Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là một trong những cái nôi đào tạo ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước.
Để tìm hiểu thêm về việc đào tạo, tuyển sinh cũng như cơ hội việc làm tại hai trường đại học trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam (Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và Giáo sư Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Cơ hội việc làm cao, dễ khởi nghiệp
Theo tìm hiểu của phóng viên qua Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tỷ lệ sinh viên ngành Kỹ thuật cấp thoát nước có việc làm là 100%.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, Ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước có một vai trò rất quan trọng đối với xã hội, ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng và phát triển các đô thị, đặc biệt trong bối cảnh quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương.
Nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực cấp thoát nước hiện nay rất lớn để đáp ứng khối lượng công việc có liên quan (như báo cáo tổng kết của Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại tuần lễ Nước Việt Nam tại Bình Dương năm 2023).
Với chương trình được đào tạo và kiến thức sinh viên được trang bị tại trường, các em sau khi ra trường có thể làm việc được ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài nước, thậm chí có thể tiếp tục được học tập ở các bậc đào tạo tiếp theo. Hằng năm, khoa và nhà trường luôn nhận được thông tin tuyển dụng kỹ sư của ngành này từ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý các cấp và qua khảo sát sinh viên sau khi tốt nghiệp, các em đều có việc làm ngay.
"Các doanh nghiệp và sinh viên thông tin về mức lương từ 12-20 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào vị trí công việc và năng lực của mỗi em. Trong những lần làm việc với một số doanh nghiệp (như Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Thọ, Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương…) lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đã trao đổi với khoa về mức lương của các cán bộ kỹ thuật như vậy, thậm chí nhiều cán bộ có mức lương cao hơn nhiều do vị trí và những đóng góp của họ cho doanh nghiệp", Tiến sĩ Nam chia sẻ.
Theo vị Trưởng khoa, bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị, các khu công nghiệp, làng nghề cũng không ngừng phát triển.
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các khu vực này là yêu cầu bắt buộc, luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm và các doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng, trong đó có các hệ thống cấp thoát nước.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là các hệ thống cấp nước, thoát nước tại nhiều khu vực này chưa đáp ứng được như yêu cầu, nhất là việc thu gom và xử lý nước thải, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Để hệ thống cấp nước, thoát nước tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề xây dựng, quản lý, vận hành được hiệu quả cao, bền vững (đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy phạm, kinh tế…), rất cần đến chuyên môn, kiến thức của các kỹ sư cấp thoát nước. Vì vậy, cơ hội việc làm của các kỹ sư cấp thoát nước ở đây là rất nhiều.
Theo như giới thiệu trên trang web của Trường Đại học Xây dựng, sinh viên học ngành học trên có thể có cơ hội khởi nghiệp như sản xuất, kinh doanh các thiết bị, vật tư ngành nước. Nhiều cơ hội khởi nghiệp sớm và thành đạt.
Chia sẻ về nội dung này, Giáo sư Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, ngành nước giao thoa giữa công trình xây dựng và mảng bảo vệ môi trường. Nó không chỉ liên quan đến công trình, mà còn liên quan đến vật tư thiết bị, công nghệ.
"Nước như mạch máu trong cơ thể sống, để nước uống được phải xử lý qua các thiết bị, công nghệ vật tư thiết bị ngành nước như ống gang, ống nhựa…
Muốn có sự thành công trong buôn bán, người kinh doanh phải có sự am hiểu về lĩnh vực mình kinh doanh. Đối với sinh viên của nhà trường khi tốt nghiệp, nếu thích kinh doanh, em đó sẽ có khả năng thuyết phục được khách hàng vì hiểu được sản phẩm ngành nước phục vụ cho đối tượng khách hàng nào, thị trường nào.
Bên cạnh đó, thiết bị vật tư ngành nước không bao giờ bị "đóng băng". Đồng thời, các nhu cầu liên quan đến nước lúc nào cũng cần thực tế, vấn đề ô nhiễm nước luôn cần phải xử lý", Giáo sư Việt Anh chia sẻ.
Ông chia sẻ thêm, hiện nay, ở Việt Nam, mới có 1/6 nước thải đô thị được xử lý, và với tốc độ đầu tư như 20 năm qua thì phải hơn 100 năm mới xử lý được hết nước thải. Nhu cầu đầu tư cho cấp nước, thu gom và xử lý nước thải ở đô thị, nông thôn, công nghiệp còn rất lớn. Đến 2030, thị trường ngành nước ở Việt Nam là khoảng 20-30 tỷ đô la, kéo theo rất nhiều nhu cầu lao động. Và thiết bị vật tư ngành nước vẫn sẽ được tiêu thụ tốt.
Sinh viên ngành Kỹ thuật cấp thoát nước có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, với truyền thống đào tạo, đặc biệt là lợi thế đào tạo của khoa (các chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị đang được đào tạo trong cùng 1 khoa), sinh viên và giảng viên các chuyên ngành có sự phối hợp với nhau nên luôn có rất nhiều các hướng đề tài nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực này. Khoa luôn tự hào về phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên của khoa.
Hằng năm, số lượng các nhóm sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học của khoa luôn ở tốp đầu của Trường. Nhiều đề tài đã đạt giải cao của Trường và được đề xuất gửi dự thi ở các cấp cao hơn. Năm 2019, đề tài “xây dựng mô hình tận dụng năng lượng xanh phục vụ làng nghề chế biến thực phẩm các tỉnh miền bắc” đạt giải khuyến khích – Vifotec.
Đặc biệt, khoa cũng là một trong các khoa của trường có phong trào sinh viên khởi nghiệp rất sôi nổi. Năm 2020, nhóm sinh viên của khoa đã được vào Vòng chung kết toàn quốc dự án khởi nghiệp sinh viên với đề tài “Trạm xử lý nước cấp di động thông minh công suất 100m3/ngđ”.
Còn tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Việt Anh cho biết, Viện có nhiều dự án hợp tác quốc tế nhiều nhất trường. Sinh viên học luôn có các chuyên gia nước ngoài đến giảng bài.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhà trường có chương trình Cấp thoát nước dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên cũng được làm đồ án, bảo vệ đồ án bằng tiếng Anh. Khi sinh viên học xong đại học, có kết quả học lực khá, tiếng Anh tốt, sẽ được thầy cô giới thiệu đến các đối tác để xét học bổng du học.
Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu về ngành nước có rất nhiều hướng mới. Nước là vấn đề của toàn cầu nên có nhiều học bổng do nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế tài trợ.
Mỗi năm sinh viên ngành nước có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, do các em tự lựa chọn hay theo gợi ý của thầy cô. Giả dụ, có nhóm nghiên cứu xử lý nước hồ bị ô nhiễm, nhiều tảo.
Giảng viên đã hướng dẫn cho các em phương pháp để tạo hệ bọt mịn và siêu mịn, đưa vào trong nước; bọt nổi lên sẽ kéo theo tảo nổi lên và dễ dàng được tách ra, giúp nước hồ được sạch. Hay có đề tài biến từ bùn thành phân bón hoặc chuyển hóa thành dạng khí sinh học để phát điện, cấp nhiệt.
Dù có nhiều ưu thế, nhưng theo Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho thấy, số lượng thí sinh nhập học ngành này những năm gần đây giảm. Theo đó, năm 2021 là 96/100 thí sinh nhập học, năm 2022 có 38/102 thí sinh nhập học.
Về việc này, Giáo sư Nguyễn Việt Anh cho biết, trong những năm gần đây, xu thế của thí sinh chạy theo những ngành “hot” mang tính thương mại như công nghệ thông tin…, nên những trường đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật có sự lép vế.
Ông nhận định, dần dần, khi các ngành nghề cần thiết, có ích, gắn liền với giá trị xã hội được ghi nhận và biết đến nhiều hơn, khi đó ông tin ngành nước sẽ khẳng định được vị thế.
Theo Giáo sư Nguyễn Việt Anh, mặc dù đã có Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng nhưng những luật đó chưa bao hàm hết cho ngành nước. Sắp tới, Luật Cấp, thoát nước được xây dựng sẽ là điều quan trọng cho sự phát triển của nguồn lao động ngành này.
Học ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước có bị áp lực?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, sinh viên học tại nhà trường, ngoài việc được trang bị kiến thức, kỹ năng hiểu về kỹ thuật hạ tầng đô thị để thiết kế hệ thống cấp thoát nước đô thị;
Hiểu và vận dụng được các kiến thức về thiết bị điện, hệ thống điện, cung cấp điện, tự động hóa làm cơ sở cho việc lựa chọn, các giải pháp thiết kế công trình đơn vị trong hệ thống cấp nước, thoát nước đô thị và công trình….
Sinh viên còn được trang bị các kiến thức liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, các kiến thức về tin học ứng dụng, ngoại ngữ…để trang bị cho sinh viên kiến thức tổng thể nhất về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, đồng thời thích ứng với sự phát triển về khoa học công nghệ trong thời đại 4.0 như hiện nay.
Bên cạnh đó, sau khi ra trường sinh viên cũng cần có các kỹ năng như: thuyết trình, báo cáo, quan sát, thể hiện bản vẽ, thực hiện các thí nghiệm và vận hành các hệ thống cấp thoát nước…các kỹ năng này được cung cấp thông qua các học phần đào tạo tương ứng, đặc biệt là các học phần thực tập, thí nghiệm, tham quan chuyên ngành và các đồ án (đồ án môn học và đồ án tốt nghiệp), theo như chuẩn đầu ra của sinh viên ngành Kỹ thuật cấp thoát nước đã ban hành.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc sinh viên phải học nhiều nội dung kiến thức như trên liệu có bị áp lực hay không, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cho hay, ngành Kỹ thuật cấp thoát nước là một trong những ngành kỹ thuật được đào tạo từ ngày thành lập trường (năm 1969). Trải qua 55 năm đào tạo, chương trình đào tạo của ngành này luôn được điều chỉnh, cập nhật để đáp ứng với thực tế và sự phát triển của ngành.
Các mảng kiến thức và các học phần như phóng viên đề cập là những mảng kiến thức bổ trợ cho kỹ sư Cấp thoát nước, đồng thời đáp ứng theo chuẩn đầu ra của ngành. Trong quá trình học, các em sinh viên, có ý thức học tập tốt, luôn cố gắng phấn đấu thì không gặp áp lực gì lớn, kể cả đối với các bạn sinh viên nữ.