Học sinh bỏ học sau Tết Nguyên đán trở thành vấn nạn lặp đi lặp lại, làm đau đầu nhà trường, thầy cô giáo, các cấp quản lý ở nhiều địa phương, nhất là vùng cao, miền núi, vùng ven biển…
Học sinh các cấp học có muôn kiểu bỏ học sau Tết.
Trung, học sinh lớp 8, ở một trường Trung học cơ sở, thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), năm ngoái bỏ học luôn, vì chán học, kết quả học lực học kỳ 1 bị xếp loại yếu, các môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh dưới 3,0.
Cường, học sinh lớp 12 ở huyện vùng ven biển (Bình Định) thì bị các thanh niên trong làng đi làm xa về, ăn mặc sang chảnh, có nhiều tiền và vàng rủ rê, lôi kéo:
"Mày nghỉ học đi, vào Sài Gòn đi làm với tụi tao, tiền bạc tiêu xài thoải mái…”
Giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học sau Tết là trách nhiệm của nhà trường. (Ảnh minh hoạ: Baoquangnam.vn) |
Thế là Cường khăn gói theo chúng bạn vào Nam sau Tết, mặc cho gia đình, thầy cô giáo động viên, khuyên nhủ cạn lời.
Gia đình thuộc diện hộ nghèo, đông anh chị em, phải chạy gạo từng bữa, đây là lý do Nụ, một nữ học sinh lớp 9 ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) quyết định bỏ học, theo cha mẹ, anh chị em, bà con dân làng vào rừng hái đót, chặt keo thuê… kiếm tiền mưu sinh.
Ở các vùng khó khăn hễ càng nghỉ tết dài ngày thì nguy cơ con em bỏ học, nghỉ học “giã gạo” càng gia tăng.
Ngày đầu tiên đi học trở lại sau nghỉ Tết, có trường, có lớp lèo tèo được năm bảy em.
Những ngày học kế tiếp, mới thấy học sinh đến trường đông hơn. Phải mất cả tuần lễ, việc dạy học của nhà trường mới tương đối ổn định.
Nhà trường, giáo viên, các cấp chính quyền rất lo lắng về tình hình sĩ số học sinh biến động sau Tết.
Bỏ học, mất đi mấy chục em là nhà trường khó “ăn nói” với phụ huynh, đồng bào, đặc biệt các cấp quản lý.
Làm sao để kéo học trò khỏi game online trong những ngày nghỉ Tết? |
Nhiều biện pháp để duy trì sĩ số học sinh, chống bỏ học đã được triển khai:
Tuyên truyền, nhắc nhở đến học sinh, phụ huynh trước khi về nhà nghỉ Tết; quan tâm, giúp đỡ các em học tập còn yếu kém; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ… trong tuần học đầu sau Tết nhằm lôi cuốn, thu hút các em;
Tổ chức, phân công các giáo viên đến nhà học sinh có nguy cơ nghỉ học, vận động, phân tích; nhờ chính quyền, già làng trưởng bản cùng phối hợp, chung tay tuyên truyền….
Các biện pháp giáo dục như thế, các nhà trường cần tiếp tục duy trì, phối hợp, tác động trực tiếp đến học sinh và phụ huynh ở những nơi, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhận thức về văn hóa, học vấn của bộ phận đồng bào, ngư dân còn hạn chế.
Duy trì sĩ số, giảm thiểu được tình trạng học sinh bỏ học sau Tết Canh Tý này vừa là trách nhiệm vừa là tình thương của nhà trường, thầy cô giáo dành cho các em học sinh và phụ huynh.