Học bạ số giúp giảm rõ rệt áp lực sổ sách cho giáo viên

31/03/2025 11:14
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), học bạ số vừa giúp giảm áp lực sổ sách cho giáo viên vừa hỗ trợ các trường quản lý hồ sơ khoa học, minh bạch.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số cấp trung học năm 2025. Theo đó, Sở sẽ triển khai thí điểm học bạ số cho 100% học sinh học tại các cơ sở giáo dục cấp trung học và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại Thành phố Hà Nội từ học kỳ 2, năm học 2024-2025.

Theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, các nội dung thí điểm phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu chức năng, kĩ thuật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy chế quản lý, sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số của ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố; sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại Hà Nội, 100% cơ sở giáo dục đã sử dụng phần mềm quản lý giáo dục chuyên ngành https://csdl.hanoi.edu.vn kết nối với cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo tại https://csdl.moet.gov.vn để quản lý hồ sơ học sinh, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, trích ngang hồ sơ giáo viên đáp ứng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, xác thực định danh công dân điện tử của cơ sở dữ liệu dân cư.

Học bạ số là một bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của ngành giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thu Yến - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín, Hà Nội) nhận định, học bạ số mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Theo cô Yến, học bạ số giúp giảm bớt gánh nặng hành chính cho giáo viên. Trước đây, mỗi năm học, giáo viên phải điền và ký tên vào từng học bạ giấy của học sinh tốn nhiều thời gian và công sức. Còn hiện nay, với học bạ số, giáo viên có thể ký xác nhận chỉ bằng một vài thao tác trên phần mềm, nhanh chóng và chính xác hơn. Việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu cũng trở nên thuận tiện, dễ dàng tra cứu thông tin của học sinh mà không cần lục tìm trong các tập hồ sơ giấy dày cộp. Điều này đặc biệt hữu ích khi cần kiểm tra, đối chiếu thông tin hoặc khi phụ huynh có nhu cầu xem lại kết quả học tập của con em mình.

Thi_Tran_22_JPG_ed469f7156.jpg
Thầy cô Trường Trung học cơ sở Thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín, Hà Nội). (Ảnh: website nhà trường)

“Bên cạnh đó, học bạ số giúp nâng cao tính minh bạch và chính xác trong quản lý hồ sơ học sinh. Hệ thống tự động cập nhật điểm số, nhận xét, đánh giá của giáo viên một cách rõ ràng, tránh tình trạng sai sót do ghi chép thủ công. Đồng thời, dữ liệu được bảo mật tốt hơn, hạn chế tình trạng thất lạc hay giả mạo thông tin. Nhờ đó, công tác kiểm định chất lượng giáo dục cũng trở nên hiệu quả hơn, giúp các cơ quan quản lý có cái nhìn tổng quan và chính xác về tình hình học tập của học sinh.

Tuy nhiên, việc triển khai học bạ số cũng gặp khó khăn về hạ tầng kỹ thuật và năng lực công nghệ của giáo viên. Bởi trên thực tế, không phải trường nào cũng có hệ thống máy tính, mạng Internet ổn định để thực hiện việc nhập liệu và lưu trữ học bạ số.

Về lâu dài, nếu có chủ trương triển khai ở các trường vùng sâu, vùng xa, việc áp dụng công nghệ này có thể gặp trở ngại do thiếu trang thiết bị hoặc đường truyền không ổn định. Bên cạnh đó, một số giáo viên lớn tuổi chưa quen với công nghệ số nên gặp khó khăn trong việc sử dụng phần mềm, nhập liệu hay ký số. Điều này đòi hỏi các nhà trường phải tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn để đảm bảo tất cả giáo viên đều có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo hệ thống”, cô Yến nêu quan điểm.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín, Hà Nội) bày tỏ, một trong những vấn đề được quan tâm là chi phí triển khai. Việc sử dụng chữ ký số yêu cầu các giáo viên phải đăng ký dịch vụ, với mức phí khoảng 120.000 đồng/ năm/ chữ ký số. Đây không phải là con số quá lớn, nhưng nếu áp dụng trên diện rộng và lâu dài, cũng cần có phương án hỗ trợ hợp lý từ phía nhà trường hoặc các cấp quản lý giáo dục....

“Dù còn tồn tại một số thách thức, nhưng nhìn chung, học bạ số là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Việc triển khai mô hình này không chỉ giúp giảm tải cho giáo viên mà còn tạo ra một hệ thống quản lý giáo dục hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn. Để việc áp dụng học bạ số đạt hiệu quả cao nhất, tôi cho rằng cần có sự đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đơn vị cung cấp dịch vụ, cũng như sự đào tạo, hướng dẫn đầy đủ cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý để các trường học, đặc biệt là những trường ở vùng khó khăn, có đủ điều kiện triển khai hệ thống này một cách hiệu quả”, cô Yến nhận định.

Cùng bàn vấn đề này, cô Nguyễn Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định, thí điểm học bạ số là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc số hóa học bạ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh trong việc theo dõi quá trình học tập. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, các trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ giữa các bên liên quan.

Theo cô Mai, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu thí điểm triển khai học bạ số. Quá trình này diễn ra theo lộ trình từng bước, từ việc nhập dữ liệu trên phần mềm đến hoàn thiện chữ ký số. Hiện nhà trường đã và đang thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý, tuy nhiên, học bạ số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và cần thêm thời gian để hoàn toàn thay thế học bạ giấy.

“Một trong những ưu điểm nổi bật của học bạ số là khả năng lưu trữ và quản lý dữ liệu một cách chính xác, minh bạch và an toàn. Trước đây, học bạ giấy có thể bị thất lạc, hư hỏng hoặc khó khăn trong việc truy xuất thông tin. Với học bạ số, tất cả dữ liệu của học sinh đều được lưu trữ trực tuyến trên hệ thống, giúp nhà trường và phụ huynh có thể dễ dàng tra cứu khi cần thiết. Điều này không chỉ giảm thiểu sai sót trong quản lý mà còn tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình tổng hợp, đối chiếu thông tin.

Bên cạnh đó, học bạ số còn giúp tăng cường tính liên kết giữa nhà trường và phụ huynh. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc số hóa thông tin giáo dục là xu thế tất yếu. Khi học bạ số được triển khai đồng bộ, phụ huynh có thể dễ dàng theo dõi kết quả học tập của con em mình thông qua các ứng dụng hoặc cổng thông tin điện tử do nhà trường cung cấp. Điều này giúp họ có thể đồng hành, hỗ trợ con trong quá trình học tập một cách sát sao hơn”, cô Mai nêu quan điểm.

Screenshot 2025-03-28 135310.png
Học sinh Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh minh họa: website nhà trường)

Tuy nhiên, cô Mai cho biết, quá trình triển khai học bạ số cũng đặt ra không ít thách thức. Trước tiên, không phải phụ huynh nào cũng thành thạo công nghệ. Nhiều người, đặc biệt là ở các bậc phụ huynh lớn tuổi, có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng hệ thống học bạ điện tử. Vì vậy, nhà trường cần có kế hoạch truyền thông, hướng dẫn cụ thể để giúp phụ huynh làm quen với hệ thống. Cụ thể, trường sẽ tổ chức các buổi họp phụ huynh để phổ biến về học bạ số, đồng thời sử dụng các kênh truyền thông như nhóm lớp, tin nhắn điện tử để hướng dẫn sử dụng hệ thống chi tiết.

Ngoài ra, việc đảm bảo tính bảo mật và an toàn dữ liệu cũng là một vấn đề quan trọng. Khi tất cả thông tin của học sinh đều được số hóa, nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu hoặc bị tấn công mạng là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, các cơ quan quản lý giáo dục và đơn vị phát triển hệ thống cần đầu tư vào công tác bảo mật, đảm bảo dữ liệu học sinh được bảo vệ an toàn, tránh những rủi ro không đáng có.

“Một vấn đề khác cần lưu ý là sự đồng bộ giữa các hệ thống quản lý giáo dục. Hiện tại, nhiều trường học vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi từ hình thức quản lý truyền thống sang số hóa, dẫn đến việc sử dụng các phần mềm khác nhau. Nếu không có một hệ thống thống nhất trên toàn quốc, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng dữ liệu bị phân mảnh, gây khó khăn trong quá trình quản lý và tra cứu thông tin. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có định hướng rõ ràng trong việc xây dựng một hệ thống học bạ số thống nhất, đảm bảo tính kết nối giữa các cấp quản lý và nhà trường.

Về việc mở rộng triển khai học bạ số trên diện rộng, theo tôi, đây là một bước đi hợp lý trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả, cơ quan quản lý giáo dục cần có lộ trình phù hợp. Trước mắt, việc thí điểm tại Hà Nội giúp đánh giá những ưu điểm và hạn chế của hệ thống, từ đó rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra các tỉnh thành khác. Nếu học bạ số được triển khai đồng bộ và khoa học, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho toàn bộ hệ thống giáo dục.

Tựu chung, thí điểm học bạ số là một bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của ngành giáo dục. Dù vẫn còn những thách thức nhất định, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ từ nhà trường, phụ huynh đến cơ quan quản lý, học bạ số được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên, học sinh và phụ huynh”, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ.

Chú trọng bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục

Còn ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, năm học 2023-2024, Phòng đã triển khai học bạ số phạm vi thí điểm 100% các trường tiểu học trên địa bàn quận theo Kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội.

gdvn-thuyquynh-1465.jpg
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội). (Ảnh: Thúy Quỳnh)

“Với năm học 2024-2025, từ việc đánh giá, rút kinh nghiệm từ năm học trước, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã điều chỉnh, hoàn thiện lộ trình triển khai đối với cấp tiểu học và thí điểm đối với cấp trung học cơ sở. Phạm vi triển khai là 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận, đảm bảo các trường tham gia có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin và nhân lực.

Bên cạnh đó, Phòng sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường về quy trình, phần mềm và kỹ năng sử dụng chữ ký số, học bạ số. Mới đây, tháng 2/2025, Phòng đã đón đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội về việc triển khai học bạ số cấp tiểu học năm học 2024-2025 và được đánh giá cao”, ông Thuận thông tin.

Ông Thuận cho biết, học bạ số giảm rõ rệt áp lực sổ sách cho giáo viên, đồng thời giúp các trường dễ theo dõi và quản lý hồ sơ nhẹ nhàng, khoa học hơn. Phụ huynh cũng có thể thuận tiện tra cứu kết quả học tập của con em mình một cách dễ dàng, qua đó phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc nhắc nhở, đôn đốc học sinh học tập hiệu quả hơn. Việc này cũng tiết kiệm cho nhà trường vì không cần in ấn. Lợi ích nhất của việc thực hiện học bạ điện tử chính là tránh tối đa việc gian lận hay xin điểm của các phụ huynh. Khi hệ thống đã khóa trở lại, giáo viên có muốn thay đổi điểm số, lời nhận xét của học sinh nào đó đều phải báo cáo về chuyên môn của nhà trường, nói rõ lý do chỉnh sửa để nhà trường xem xét, xác nhận và báo cáo với cấp trên mới được vào để sửa lại.

“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các cơ sở giáo dục đang gặp phải trong quá trình triển khai học bạ số là sự thiếu liên thông và thống nhất giữa các cơ quan quản lý giáo dục. Để khắc phục vấn đề này, các cơ sở giáo dục đề xuất tăng cường kết nối và đồng bộ dữ liệu trên phạm vi toàn quốc.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét xây dựng một hệ thống học bạ điện tử liên thông giữa các địa phương, giúp đồng bộ dữ liệu và hạn chế tình trạng học sinh phải in học bạ giấy khi chuyển trường. Bên cạnh đó, việc kết nối học bạ điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hỗ trợ xác minh danh tính học sinh một cách chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết”, ông Thuận bày tỏ.

Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết thêm, ngay từ năm học 2023-2024, Phòng đã hỗ trợ đăng ký cấp chứng thư số tổ chức và cá nhân cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành; tổ chức các buổi Hội thảo, tập huấn mời chuyên gia hướng dẫn sử dụng chữ ký số và học bạ số; lập nhóm hỗ trợ và trao đổi thông tin để đảm bảo tiến độ, hiệu quả công việc.

“Bên cạnh đó, Phòng đã chú trọng trau dồi thêm kỹ năng, bồi dưỡng năng lực số qua các buổi chuyên đề, tập huấn, gần đây nhất là Khoá tập huấn bồi dưỡng, tập huấn ứng dụng AI trong quản lý và giảng dạy cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành với 27 ngày học dành cho 8 nhóm đối tượng khác nhau. Trong thời gian tới, cán bộ, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Ba Đình sẽ được bồi dưỡng năng lực số tiệm cận đáp ứng mô hình ‘Trường học số Google’, ứng dụng hệ sinh thái Apple Education trong giảng dạy”, ông Thuận nhấn mạnh.

Thu Thuỷ