Học hành thì ấm vào thân, đừng cân đo, mặc cả!

02/05/2020 06:45
HỒNG LAM SƠN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Dù hoàn cảnh nào cũng phải học tốt, học để có kiến thức thực sự, cần thiết cho bản thân chứ không học cho ai cả.

Thật nực cười khi có một số người lúc thì đòi hỏi bỏ thi, xét tốt nghiệp; lúc thì đòi tinh giản chương trình; “giản đụng trần” rồi lại còn đòi "giản" tiếp!

Từ đó, không những học sinh, thầy cô và cả phụ huynh cũng hoang mang, không biết “phen này” vì đại dịch bỏ thi hay còn thi để biết đường … mà học!

Kỳ lạ quá! Chắc chỉ có học sinh ít quốc gia (trong đó có học sinh nước mình) vẫn theo “tinh thần muôn thuở” là có thi mới có học; không thi thì không học!

Điều thứ nhất, chúng ta trả lời câu hỏi: Học cho ai? Câu trả lời rất dễ dàng là học cho chính mình chứ không cho ai khác! Học để nắm kiến thức và vận dụng kiến thức vào cuộc sống! 

Dù hoàn cảnh nào cũng phải học tốt, học để có kiến thức thực sự, cần thiết cho bản thân chứ không học cho ai cả. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Dù hoàn cảnh nào cũng phải học tốt, học để có kiến thức thực sự, cần thiết cho bản thân chứ không học cho ai cả. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Học để hiểu hiết, để có nghề nghiệp nuôi sống mình; học để biết đúng sai, phải trái; biết cái xấu để tránh, biết cái tốt nên làm…

Điều đó rất đúng với ý kiến trong bài “Thi hay xét tốt nghiệp cũng phải học” (Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 14/4/2020).

Điều thứ hai, học sinh chúng ta đã thực sự học chưa? Câu trả lời là “đã có học” nhưng chưa có tự học đúng nghĩa!

Học sinh chúng ta hiện nay chỉ chực chờ thầy cô “mớm bài”, “mớm” cách hiểu rồi nhắc lại, ghi lại chứ ít có sự sáng tạo trong việc nêu cách hiểu của bản thân…

Thầy Lê Viết Khuyến nói không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi quốc gia
Thầy Lê Viết Khuyến nói không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi quốc gia

Học một bài thơ, một đoạn thơ thì cũng lặp đi lặp lại chừng ấy ý của thầy cô; không bao giờ dám “đánh cược” ý của mình vào vì sợ sai, sợ “chệch” ra ngoài những lời “vàng ngọc” của thầy cô!

Điều thứ ba, học sinh chúng ta đã thực sự đam mê, sáng tạo trong học tập chưa? Câu trả lời là rất ít, rất hiếm khi học sinh đam mê, sáng tạo trong học tập.

Bằng chứng là khi học thì có bài giảng của thầy cô; khi thi thì đã có “đề cương ôn tập”; có “đề minh họa” với những lời giải chi tiết, cặn kẽ…

Đó là chưa nói đến “vấn nạn dạy thêm” đã triệt tiêu sự sáng tạo; lấy cắp thời gian tự học của các em; lấy cắp những tháng hè thư giãn, nghỉ ngơi của các em.

Nếu bỏ thi thì thật sự không công bằng cho những học sinh chịu học, siêng năng, cần cù và chỉ có thi mới đánh giá được phần nào thực chất việc dạy và học!

Nếu bỏ thi thì rất nhiều người mừng vì “trút được gánh nặng thi cử” nhưng xin thưa; mọi người sẽ thấy hậu quả của nó là học sinh sẽ không còn mặn mà chuyện học nữa vì các em nghĩ rằng trước sau gì thì học giỏi học dở gì chăng nữa thì cũng xét được tốt nghiệp!

Mặc cả chuyện học là điều không bình thường trong thời điểm hiện nay! Mỗi phụ huynh, mỗi thầy cô giáo cần làm tốt tư tưởng cho học sinh, cho con em mình.

Đó là dù hoàn cảnh nào cũng phải học tốt, học để có kiến thức thực sự, cần thiết cho bản thân chứ không học cho ai cả.

HỒNG LAM SƠN