi du lịch trải nghiệm là nhiều hiệu trưởng có được hàng chục triệu đồng trong túi.
Ngược lại, giáo viên vô cùng khổ sở, vất vả. Từ việc vận động học sinh tham gia, thu tiền đúng tiến độ đến việc phải theo sát các em từng bước đã thấy hụt hơi.
Với học sinh lớp lớn còn đỡ hơn chút, học sinh nhỏ, số lượng học trò đông, hiếu động một giáo viên phải phụ trách vài chục em quả không hề đơn giản.
Không thể rời mắt khỏi trò, liên tục nhắc nhở, điểm danh, chạy theo các em suốt ngày nhiều thầy cô nói mình thật sự đuối sức.
Từ lúc đi đến nơi đến lúc về trao học sinh tận tay phụ huynh mới an tâm thở phào nhẹ nhõm.
Sao cứ nhất thiết đi du lịch mới là hoạt động trải nghiệm?
Du lịch gia đình chỉ hai vợ chồng với đứa con đôi khi còn xảy ra sơ xuất. Một vài giáo viên với vài chục học sinh thì hiểm nguy luôn rình rập.
Bởi thế, không ít phụ huynh vì sự an toàn của con đã không còn mặn mà cho con đi du lịch cùng nhà trường.
Nhưng nếu nhà trường đã tổ chức, lớp học nào có nhiều em không tham gia xem như giáo viên ấy làm công tác chủ nhiệm không tốt.
Và việc đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm cũng bị ảnh hưởng. Nhiều thầy cô cũng bày tỏ quan điểm của mình không nhất thiết phải tổ chức đi du lịch mới dạy cho các em được nhiều kỹ năng sống, mới là thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm đề ra.
Cần linh hoạt thay đổi nhiều hoạt động bổ ích khác
|
Có khá nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích cho học sinh như: Hội thi “Tuyên truyền An toàn giao thông”; “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”;
“Đấu trường 50; 70 hoặc 100”; “Nấc thang vinh quang”; “Rung chuông vàng”; “Sinh hoạt Sao nhi đồng”; ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”…
Hay tổ chức các diễn đàn, các hoạt động ngoại khóa, thi văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm như “Trường em ngày Tết”; “Chợ quê”; “Hoạt động hội trại” với nhiều món ăn ẩm thực như làm bánh, nấu ăn…
Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức những hoạt động trải nghiệm cố định xuyên suốt các năm học như chăm sóc vườn rau ngay từ việc làm đất, bón phân, vun trồng, tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ…
Giao mỗi lớp một khu vực riêng, có đánh giá, tổng kết theo từng đợt thi đua của nhà trường.
Với học sinh bậc trung học, hoạt động trải nghiệm còn liên quan đến việc: Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh.
Khuyến khích học sinh nói lên ước mơ của mình và sự quyết tâm để đạt được những ước mơ ấy nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em sau này.