Việt Nam đã triển khai tàu ngầm Hà Nội trên Biển Đông và sắp đưa tàu ngầm Tp.Hồ Chí Minh về nước bảo vệ chủ quyền biển đảo. |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 1 đăng bài viết nhan đề "Học giả kêu gọi làm tốt chuẩn bị cho Hoàng Sa gặp chuyện, quan hệ Trung-Việt có thể trệch hướng" của tác giả, nhà nghiên cứu Kha Tiểu Trại, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Bài viết cho rằng, từ ngày 18 tháng 1 năm 2014, một số địa phương của Việt Nam đã tổ chức triển lãm ảnh "Hoàng Sa thuộc về Việt Nam", lễ tưởng niệm các chiến sĩ trong hải chiến Hoàng Sa, hội thảo quốc tế "Hoàng Sa của Việt Nam"... để kỷ niệm tròn 40 năm hải chiến Hoàng Sa.
Theo bài viết, Việt Nam sẽ tiến hành hoạt động kỷ niệm tròn 35 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Điều này cho thấy, khả năng "trệch hướng" quan hệ Việt-Trung đang gia tăng.
Bài báo cho rằng, tinh thần dân tộc của người Việt Nam lên cao, thách thức của quan hệ Việt-Trung ngày càng nghiêm trọng. Những năm gần đây, mâu thuẫn giữa hai nước Việt-Trung ngày càng tập trung vào vấn đề Biển Đông. Đối với Biển Đông, quan điểm của chính quyền và người dân Việt Nam là thống nhất, đó là "liên quan đến sự tồn vong của dân tộc".
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard của Hải quân Việt Nam |
Căn cứ vào quy hoạch chiến lược biển của Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam muốn làm cho kinh tế biển chiếm 53-55% GDP, vì vậy không ngừng tiến ra Biển Đông là sự lựa chọn tất yếu.
Mặt khác, bài báo dẫn "rất nhiều người Việt Nam" lo ngại, Trung Quốc sẽ trở thành trở ngại thực hiện mục tiêu trên của Việt Nam, cho rằng Trung Quốc tiếp tục mạnh lên cuối cùng sẽ đe dọa sự "sống còn của dân tộc Việt Nam", có nhiều người coi vấn đề Biển Đông là vấn đề có thể thúc đẩy đoàn kết dân tộc.
Truyền thông TQ nói rằng trong hoạt động kỷ niệm lần này, Việt Nam đã đánh giá lại đối với chính quyền ngụy Sài Gòn, tay sai của Mỹ trước đây và gọi là “Việt Nam cộng hòa”, hơn nữa coi trọng những đóng góp của họ cho lợi ích dân tộc.
Bài viết phản động này gọi vấn đề Biển Đông là cái cớ để Việt Nam thực hiện đoàn kết dân tộc và coi chủ trương và hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc đối với biển đảo của Việt Nam là "bảo vệ chủ quyền". Theo bài báo, với sự tương tác như vậy thì tinh thần của người Việt đối với Trung Quốc sẽ khó "lặng sóng".
Bài báo tuyên truyền, tính vững chắc của trụ cột quan hệ Việt-Trung đang "yếu đi", chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc đang đối mặt với sức ép "thay đổi".
Từ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt-Trung trải qua khó khăn, nhưng vẫn có thể phát triển thuận lợi, quyết tâm và ý chí phát triển hợp tác hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước đã phát huy vai trò quan trọng.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Việt Nam |
Đến nay, công cuộc đổi mới, mở cửa của Việt Nam đã hình thành con đường phát triển riêng, những thứ cần học ở Trung Quốc đã không nhiều. Việt Nam đồng thời phát triển và tăng cường quan hệ với các nước phương Tây như Mỹ, gia nhập ASEAN, báo chí nước này cho rằng "theo đó, nhu cầu cùng Trung Quốc chống lại các mối đe dọa bên ngoài đã giảm mạnh".
Nhưng, bài viết bày tỏ “rất khó” có thể lạc quan về tình hình, đồng thời nói ra nói vào về hoạt động kỷ niệm tròn 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc.
Tác giả bài viết tỏ ra lo ngại về những hoạt động kỷ niệm bình thường, muốn nói đúng lịch sử vốn có này của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.
Máy bay trực thăng của Cảnh sát biển Việt Nam |
Bài viết cho rằng, Trung Quốc vẫn luôn quyết tâm chủ trương "quần đảo Hoàng Sa (chủ quyền của Việt Nam) không có tranh chấp", "khi ASEAN và Trung Quốc bàn về vấn đề Biển Đông sẽ không đề cập tới Hoàng Sa".
Tuy nhiên, theo bài báo, gần đây có học giả Việt Nam đã đề nghị xem xét tận dụng thời cơ để trực tiếp thu hồi Hoàng Sa. Bài viết có ý cho rằng, Trung Quốc sẽ quyết giữ để "Hoàng Sa (của Việt Nam) không có tranh chấp", không để Việt Nam tiến hành "đột phá" trong vấn đề này.
Theo đó, bài viết cho rằng, Trung Quốc cần phải làm tốt công tác chuẩn bị cho việc "Hoàng Sa gặp sự cố" như chuẩn bị cho cuộc chiến ngoại giao, cuộc chiến dư luận, cuộc chiến pháp lý và xung đột ngoài ý muốn.
Bài viết cũng cho rằng, đương nhiên, Việt Nam và Trung Quốc vẫn có rất nhiều lợi ích chung có thể kiềm chế xung đột, ít nhất phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hai nước. Ở Việt Nam cũng có không ít quan điểm hữu nghị, nhưng bài báo cho rằng, những quan điểm này đã giảm đi.
Tên lửa phòng không S-300 của Việt Nam |
Trong tình hình khó khăn như vậy, bài viết đề nghị Trung Quốc tăng cường "ủng hộ" những quan điểm này, bài viết còn "kêu gọi" Việt Nam tránh để "chủ nghĩa dân tộc" gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ Việt-Trung.