Học sinh chỉ thích những giám thị dễ tính, xuề xòa vào gác kiểm tra

28/12/2019 06:25
THANH AN
(GDVN) - Có những giám thị bước vào phòng là học sinh vỗ tay rào rào, tươi cười chào đón vì các em đã quá hiểu tính cách của thầy (cô) làm giám thị phòng mình.

Có một thực tế đang tồn tại trong các nhà trường là khi kiểm tra học kỳ thì học sinh cực kỳ thích thú những thầy cô dễ tính. Những thầy cô nghiêm khắc không chỉ là nỗi ám ảnh học trò mà đôi lúc còn bị đồng nghiệp mánh khóe vì gác kiểm tra quá khó.

Vậy nhưng, có nhiều thầy cô không bao giờ thay đổi tích cách của mình khi gác kiểm tra. Thôi thì…giữa lúc xô bồ của chuyện thật- giả, mình cứ làm tròn trách nhiệm của mình, dù ít nhiều cũng nuôi dưỡng cho học trò sự trung thực và các em “biết sợ” để học hành.

Những giám thị dễ tính luôn được học trò yêu thích (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Những giám thị dễ tính luôn được học trò yêu thích (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Bước vào thời điểm kiểm tra học kỳ, giáo viên trường nào cũng vất vả nhiều hơn. Sự vất vả không chỉ là chuyện chấm bài kiểm tra mà số buổi được phân công làm giám thị cũng nhiều hơn những tuần dạy bình thường trên lớp.

Chính vì xem trọng sự trung thực, khách quan trong dịp kiểm tra học kỳ nên các nhà trường luôn bố trí 2 giám thị trong lớp. Giám thị 1 ngồi ở phía trên, giám thị 2 ở cuối lớp để giám sát học sinh làm bài.

Thế nhưng, không phải lúc nào 2 giám thị cũng làm tròn trách nhiệm của mình bởi khoảng thời gian học sinh làm bài thì vẫn có những giám thị làm việc riêng, thậm chí cả 2 giám thị không tập trung cho công việc chính của mình.

Học sinh chỉ chờ có thể, các em có thể trao đổi, thảo luận với nhau thoải mái mà không sợ thầy cô nhắc nhở. Đôi khi, thầy cô có nhắc cũng chỉ là hình thức, chiếu lệ cho có mà thôi.

Trong những môn kiểm tra học kỳ, có lẽ học sinh thường ngán nhất là 2 môn Toán và Tiếng Anh. Thực tế cho thấy 2 môn học này vẫn thường có điểm thấp nhất trong các môn học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Tâm lý chung của học trò là những môn khó mà gặp giám thị dễ thì nhẹ nhàng và dễ thở hơn vì các em còn trao đổi, hoặc nhìn bài của bạn.

Gặp giám thị nghiêm túc, làm đúng trách nhiệm của mình thì những em có học lực yếu rất khó có thể làm hết các câu hỏi, bài tập trong đề bài. Chỉ trừ khi đề của trường và những em học yếu đi học thêm với thầy cô giáo đang dạy mình.

Vì sao học sinh luôn thích giám thị dễ tính?

Học sinh chỉ thích những giám thị dễ tính, xuề xòa vào gác kiểm tra ảnh 2Coi kiểm tra, chấm bài học kỳ xin đừng tháo khoán và sính thành tích

Học trò bây giờ có nhiều em không chịu học bài, khi kiểm tra học kỳ chỉ có thể làm những câu hỏi dễ, những câu hỏi khó chủ yếu là nhờ bạn kế bên.

Vào lớp, việc đầu tiên là học sinh tự kê lại bàn ghế sát vào nhau. Nếu gặp được giám thị dễ thì xem như một vở kịch hoàn hảo từ đầu đến cuối. Học trò dù giỏi hay dở cũng đều yên tâm làm bài, yên tâm mình sẽ được điểm cao vì nếu gặp câu hỏi khó đã có bạn kế bên, bạn ngồi phía trên giúp sức.

Chính vì thế, có những giám thị khi bước vào phòng là học sinh vỗ tay rào rào, tươi cười chào đón vì các em đã quá hiểu tính cách của thầy (cô) giám thị phòng mình.

Sau khi phát bài kiểm tra, có giám thị ra hành lang bắt chuyện với giám thị hành lang hoặc giám thị phòng bên để cà kê nói chuyện. Bỏ mặc lớp, bỏ mặc cho giám thị còn lại vất vả quản học trò trong lớp.

Có những giám thị không ra ngoài nhưng khi học sinh bước vào làm bài kiểm tra là lúc giám thị lấy điện thoại ra chơi game, lướt facebook suốt buổi. Đôi lúc còn cười một mình như chốn không người.

Có những giám thị thấy học sinh trao đổi, quay cóp cũng không có ý định nhắc nhở. Thậm chí, thấy học sinh không làm được bài còn gợi ý nhìn bài bạn kế bên.

Vậy nên, trong phòng kiểm tra chỉ vài em làm được bài là cả phòng làm được hết. Chưa hết thời gian thì trong phòng kiểm tra đã ồn ào tiếng chuyện trò của học sinh. Bởi, các em đã làm xong bài mà học trò thì rất dễ bắt chuyện với nhau…

Những giám thị dễ tính như thế, học sinh thích thú vô cùng, luôn dành những lời tốt đẹp cho những thầy cô, luôn có ánh mắt dễ chịu khi thầy cô bước vào phòng mình. Bởi, học trò thường bộc lộ tình cảm rất thật…

Những giám thị làm đúng trách nhiệm của mình không được học sinh chào đón!

Học sinh chỉ thích những giám thị dễ tính, xuề xòa vào gác kiểm tra ảnh 3
Thưa đồng chí thanh tra, có phải cấp trên muốn chúng tôi báo cáo láo?

Khi học sinh đang đứng ở hành lang đợi giám thị số 2 vào để ghi số báo danh và gọi vào phòng thì các em luôn dõi theo thầy cô nào sẽ bước vào phòng của mình. Một số giám thị bước vào gần đến cửa lớp đã nghe học sinh “khấn thầm”: đừng vào lớp em thầy ơi!...

Nếu thầy cô khó tính ấy bước qua thì học sinh thở phào nhẹ nhõm nhưng bước vào phòng đó thì kiểu gì cũng nghe tiếng của học trò: thôi xong…

Khi các em ổn định xong thì lại chờ đợi giám thị 1 của phòng mình. Khi gặp thầy cô “khó có truyền thống” bước vào thì lớp im lặng phăng phắc, học trò chẳng thể nào cười được. Lúc làm bài kiểm tra, thầy cô dõi theo mọi hoạt động của học trò, chỉ cần có hành động trao đổi, cho bạn nhìn bài liền bị thầy cô nhắc nhắc.

Tất nhiên, gặp những giám thị khó tính chỉ có những em học giỏi mới làm hết được bài và nhiều em khi hết thời gian vẫn còn những câu không làm được. Đến khi lên nộp bài kiểm tra, học trò lắc đầu, lè lưỡi than thầy, cô khó tính. Một số em còn khó chịu với giám thị và buông những câu đại loại: thầy khó quá; thầy phũ quá…

Nghe riết thành quen, những thầy cô được xem là khó tính không lấy đó làm buồn lòng. Bởi, thực tế điểm kiểm tra học kỳ cũng chỉ là một trong vô vàn các cột điểm của học trò mà thôi.

Điểm cao hay thấp thì cũng chỉ lên hay xuống một vài phẩy nhỏ nhưng vấn đề là thầy cô hướng học trò tới bài học về lòng trung thực để biết quý trọng hơn việc học hàng ngày của mình.

Gác dễ, thầy cô cũng không mất mát gì mà còn được học trò yêu thích mình nhiều hơn. Gác khó học sinh không thích, thậm chí học trò còn dành những lời lẽ khó nghe cho thầy cô của mình.

Song, một số thầy cô vẫn chọn cách làm đúng với trách nhiệm của một người giám thị. Họ không muốn thấy thành tích ảo, không du di cho học trò khi kiểm tra. Và, họ tin những gì họ đang làm sẽ giúp ích cho học sinh nhiều hơn là có thái độ dễ dãi trong lúc gác kiểm tra.

THANH AN